Bắt buộc nhập khẩu phế liệu phải ký quỹ

07/05/2015 00:00

(TN&MT) - Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lí chất thải và phế liệu quy định tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Việc này còn góp phần gắn trách nhiệm xử lí rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu lên các tổ chức, cá nhân.

 Ký quỹ là trách nhiệm

Trên thực tế, việc ký quỹ đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, tuy nhiên từ đó đến nay chưa áp dụng việc ký quỹ trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trừ một vài trường hợp cá biệt mà Nhà nước quy định liên quan tới hóa chất nguy hại. Mặt khác, chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế nhập khẩu, trong khi nếu có sự cố thì tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ của chạy lấy người và hậu quả của nó để lại cho xã hội là rất  lớn.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 chính thức có hiệu lực từ 15/6/2015 đã quy định rất rõ về từng loại phế liệu nhập khẩu, trọng lượng để áp dụng mức ký quỹ khác nhau. Trong đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng và nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng

Đối với phế liệu sắt, thép khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.

Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc đối tượng trên phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp chuyên nhập sắt, thép phế liệu từ nước ngoài về sản xuất rất đồng tình với Nghị định của Chính phủ, bởi theo họ việc ký quỹ vừa là cam kết, vừa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với chính lô hàng họ nhập về. Việc này sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm ăn gian dối và tiến tới cạnh tranh công bằng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục đích của ký quỹ là để đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Việc ký quỹ sẽ thực hiện tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày ký quỹ. Đặc biết, việc ký quỹ phải được thực hiện trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc.

Phế liệu nhập về phải  đảm bảo kho bãi

Ngoài việc phải ký quỹ, tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn phải đáp ứng các điều kiện về kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu; công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Đối với trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý; có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Nghị định cũng quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu phải có hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã đáp ứng đúng các quy định; có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; không được phép lưu giữ phế liệu nhập khẩu trong trường hợp không có kho bãi đảm bảo các điều kiện quy định.

Hiện nay, việc vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu phế liệu thường phổ biến ở dạng xuất nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập các loại phế liệu không theo quy định của cơ quan quản lí Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ môi trường cho phép. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà có thể áp dụng các loại chế tài: Hành chính, dân sự và hình sự.

Lê Tí

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt buộc nhập khẩu phế liệu phải ký quỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO