Tiềm năng lớn….
Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể Sông Hồng” được thực hiện từ năm 2012. Tổng diện tích điều tra là 2.765km2 thuộc địa phận các tỉnh: Thái Bình (1.521km2), Hải Dương (435km2), Hưng Yên (398km2), Nam Định (272km2), Hải Phòng (106km2), Hà Nam (33km2). Đề án đề ra nhiệm vụ là khoanh định cấu trúc địa chất chứa than và các khoáng sản khác đi kèm; Xác định các tầng trầm tích chứa than và các vỉa than; Đánh giá tài nguyên than, xác định tiềm năng các khoáng sản khác gặp trong quá trình điều tra, đánh giá...
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tính đến năm 2016 đã xác định được 55 vỉa than nằm trong 5 tập vỉa tính từ trên mặt đến độ sâu khoảng 1.200m ở phần đất liền bể than Sông Hồng. Theo đó, trong số các vỉa than đã phát hiện, có 48 vỉa than dày trên 1m, 13 vỉa than dày trên 3m và 2 vỉa than chiều dày 8,6-10m gặp ở một số lỗ khoan. Riêng các vỉa than dày trên 1m nằm ở độ sâu 379-1.044m, tại nhiều lỗ khoan, độ sâu gặp than nông hơn so với dự đoán. Đặc biệt, kết quả khoan ở khu vực ven biển Thái Bình Dương (ngoài đê chắn sóng) đã gặp than nông hơn dự kiến. Về chất lượng, các kết quả phân tích cho thấy, than có chất lượng tốt, độ tro thấp (trung bình 13,26%), nhiệt lượng cao (trung bình 6.890cal/g), chất bốc lớn (trung bình 48,15%), hàm lượng lưu huỳnh thấp (trung bình 1,54%).
Theo TS Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường (Tổng hội Địa chất Việt Nam) các đề án nghiên cứu cho thấy bể than sông Hồng có tiềm năng tài nguyên than rất cao. Nếu tính đến độ sâu -3.500m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh được chia thành 8 vùng tài nguyên than. Tuy nhiên, tiềm năng tài nguyên và trữ lượng có khả năng khai thác thực tế hoàn toàn khác nhau.
….. Nhưng khó khai thác
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng bể than sông Hồng có điều kiện địa chất hết sức phức tạp cho việc khai thác, lại nằm trong vùng nhạy cảm về môi trường, xã hội và có nhiều tài nguyên nhiên, văn hóa, nhất là tài nguyên nước và đất nông nghiệp.
Việc khai thác khó khăn được các chuyên gia phân tích ở nhiều khía cạnh, xét về điều kiện địa chất - mỏ, địa chất công trình, địa chất thủy văn, kiến tạo, địa chấn của bể than rất phức tạp, nguy cơ xảy ra các rủi ro khi khai thác than ở dưới sâu. Than có mặt ở độ sâu quá cao, đa số các vỉa than nằm ở khoảng độ sâu từ -300m đến -1.200m, độ sâu tối đa đạt trên 3.000m. Đá vách, đá trụ của các vỉa than mềm yếu, có sức bền cơ lý kém.
Trên phạm vi bể than sông Hồng có các đứt gãy kiến tạo cỡ khu vực chạy qua và đa số là các đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn, gồm đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, Vĩnh Ninh. Các đứt gãy đang hoạt động rất nguy hiểm vì có thể gây ra động đất, trượt đất, nứt đất... ảnh hưởng tới độ vững bền của đất đá, tác động tới các công trình xây dựng, gây hư hại tới độ vững bền của đất đá, tác động tới các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình ngầm, tạo ra khe nứt cho nước ngầm ngấm vào các công trình ngầm, trong đó có các công trình khai thác khoán sản ở dưới sâu bằng phương pháp hầm lò.
Đặc điểm địa chấn cũng ảnh hưởng tới độ vững bền của nền địa chất. Diện tích bể than sông Hồng nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi động đất. Bên cạnh đó, bể than sông Hồng nằm trong vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội, đó là vùng đông dân cư có tập quán canh tác lúa nước; có nhiều khu đô thị đóng vai trò các trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội vô cùng quan trọng; nhiều khu công nghiệp, các công trình hạ tầng cơ sở, đang phát triển mạnh và đô thị hóa mạnh...
TS Đào Văn Thịnh nhấn mạnh, nếu khai thác bể than sông Hồng theo các công nghệ như đề cập trong Quy hoạch, nhất là phương pháp hầm lò truyền thống sẽ có nguy cơ xảy ra những sự cố môi trường và tai biến địa chất gây tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Chẳng hạn sụt lún địa hình, thay đổi mực nước ngầm,ô nhiễm không khí, nước, nhiễm mặn các tầng chứa nước dưới đất, thậm chí có thể làm thiệt hại đến tài nguyên khoáng sản khác (nước, nước khoáng, dầu khí, địa nhiệt...).
Về xã hội, khai thác than sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, đời sống và văn hóa của cư dân, người dân mất đất canh tác, phải thay đổi sinh kế, di dân...
Khai thác theo công nghệ khí hóa than ngầm ít tác động hơn tới môi trường, nhưng hiện tại Việt Nam chưa chủ động vận hành công nghệ này, hơn nữa việc kiểm nghiệm tác động của công nghệ này đòi hỏi thời gian dài.
TS Đào Văn Thịnh lưu ý, chỉ nên khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng sau khi đã nghiên cứu kỹ các vấn đề một cách khoa học và khách quan. Ông Thịnh cho rằng, không nên khai thác bể than sông Hồng nếu điều kiện địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình không cho phép và kết quả khai thác thử nghiệm cho thấy tính rủi ro quá cao, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ cao xảy ra các sự cố môi trường, có tác động xấu tới môi trường và xã hội.