Bến Tre: "Đồng khởi trữ nước ngọt" ứng phó xâm nhập mặn

27/03/2017 00:00

(TN&MT) - Từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các nhánh sông thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre, theo Trạm Khí tượng thủy văn Bến Tre, hiện nước mặn theo các cửa sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Cửa Đại lấn sâu vào địa bàn từ 34 đến 54km, với đô mặn đo được từ 1%o đến 4%o. Trước thực tế trên, chính quyền địa phương đã vào cuộc giúp bà con khắc phục tình trạng phải mua nước ngọt với giá cao phục vụ sinh hoạt. 

Bồn xi măng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa kiệt cho hộ gia đình.
Bồn xi măng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa kiệt cho hộ gia đình.

Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, thuộc diện nghèo, đã được chính quyền địa phương vận động doanh nghiệp tặng bồn nhựa dung tích 2.000 lít để chứa nước nên đã thoát khỏi tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa kiệt kéo dài từ nhiều năm qua. “Từ trước Tết Nguyên đán gia đình tôi đã trữ nước bằng bồn chứa 2.000 lít mới được chính quyền địa phương hỗ trợ. Ngoài ra, gia đình còn chứa nước mưa bằng lu xi măng và mua thêm tấm nhựa để làm hồ chứa tạm nhằm tích trữ nước” - ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, bà con trong xóm ấp của ông gia đình nào cũng đều đã tranh thủ tích trữ đầy nước mưa để chủ động đủ để phục vụ sinh hoạt, cho gia súc, gia cầm uống trong suốt mùa khô. Những gia đình không có khả năng xây dựng hồ chứa lớn thì sử dụng bao ni lông trải lên mặt đất rồi đắp bờ xung quanh tạo thành bồn chứa tạm, đủ sử dụng suốt mùa khô, chi phí rất thấp.

Ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại là vùng ven biển, tình trạng thiếu nước ngọt trong 6 tháng mùa khô hàng năm diễn ra rất gay gắt. Vào thời điểm xâm nhập mặn năm trước, nhiều hộ phải mua nước ngọt để sinh hoạt với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nhưng năm nay theo ông Nguyễn Khắc Hiếu – người dân sở tại đều đã có ý thức chuẩn bị các dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất trong mùa khô nên khả năng thiếu nước ngọt phải mua với giá cao như năm trước rất khó xảy ra.

Đập Ba Lai được chú trọng phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất.
Đập Ba Lai được chú trọng phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất.

Cũng như huyện huyện Bình Đại, ở các địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn thuộc huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri... chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt để chủ động ứng phó tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra phức tạp, trầm trọng trên địa bàn. Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp (huyện Ba Tri) - Nguyễn Quốc Duy, cho hay chính quyền địa phương đã tập trung phát động thực hiện phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” do tỉnh chủ trương. Qua đó, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp trữ nước ngọt để sinh hoạt, cho gia súc uống trong mùa khô.

“Địa phương cũng đã được đầu tư nhà máy nước công suất 1.000 m3/ngày/đêm và đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án nhà máy nước sạch để đảm bảo cung ứng nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, chính quyền xã cũng triển khai đắp đập tạm để ngăn nước mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất của người dân trong những tháng nắng hạn” – Ông Duy nói.

Từ sau mùa hạn năm trước, ở các xã trong huyện Ba Tri các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu Chiến binh, Phụ nữ đã triển khai vận động hỗ trợ hội viên đào hồ trữ nước ngọt. Điển hình ở xã Bảo Thạnh, Hội Phụ nữ đã vận động DN cung ứng vật liệu cho hội viên trả góp, để xây hồ trữ nước ngọt phổ biến trong khắp các gia đình, giúp hầu hết mỗi gia đình hội viên đều có thêm từ 1 đến 2 hồ trữ nước ngọt phụ vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô năm nay.

Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” do tỉnh phát động từ cuối mùa khô năm trước đến nay đã vận động được khoảng 500 tỷ đồng của các mạnh thường quân để tặng dụng cụ trữ nước ngọt giúp người dân và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt từ mùa mưa để sử dụng cho mùa khô.

“Năm nay, để ứng phó với tình hình hạn, mặn tỉnh đã trang bị hệ thống quan trắc được lắp ở tất cả các cửa sông nhằm đo độ mặn và cung cấp thông tin qua tin nhắn điện thoại tới tận lãnh đạo UBND xã để biết độ mặn, thông tin cho người dân kịp thời” – Ông Cao Văn Trọng nói.

Cùng với các biện pháp trữ nước ngọt tại hộ gia đình, cụm dân cư quy mô nhỏ, tại huyện Ba Tri, một dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt quy mô lớn và quy hoạch xây dựng hệ thống cống ở các tuyến kênh nhằm phục vụ cho việc chủ động ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân đang được triển khai. Và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ hơn 1 tháng qua Sở NN&PTNT Bến Tre thường xuyên kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại hồ chứa Ba Lai, thực hiện tốt việc vận hành đóng, xả nước tại các cống thủy lợi và xử lý ô nhiễm môi trường tại các đập tạm ngăn mặn trữ ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Hùng Long

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: "Đồng khởi trữ nước ngọt" ứng phó xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO