Bến Tre: Hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

18/10/2017 00:00

(TN&MT) – Tỉnh ủy Bến Tre vừa tổ chức sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và Kết luận số 26 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020.

Báo cáo cho thấy, qua một năm triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể tại tỉnh Bến Tre đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo và điều hành, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, phù hợp với điều kiện sinh thái và nhu cầu thị trường; bước đầu hình thành những vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

Việc nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường được chú trọng, góp phần tăng thêm giá trị gia tăng trong từng sản phẩm.

Kết quả sau một năm thực hiện, cơ cấu sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, giảm tỷ trọng thủy sản. Kết quả cho thấy, ngành trồng trọt tăng từ 31,33% lên 33,74%; chăn nuôi ổn định (giảm từ 20,84% xuống 20,44%); thủy sản giảm từ 47,84 xuống 45,82% . Hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất luôn tăng qua các năm, nhất là trồng trọt tăng từ 51 triệu đồng năm 2013 lên 73 triệu đồng năm 2016; thu nhập bình quân của người dân nông thôn từ 21 triệu đồng năm 2013 tăng lên 32 triệu đồng năm 2016.

Tỉnh ủy Bến Tre cũng nhìn nhận, sự vào cuộc của các cấp ủy và sự tham mưu, phối hợp của các ngành, các cấp trong quá trình triển khai chưa thật quyết liệt. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn nhiều hạn chế. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, hợp tác xã với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định. Chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi còn chạy theo số lượng, chưa đẩy mạnh sản xuất theo hướng sạch, an toàn.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu cấp ủy đảng, các ngành, các cấp trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải vào cuộc thật quyết liệt hơn nữa. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và doanh nghiệp tích cực tham gia. Đặc biệt quan tâm nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn tài nguyên, nhất là nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Xác định rõ đối tượng tuyên truyền, nông dân là chủ thể, doanh nghiệp là hạt nhân có vai trò quyết định cho sự thành công trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Tập trung xây dựng cho được chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh, trong đó phải xây dựng cho được chỉ dẫn địa lý. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ để bảo đảm sản phẩm sản xuất ra phải bán được, bán có lời, giúp người dân an tâm sản xuất.

Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; rà soát, bổ sung kịp thời các quy hoạch sản xuất nông nghiệp liên quan trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành những vùng sản xuất lớn (cánh đồng lớn, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới...). Hỗ trợ liên kết nông dân với doanh nghiêp; xác định mùa vụ hợp lý để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, đảm bảo cung cấp sản phẩm, nguyên liệu ổn định cho thị trường.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu một số nông sản chủ lực của tỉnh. Chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có khả năng thích ứng với nước lợ và nước mặn; nghiên cứu thực nghiệm, thử nghiệm và chuyển giao thực hiện chương trình cải tạo các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu theo từng vùng sinh thái.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng chuỗi, cần xác định rõ sản phẩm nào cần có doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh để dẫn dắt, sản phẩm nào phải tham gia chuỗi giá trị của tỉnh bạn (đối với sản phẩm tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh). Quan tâm phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, nhưng phải bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng thực chất, không hình thức. Thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, tăng cường giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong và ngoài nước, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch homestay và việc tổ chức các lễ hội trái cây theo mùa để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

                                                                   Bài, ảnh: Bạch Thanh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO