Bất động sản cao cấp tại Thái Bình: Cầu dư, cung thiếu

19/02/2016 00:00

(TN&MT) - Hơn 3 năm trở lại đây, khi Thái Bình tập trung phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu trở thành đô thị loại 1 với các cải cách mạnh mẽ về kinh tế và đầu tư chủ lực vào hạ tầng, khiến nhu cầu bất động sản (BĐS) cao cấp tăng mạnh. Nhưng đến nay, “cầu” khá bức thiết trong khi “cung” vẫn chưa có tín hiệu sôi động…

Dự án đẳng cấp - “nắng hạn chờ mưa”

Ngày 21/11/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải công bố triển khai hai dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại tỉnh Thái Bình bao gồm Quốc lộ 10 và Quốc lộ 37 với mục đích đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thái Bình và Hải Phòng, cũng như tuyến đường khu vực Đông Bắc. Cùng với đó là một loạt các chính sách cải tạo cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cần thiết cho sự phát triển các dự án BĐS, tạo tiền đề để thu hút đông đảo chủ đầu tư trong tương lai gần.

Theo đà phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế chung của tỉnh, người dân Thái Bình cũng bắt đầu quan tâm tới bất động sản cao cấp. Tuy nhiên, thị trường BĐS tại Thái Bình hiện nay lại thiếu đa dạng, chưa dự án BĐS nào thật sự đẳng cấp, có sức lan tỏa lớn để tạo sự đột phá cùng những chuyển biến tích cực về chất lượng dịch vụ đô thị và kinh tế vùng. Nguồn cung thị trường chủ yếu là nhà liền kề và nhà phố truyền thống hoặc phân khúc trung bình và nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhu cầu về một mô hình BĐS cao cấp mang xu thế hiện đại, nhưng phù hợp với tập quán kinh doanh lâu đời của người dân Thái Bình thì vẫn chưa được chú trọng.

Anh N.M.Tuấn (30 tuổi, cư ngụ ở phường Đề Thám, Thái Bình) cho biết: “Tôi sắp lập gia đình, muốn kiếm mua dạng nhà ở cao cấp để an cư và mở văn phòng riêng mà vẫn chưa tìm được chỗ ưng ý. Các dự án gắn mác “cao cấp” hiện chưa thực sự đáp ứng các tiêu chí “đẳng cấp” về thiết kế, không gian sống, hạ tầng và tiện ích...”. Chị L.H.Ngọc (38 tuổi) cũng chia sẻ bài toán nan giải khi tìm mặt bằng salon làm đẹp: “Thật tiếc khi những người kinh doanh đã có sẵn tài chính mà lại không dễ tìm được vị trí ưng ý để làm kinh doanh.”

Khảo sát ở quy mô nhỏ với 200 khách hàng cho thấy có tới 85% khách mong muốn có một mô hình nhà vừa ở vừa kinh doanh với diện tích trung bình từ 70m2 - 120m2, mặt tiền 5m – 8m. Với tiềm năng lớn trong khi lượng cầu đang ở trạng thái “nắng hạn chờ mưa”, thị trường Thái Bình vẫn đang trông ngóng các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đem về những mô hình đô thị hiện đại, đẳng cấp.

Háo hức mô hình nhà phố thương mại kiểu mới

Cuối tháng 6/2015 vừa rồi, người dân Thái Bình háo hức trước thông tin Nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam – Tập đoàn Vingroup sắp có mặt tại Thái Bình. Chủ đầu tư của những khu đô thị đáng sống bậc nhất Việt Nam đã được UBND tỉnh Thái Bình trao Giấy chứng nhận đầu tư cho công trình nhà phố shophouse cùng tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Lý Bôn – Thái Bình.

Dự án có diện tích 12.236,2m2, tổng vốn đăng ký trên 560 tỷ đồng, nằm trên khu đất trước đây là Nhà văn hóa lao động tỉnh tại phố Lý Bôn, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình.

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, với một thị trường mà thu nhập của người dân ngày càng tăng cao, cộng với tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại chiếm đến gần 30% trong cơ cấu kinh tế như Thái Bình, thì mô hình BĐS cao cấp phù hợp chính là nhà phố thương mại (shophouse) bởi mô hình này vừa đảm bảo an cư, vừa đáp ứng nhu cầu làm kinh tế vừa và nhỏ của người dân Thái Bình. Bởi vậy dù thông tin cụ thể về dự án của Vingroup tại Thái Bình vẫn chưa được tiết lộ nhưng nhiều nhà đầu tư và khách hàng đã rất quan tâm, tìm hiểu. Đây có thể chính là lời giải cho ẩn số BĐS cao cấp mà người dân Thái Bình đang kỳ vọng.


PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản cao cấp tại Thái Bình: Cầu dư, cung thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO