Cần điều chỉnh phù hợp thực tế
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp phải khó khăn; trong đó, một nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự chồng chéo trong quy định pháp luật, cán bộ thực thi hiểu khác nhau trước một vấn đề. Theo quy trình để thực hiện một dự án BĐS, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước. Trong đó, bước 4 quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; bước 5 được cấp sổ đỏ dự án.
Ông Châu cho rằng, bước 4 và bước 5 cần gộp lại thành một thì hợp lý hơn, bởi bước 4 quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất trước khi được công nhận là chủ đầu tư, chưa được thẩm định thiết kế dự án, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được triển khai thi công, là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và cũng không phù hợp thực tiễn.
Ngành địa ốc cần chính quyền điểu chỉnh lại luật hợp lý với thời điểm hiện tại |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đối với các khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; đồng thời, phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, thấy sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố. Cán bộ khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được hay không được phải trả lời, không thể ngâm hồ sơ trong khi nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã đổ vào dự án.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, đối với những nội dung đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, UBND TP.HCM sẽ đăng ký lịch làm việc với Văn phòng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ có thể phân công Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan và TP.HCM tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố.
Thanh lọc nhà đầu tư kém năng lực
Theo ông Nguyễn Văn Đồi - Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2, thành phố càng thu tiền sử dụng đất của doanh nghiệp kinh doanh BĐS càng nhanh càng tốt cho doanh nghiệp và cho ngân sách thành phố. Tuy vậy, thời gian qua, cũng cho thấy, có một số doanh nghiệp “bán lúa non” sản phẩm khi chưa xác định được tiền sử dụng đất dẫn tới lỗ nặng, cầu cứu cơ quan chức năng.
Khoảng hai năm trở lại đây, ngành địa ốc không còn trên đà “hưng phấn” và có nguy cơ rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Đầu năm 2020, giới địa ốc chưa kịp triển khai hoạt động kinh doanh đã gặp phải tình trạng dịch Covid-19 hoành hành khiến hàng loạt công ty phải tạm ngưng việc mua bán. Khó khăn chồng chất khó khăn hơn bao giờ hết cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Ông Đồi cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, UBND TP.HCM nên giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu cho UBND thành phố giải quyết các vướng mắc và độ vênh giữa các luật liên quan đến nhà ở, BĐS thay vì giao cho từng Sở chuyên ngành. Nếu có những vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố khẩn trương kiến nghị, xin ý kiến của các Bộ, Thủ tướng Chính phủ”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Công ty Luật DC Counsel chia sẻ: “Sự tăng trưởng thị trường BĐS ở TP.HCM thời điểm hiện tại không mấy sáng sủa, phần lớn doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn về tài chính, thủ tục cấp phép rườm rà, thời gian quá dài để hoàn chỉnh pháp lý một dự án khiến nhà đầu tư nản lòng. Một điều quan trọng là thị trường cần sàng lọc những “hạt sạn”… từ các nhà đầu tư kém năng lực. Đối tượng này cần nghiêm túc xem lại cách thức kinh doanh nửa với, gian dối”.
Cũng theo Luật sư Chánh, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay hơn nữa để xử lý các đơn vị kinh doanh chụp giật, có dấu hiệu lừa đảo ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, khiến sức mua giảm đáng kể. Nếu được xử lý tốt, cơ hội mang lại cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín cao mới kéo thị trường BĐS “ấm” trở lại. Cơ quan chức năng cũng cần ban hành các chính sách cụ thể hơn nữa đối với nghĩa vụ bán hàng của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng khi các dự án bị vướng pháp lý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, đối với những vướng mắc thuộc quy trình thủ tục, thẩm quyền của Thành phố, UBND TP.HCM đề nghị các Sở, ngành quan tâm phối hợp giải quyết, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án BĐS cho các doanh nghiệp. UBND Thành phố sẽ thành lập Tổ công tác để họp hàng tuần và đến ngày 30/4/2020, phải giải quyết xong các vướng mắc của 19 doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố đã được nêu trong văn bản kiến nghị của HoREA.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nhận định, hiện nay, chưa có bức tranh nào mới cho năm 2020 để phát triển thị trường BĐS, điều đó cho thấy, khó khăn của các doanh nghiệp đang tiếp tục bủa vây. Các cơ quan từ phường đến quận, các Sở ngành nên liên tục cập nhập thông tin xác nhận dự án nào đủ điều kiện huy động vốn, công bố dự án đã thế chấp, ngân hàng đồng ý, chủ đầu tư mới được bán nhà ở hình thành trong tương lai… Những vấn đề trên nếu khắc phục được, khuất mắc của “tảng băng” chìm của thị trường BĐS sẽ minh bạch, lành mạnh hơn.