Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển

01/01/2015 00:00

(TN&MT) - Năm 2014, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều hoạt động góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển.

   
(TN&MT) - Năm 2014, bám sát mục tiêu tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý Nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển. Trước những thành quả đạt được, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
   
   
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh
   
 PV:Được biết, năm qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý tổng hợp TNMT biển cũng như hoàn thiện Dự án Luật TNMT biển để trình Quốc hội thảo luận. Vậy xin ông cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tập trung nguồn lực như thế nào để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên?
   
Ông Nguyễn Thành Minh: Trong bối cảnh Tổng cục được thành lập chưa lâu, việc xây dựng, duy trì lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật hành chính đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm, củng cố. Sau 6 năm đi vào hoạt động, các văn bản, quy chế quản lý nội bộ và lề lối làm việc của Tổng cục đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, hiệu quả vận hành của bộ máy công vụ trong giai đoạn mới.
   
  Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp và thống nhất, cần phải khắc phục được những khó khăn trên. Chính vì vậy, năm 2014, Lãnh đạo Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, rõ nét hơn trên tất cả các lĩnh vực công tác, đặc biệt là về cải cách hành chính trong nội bộ Tổng cục. Tất cả những đề án, dự án được giao đều có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục để hoàn thành đúng quy định, tránh hiện tượng kéo dài do vướng mắc thủ tục tại các đơn vị.
   
  Đặc biệt, để ổn định tổ chức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn phát triển mới, Tổng cục đã hoàn thiện việc trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với Quyết định này, nhiệm vụ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã rõ ràng hơn, mang tính điều phối tổng hợp hơn.
   
  Đó là việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức nhằm phục vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo; giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Tổng cục còn được giao các nhiệm vụ quản lý điều tra cơ bản về biển và hải đảo; quản lý tổng hợp khai thác, sử dụng biển và hải đảo; kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ...v.v.
   
  Hơn nữa, Tổng cục đã tăng cường thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm khơi dậy trí tuệ, nâng cao trách nhiệm và huy động sự nhập cuộc của công chức, viên chức và người lao động trong toàn Tổng cục nỗ lực thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ và đạt hiệu quả cao trong công việc.
   
PV:Vậy xin ông cho biết đôi nét về hiệu quả cũng như tính tác động của những văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển mà chúng ta đã xây dựng trong năm qua?
   
Ông Nguyễn Thành Minh: Trước hết, tôi phải nói đến Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mà Bộ TN&MT vừa trình Quốc hội thảo luận thời gian qua. Đây là một thành công lớn của Tổng cục trong năm 2014 này. Bởi lẽ, đây là một dự án luật được xây dựng trong nhiều năm, qua nhiều lần hội thảo, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và cũng vấp phải không ít “rào cản” khi cho rằng, chỉ cần ban hành Nghị định là đủ!
   
  Vậy nhưng, qua kỳ họp Quốc hội vừa rồi, đại đa số các đại biểu đã nhất trí khẳng định sự cần thiết phải ban hành đạo luật này, vấn đề còn lại là chỉnh sửa cho phù hơp hơn với yêu cầu thực tiễn. Đến nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đang phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
   
  Qua đó cũng thấy vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững tài nguyên biển đã phần nào “thấm” được vào dư luận, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp đã hiểu và ủng hộ cho việc chúng tôi đang đang xây dựng vì sự nghiệp quản lý bền vững tài nguyên biển.
   
  Dự án Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để quản lý tài nguyên biển và hải đảo một cách tổng hợp, thống nhất; bảo vệ, khai thác bền vững và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo giữa các ngành, các cấp...
   
  Trong năm 2014, chúng tôi còn hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
   
  Đây thực sự là một nghị định quan trọng góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên biển trong khi chưa có Luật. Bởi lẽ, Nghị định ra đời sẽ ngăn chặn hữu hiệu hiện tượng giao, cho thuê khu vực biển tràn lan ở một số địa phương. Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị định được ban hành, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức triển khai xây dựng Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính ban hành quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển; phối hợp với Quân chủng Hải quân về việc cung cấp nền hải đồ phục vụ giao khu vực biển; xây dựng hệ thống công cụ quản lý giao khu vực biển và tổng hợp thống kê tình hình giao, cho thuê khai thác, sử dụng biển của các địa phương ven biển nhằm quản lý hiệu quả hơn TNMT biển. Có thể nói, Nghị định này đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống văn bản pháp luật quản lý tài nguyên, môi trường biển khi đưa ra thời hạn và điều kiện cụ thể về việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng…
   
   
Biển và hải đảo luôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia
   
PV: Để tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý tổng hợp TNMT biển, tạo bước đột phát trong nhiệm vụ “làm chủ biển khơi” như Chiến lược Biển Việt Nam đã đề ra, xin ông cho biết những nhiệm vụ sẽ triển khai trong công tác quản lý biển và hải đảo trong năm 2015?
   
Ông Nguyễn Thành Minh: Nhằm tạo ra sự đột phá nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trong năm 2015, Tổng cục đã xác định thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau:
   
  Một là, tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII để trình Quốc hội thông qua, đồng thời xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Có như vậy mới tạo được công cụ pháp lý xứng tầm để quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
   
  Hoàn thiện xây dựng Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam để trình cấp có thẩm quyền. Tổ chức triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
   
Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác nhân sự. Đó là tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý (quy chế, nội quy) và văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Ba là, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo.
   
  Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch, tài chính và đầu tư. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước; đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả của các nhiệm vụ, đề án đặt ra. Tập trung đầu tư các đề án, dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt, mang tính đột phá, tạo nguồn lực phục vụ công tác quản lý biển và hải đảo.
   
  Năm là, tăng cường, chủ động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; vận động các chương trình, dự án có nguồn vốn nước ngoài nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý Nhà nước của Tổng cục. Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội biển Đông Á năm 2015 tại Việt Nam. Thúc đẩy và tái cơ cấu các đề án nhánh thuộc Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020”. Thực hiện các đề tài khoa học, công nghệ mở mới 2015 cũng như các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn bảo đảm tiến độ, chất lượng sản phẩm.
   
  Sáu là, tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
   
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
   
Kim Liên  (thực hiện)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO