Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước thích ứng với BĐKH đồng bằng sông Cửu Long

Hải Ngọc| 15/07/2019 19:05

(TN&MT) - Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề “sống còn” của khu vực. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi tích cực với sự chung tay của Trung ương và địa phương.

nuoc
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi tích cực với sự chung tay của Trung ương và địa phương.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 120, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPT&NT), các tỉnh/thành phố thuộc ĐBSCL đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để quản lý tài nguyên nước hiệu quả theo lưu vực sông, ứng phó với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát trên đồng bằng và tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Trung ương và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước, phòng chống thiên tai, bảo vệ bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững, trong đó: từ năm 2013 ÷ 2017, xây dựng và củng cố công trình kiểm soát lũ, mặn đối với 18 dự án, tổng kinh phí đã bố trí 20.660 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của WB, Chính phủ Nhật Bản và vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng được 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư, đảm bảo an toàn cho khoảng 191.000 hộ với gần 1.000.000 người dân. Ngoài ra, hàng năm các địa phương còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để đắp đập tạm ngăn mặn.

Từ năm 2010 đến nay, Trung ương đã bố trí và có kế hoạch đầu tư 169 dự án xử lý sạt lở bờ sông bờ biển với tổng kinh phí 8.707 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương, vốn vay thông qua các dự án ODA, Chương trình SP-RCC. Ngoài ra, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng để xử lý 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; hỗ trợ 7 triệu USD từ vốn kết dư dự án ADB đối với 2 dự án thuộc tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Thủ tướng Chính phủ hiện đang trình UBTVQH tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

dsc 0613
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nguy cơ sạt lở - Ảnh: Bửu Đấu 

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương triển khai một số hoạt động nhằm ứng về xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển như: điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp bảo vệ, củng cố, nâng cấp đê biển vùng ĐBSCL; đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về phòng chống xói lở bờ biển; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý xói lở bờ biển…

Các địa phương cũng đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm ứng phó với tình hình lũ, hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: xây kè chống sạt lở kiên ố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún. Mùa mưa lũ 2018 không gây thiệt hại về người do thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xâm nhập mặn, biến động bùn cát, hải văn; đầu từ tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Mạng lưới quan trắc gồm 29 trạm khí tượng thủy văn, 182 trạm thủy văn, 131 điểm đo mưa tự động, đầu tư các thiết bị quan trắc hiện đại phục vụ đắc lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, cung cấp thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn cho các sở ban ngành thuộc khu vực ĐBSCL. Trạm radar thời tiết Nhà Bè đã đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai như mưa lớn, dông, lốc ở khu vực Nam Bộ. Tần suất dự báo lũ từ 3 ngày cung cấp 1 bản tin lên 01 ngày cung cấp một bản tin (bản tin dự báo lũ hàng ngày) chi tiết cho 66 vị trí trạm khi lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức cao; cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo khô hạn, xâm nhập mặn 10 ngày một bản tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho khu vực ĐBSCL.

Bộ TN&MT đẩy mạnh các hoạt động quản lý TNN vùng ĐBSCL

Bộ TN&MT cũng tập trung triển khai dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL nhằm tích hợp và chia sẻ các nguồn dữ liệu phục vụ hỗ trợ ra quyết định và nghiên cứu khoa học; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL; tăng cường quan trắc và nghiên cứu tình trạng hạ thấp mực nước ngầm và gia tăng sụt lún tại ĐBSCL, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/NĐ-CP về hạn chế khai thác nước dưới đất; hoàn thành nhiệm vụ Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công và tăng cường hợp tác với các quốc gia ven sông Mê Công.

Bộ TN&MT đã chủ động thực hiện một số nhiệm vụ, dự án khảo sát, thu thập thông tin để có cơ sở dữ liệu và giải pháp thích ứng với lún đất ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, trong đó có một số dự án đã và đang triển khai, đơn cử như: Dự án "Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở ĐBSCL”; Dự án “Đo kiểm tra hệ thống mốc độ cao hạng I, II và III Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL” (từ năm 2005 đến 2017), đã sơ bộ phân ra thành 04 vùng có mức độ lún khác nhau (không lún; vùng lún dưới 5cm; vùng lún từ 5 đến 10cm và vùng lún trên 10cm). Dự kiến giai đoạn 2 dự án tiếp tục triển khai đánh giá hiện trạng lún đến năm 2023 và dự báo xu hướng lún đến năm 2028; Dự án: “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu” (2017-2021) vốn vay Ngân hàng Thế giới tập trung nâng cấp mạng quan trắc nước dưới đất đồng bộ và hiện đại gồm 159 công trình quan trắc trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố ĐBSCL; Đề án “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt, lún bề mặt đất khu vực TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất” được triển khai từ năm 2018, dự kiến kết thúc năm 2020, kết quả ban đầu đã sơ bộ tổng hợp, phân tích hiện trạng khai thác nước dưới đất khu vực TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

Đề xuất tăng cường ứng phó sụt lún đất và sạt lở bờ sông

Vẫn theo báo cáo của Bộ TN&MT, để có những kết quả đạt được trên đây, trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành còn gặp không ít khó khăn. Đó là: Thông tin số liệu vừa thiếu vừa không đồng bộ, phân tán, thiếu tập trung thống nhất; Hệ thống quan trắc TNN cả nước mặt và nước dưới đất chưa đáp ứng yêu cầu cung thấp thông tin số liệu để kiểm soát, giám sát được các hoạt động khai thác, sử dụng nước; chưa kiểm soát được tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là các kênh, rạch nhỏ; bị động trong các thông tin về sử dụng nước thượng nguồn. Việc triển khai công tác quy hoạch tài nguyên nước của cả nước và của ĐBSCL còn chậm. Việc xử lý các điểm sạt lở cấp bách chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế hiệu quả huy động được nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa để xử lý sạt lở dẫn đến nhiều khu vực sạt lở chưa được đầu tư xử lý triệt để hoặc chưa được đầu tư.

Hoạt động khai thác cát dọc các sông chính vùng ĐBSCL diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng bùn cát trên sông, gây sạt lở bờ sông. Mạng quan trắc tình trạng sụt lún đất còn rất hạn chế với mật độ còn khá thưa (khoảng 0,8 điểm/100km2), các điểm đo phân bố không đều, chỉ tập trung chủ yếu dọc các tuyến giao thông, đô thị, khu công nghiêp (là những khu vực có nguy cơ sụt, lún cục bộ cao)... nên kết quả phân vùng lún, sơ đồ phân phân vùng lún giai đoạn hiện nay có tính chất sơ bộ ban đầu, chưa phản ánh được đầy đủ mức độ lún thực tế theo phạm vi diện tích.

Nước sinh hoạt, sản xuất nhiều nơi còn phụ thuộc lớn vào nguồn nước dưới đất, do vậy làm gia tăng nguy cơ sụt lún đất. Nguồn nước dưới đất có vai trò đặc biệt quan trọng cho cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn, công nghiệp ở ĐBSCL. Thống kê mới nhất cho thấy, 80% dân số nông thôn sử dụng nguồn nước dưới đất, nhiều đô thị gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước dưới đất, như các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh.... Ngoài ra, thiếu vốn đầu tư triển khai các quy hoạch, công trình trọng điểm, nâng cấp các mạng lưới quan trắc, dự báo; các hoạt động nghiên cứu khoa học; hiện đại hóa các hệ thống hỗ trợ ra quyết định, do vậy gây khó khăn cho công tác quản lý và kết nối, phối hợp giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, các Bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng để xây dựng Đề án: Tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp liên vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước thích ứng với BĐKH đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO