Tỉnh Bến Tre có hơn 71.000 ha trồng dừa, chiếm khoảng 50% diện tích dừa của cả nước, với một phần lớn cuộc sống của người dân thuộc vùng đất ba dãy cù lao này sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ dừa. Tuy nhiên, những tháng gần đây, giá dừa khô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều nông dân bán dừa không đủ trả chi phí cho nhân công thu hoạch, phân bón, chăm sóc vườn dừa
Huyện Mỏ Cày Nam có gần 17.000 ha trồng dừa, chiếm khoảng 24% diện tích dừa trong toàn tỉnh Bến Tre. Trong thời gian qua, địa phương này đã xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã để cung ứng dừa cho các công ty chế biến với giá ổn định, cao hơn so với thị trường nhưng chưa nhiều. Trong đó, có 35 vườn dừa đạt chuẩn hữu cơ được các công ty thu mua với giá cao hơn thị trường độ 10.000 đồng/chục. Hiện giá bán được từ 30-35.000 đồng/chục (12 trái).
Tuy nhiên, tại một số vườn dừa ở vùng nước lợ, mặn quả dừa nhỏ hơn thì giá càng xuống thấp, thậm chí bán không ai mua. Trong đó, với hơn 6.000 ha dừa tại huyện Bình Đại đang cho trái, hiện tại thương lái chỉ đưa ra giá 22.000 đồng/chục, nếu trừ công thu hoạch thì nông dân chỉ còn 17.000 đồng/chục, trong khi cùng thời điểm này của năm 2017 giá bán trung bình 140.000 đồng/chục.
Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng dừa Bến Tre có trên 600 triệu trái. Qua đó, nhiều vùng chuyên canh nông dân chỉ sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cây dừa. Nhiều người trồng dừa cho rằng, nếu giá dừa tiếp tục xuống thấp thì có thể nông dân sẽ tiếp tục phá dừa để trồng các loại cây trồng khác.
Theo Hiệp hội dừa Bến Tre, giá dừa có xu hướng không ổn định, theo diễn biến giảm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, đây là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo nên nhu cầu cơm dừa nạo sấy giảm. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á vào mùa thu hoạch nên giá giảm theo quy luật cung - cầu, việc xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp khó khăn theo. Xuất khẩu dừa trái từ đầu năm đến nay không nhiều cũng là nguyên nhân tác động đến giá dừa giảm mạnh trong thời gian qua.