Bến Tre: Đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Bạch Thanh| 07/01/2020 22:17

(TN&MT) - Bến Tre là một trong trong những tỉnh, thành phố trên cả nước bị rủi ro cao bởi tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH). Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để chủ động ứng phó BĐKH, nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cùng các đại biểu tham quan mô hình túi trữ nước ngọt ứng phó hạn, mặn

Ảnh hưởng nặng nề

Nhận định về những thách thức do BĐKH đã và đang diễn ra tại Bến Tre, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Nguyễn Văn Chinh cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt do nước biển dâng, khô hạn kéo dài trong thời gian qua làm ranh giới mặn 4‰ ngày càng đi sâu vào vùng ngọt đến 60-70km.

Vấn đề sẽ trầm trọng hơn nếu đồng thời thiếu hụt lượng nước sông Mê Kông đổ về, trong khi hiện tại các công trình thủy lợi ngăn mặn điều tiết nước của tỉnh Bến Tre hiện tại chưa hoàn thành, khép kín. Mặt khác, nguồn nước mặt trên các sông, rạch nội đồng có dấu hiệu ô nhiễm do canh tác nông nghiệp, thủy sản không bền vững.

Bên cạnh đó, gia tăng tình trạng sạt lở, ngập ở các vùng đất thấp ven biển, ven sông. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT năm 2016, Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển có tỉ lệ ngập cao với 22,2% diện tích tỉnh ngập khi mực nước biển dâng 100cm. Vừa qua, ngành chức năng của tỉnh cũng đã thống kê, trên toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138km.

Đồng thời, các hiện tượng thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn, triều cường, các cơn bão từ biển Đông do BĐKH đã diễn biến bất thường. Trong khi đó, năng lực dự báo, cảnh báo của tỉnh, năng lực thích ứng của nhân dân còn hạn chế. Các mô hình sinh kế, canh tác, cây trồng thích ứng BĐKH cần có thời gian để nghiên cứu, thực nghiệm chuyển đổi và nhân rộng.

Ngoài ra, nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học do ranh giới mặn lấn vào vùng ngọt làm thay đổi môi trường sống sinh vật; và môi trường sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ, phục hồi trước việc xây dựng các công trình cống, đập ngăn mặn tạo thành hồ trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt và chất thải từ canh tác nông nghiệp. 

Bến Tre tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, cấp thiết, ứng phó với BĐKH

Đồng bộ các giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre, để chủ động ứng phó BĐKH đang diễn ra ngày một gay gắt, ổn định sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn, trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, Bến Tre đã và đang xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo mặn tự động, bao gồm xây dựng 20 trạm quan trắc trên các nhánh sông chính của tỉnh và nhà điều hành xử lý, truyền thông tin độ mặn kịp thời đến nhân dân. Đặc biệt, với hệ thống thông tin, dữ liệu này có thể kết nối, chia sẻ cho các tỉnh trong vùng.

Bên cạnh đó, đánh giá hiệu quả các mô hình sinh kế thích ứng BĐKH thí điểm và chọn mô hình tiềm năng phát triển kinh tế. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế bền vững cho người dân Bắc Thạnh Phú; cấp nước sinh hoạt cù lao Minh trong điều kiện BĐKH; đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện ven biển Bình Ðại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Các ngành chức năng Bến Tre thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông

Đồng thời, Bến Tre cũng tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, cấp thiết, ứng phó lâu dài với BĐKH gồm: các dự án thủy lợi trọng điểm phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt như hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre (JICA 3); cung cấp nước cho dân khu vực Cù lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ tái cơ cấu cây trồng vùng Đông Nam Chợ Lách.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Bến Tre và dự án Xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức du lịch sinh thái Đồng bằng sông Mê Kông”…

Riêng về nhiệm vụ trước mắt trong năm 2020, ông Nguyễn Văn Chinh cho rằng, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành TN&MT tỉnh Bến Tre đặt ra những mục tiêu trọng tâm để thực hiện, đó là tập trung quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH.

Nhiệm vụ trước mắt của Bến Tre là đảm bảo thực hiện đúng, có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Theo ông Chinh, nhiệm vụ cụ thể nhất là đảm bảo thực hiện đúng, có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, triển khai thực hiện công tác điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016 - 2020) cấp tỉnh; tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 trong tháng 01/2020.

Song song đó, tập trung thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các công trình trọng điểm của tỉnh; kiểm tra, xử lý nguồn quỹ đất công, tạo quỹ đất sạch phục vụ cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hướng dẫn, kiễm tra, công nhận thực hiện tiêu chí môi trường,vệ sinh an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm môi trường, tập trung triển khai thực hiện mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

“Nhiệm vụ trước mắt hiện tại, đó là phối hợp cùng các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn mặn trong năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra TN&MT, trong đó chú trọng quản lý việc cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất ở các địa phương”, ông Nguyễn Văn Chinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO