“Bát nháo” khai thác cát trên sông Krông Ana - Đắk Lắk - Bài 2: Không thể kiểm soát được?

15/11/2013 00:00

Cơ quan chức năng địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh thực trạng khai thác cát làm sạt lở sông Krông Ana

(TN&MT) - Cơ quan chức năng địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh thực trạng khai thác cát làm sạt lở sông Krông Ana làm mất đất canh tác của người dân xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Nhưng đó chỉ là những giải pháp tình thế và dường như không kiểm soát nổi tình trạng khai thác cát “bát nháo” trên sông Krông Ana.
   
Không th kim soát...
   
  Thực tế tàu hút khai thác cát trên sông Krông Ana nói chung và đoạn sông từ xã Hòa Hiệp trở lên thượng nguồn nói riêng không được kiểm soát. Công ty TNHH Hưng Vũ được cấp phép khai thác trên đoạn sông dài 23km nhưng chỉ có 8 tàu khai thác cát. Trong đó có 4 tàu đã đăng kiểm, được cơ quan có chức năng cấp biển kiểm soát. Nhưng trên đoạn sông dài 6km từ cầu Giang Sơn đến xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) được cấp quyền khai thác cát dưới lòng sông cho 2 hợp tác xã Giang Sơn và Nam Sơn đã có đến 30 tàu hút khai thác cát. Trong khi làm đề án khai thác cát trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp phép, hai hợp tác xã này chỉ đăng ký 8 tàu hút khai thác cát. Với số tàu lên đến 30 chiếc, công suất khai thác cho phép 25.000m3 mỗi năm cho cả 2 hợp tác xã Nam Sơn và Giang Sơn chẳng mấy chốc là đủ.
   
  Do chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ các tàu khai thác cát trên sông Krông Ana, vì thế tình trạng khai thác cát nhốn nháo trên khúc sông này luôn diễn ra. Hành vi này được xem là khai thác trộm khoáng sản của các đơn vị đã được cấp phép. Các chủ tàu thường hoạt động vào ban đêm và tìm chỗ nhiều cát để khai thác cho nhanh đầy tàu, đây là nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất nông nghiệp hai bên bờ sông Krông Ana. Ông Vũ Văn Luyến, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Vũ, cho biết: “Công ty đã quán triệt công nhân rất rõ việc khai thác gần bờ sẽ gây sạt lở nhưng do chủ phương tiện đi hút trộm, đặc biệt là hút ban đêm. Công ty đã nhờ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh tham gia nhưng khi họ xuống thì chủ phương tiện lại cho ngừng việc hút cát lại”.
   
Giải pháp tình thế
   
  Để chấn chỉnh vấn đề này, giải pháp được đưa ra là các chủ tàu đang khai thác cát trên sông Krông Ana phải thực hiện đăng kiểm. Những đơn vị khai thác cát phải đăng ký màu tàu và in logo của đơn vị trên tàu để dễ quản lý. Công ty TNHH Hưng Vũ đã đi tiên phong trong việc này với việc sơn màu cabin tàu bằng màu xám, logo chữ màu xanh đậm để phân biệt.
   
   
Những chiếc tàu ngang nhiên hút cát vào bờ sông Krông Ana.  
    
   
  Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng Phòng Quản lí khoáng sản của Sở TN&MT Đắk Lắk, cho biết: “Trong dự án đầu tư, chúng tôi đã xác định rõ số lượng tàu khai thác và sản lượng hàng năm để cấp phép có thời hạn. Giờ một số đơn vị cho nhiều tàu khai thác hơn thì thời gian chắc chắn phải rút lại. Chúng tôi cấp phép đăng ký số tàu khai thác, nếu kiểm tra mà tàu không có giấy phép sẽ thu hồi tàu và không cho khai thác nữa”. Riêng về việc mua đất sản xuất của người dân rồi khai thác cát ngay tại đó, ông Thiềm cho rằng nhất thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nếu không tiến hành chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất khai thác khoáng sản, đơn vị đó sẽ bị xử lý. Với những biện pháp này, các cơ quan chức năng hy vọng người dân có thể phát hiện tàu của đơn vị nào vi phạm việc hút cát gần bờ, hút cát trong khu vực đất nông nghiệp rồi báo cho cơ quan chức năng xử lý.
   
  Nhưng người dân đã nhiều lần phát hiện việc khai thác cát gần bờ gây sạt lở đất canh tác của họ nhưng dường như chỉ biết “đứng nhìn”. Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều tàu khai thác cát trên sông Krông Ana không mang số hiệu tàu mà có màu sơn gần gần giống nhau. Rất khó cho người dân khi phát hiện ra đó là tàu của đơn vị nào để có thể báo cáo chính xác.
   
  Ông Lê Phú Hanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Cư Kuin, cho biết: “Hàng năm, UBND huyện có tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành các đơn vị sản xuất trên địa bàn. Có hai hình thức kiểm tra là kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường theo phản ánh của người dân khu vực. Việc kiểm tra định kỳ hàng năm rất khó phát hiện sai phạm vì các đơn vị đã có sự chuẩn bị trước. Còn việc kiểm tra bất thường thì không biết vì nguyên nhân gì mà cứ khi nào đoàn kiểm tra xuống là khó tìm thấy tàu khai thác cát chứ đừng nói là phát hiện sai phạm”.
   
LÊ PHƯỚC
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bát nháo” khai thác cát trên sông Krông Ana - Đắk Lắk - Bài 2: Không thể kiểm soát được?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO