Bảo vệ rừng dừa nơi cửa biển

18/05/2017 00:00

(TN&MT) – Trước thực trạng khu rừng dừa nước Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) có nguy cơ bị xóa sổ, hôm nay (18/5), Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tổ chức đối thoại nhằm lấy ý kiến của các bên liên quan hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn – phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn.

Rừng dừa nước Cẩm Thanh là địa điểm tham quan thu hút du khách
Rừng dừa nước Cẩm Thanh là địa điểm tham quan thu hút du khách

Rừng dừa bị “băm nát”

Rừng dừa nước Bảy Mẫu có diện tích khoảng 120 ha, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc xã Cẩm Thanh (TP. Hội An). Đây là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Người dân thường ví rừng dừa nước Bảy Mẫu chính là miền sông nước “Nam Bộ ở miền Trung”, bởi nơi đây có rừng dừa bạt ngàn mọc quanh sông với phong cảnh hữu tình như miền Nam Bộ. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, trong đó có một số loài đặc hữu chỉ sinh sản tại vùng đất ngập mặn như cá mòi cờ, cá chình. Chúng có vai trò rất quan trọng đối với môi trường và nguồn lợi sinh vật, không chỉ riêng cho vùng Hội An mà cho cả vùng biển phía ngoài Cửa Đại, các vùng biển lân cận Cù Lao Chàm. Rừng dừa nước như một tấm bình phong chống gió bão, xói lở, tạo cân bằng sinh thái và cải thiện chất lượng môi trường nước. Chính vì những lợi thế đó, rừng dừa nước Cẩm Thanh trở thành địa điểm tham quan thu hút du khách.

Tuy nhiên, cũng chính vì lượng khách đến đây quá đông, trong khi nơi này hoang sơ chưa có các dịch vụ như nhà nghỉ, khách sạn hay nơi ăn uống nên nhiều cá nhân, công ty làm du lịch đã xâm phạm rừng dừa để làm kinh tế. Nhiều công trình “mọc” lên khiến khu rừng dừa nước trở thành những công trình ngổn ngang, tự ý xây kè, đổ móng dựng nhà, đúc trụ bê tông làm nhà hàng, cầu tàu… Đáng nói, hầu hết các công trình này đều xây dựng không phép.

Một người dân làm nghề chèo thuyền thúng ở thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, các công trình xây dựng thi công ầm ầm cả ngày lẫn đêm, lại thêm tàu thuyền, hàng quán mở nhạc đinh tai nhức óc suốt ngày đến nỗi chim chóc không dám đến đây trú ngụ.

Cả héc ta rừng dừa biến mất, chuẩn bị nhường cho hoạt động kinh doanh du lịch
Cả héc ta rừng dừa biến mất, chuẩn bị nhường cho hoạt động kinh doanh du lịch

“Rừng dừa nước này mỗi khi mưa bão là lá chắn gió để bảo vệ nhà cửa, tài sản người dân chúng tôi. Từ xa xưa đến nay nó cũng là nguồn thu nhập cho người dân từ việc lấy lá để đan mái nhà bán. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều công ty làm du lịch đến xây dựng nhà hàng, khách sạn đã phá rừng dừa nước. Họ còn làm kè lấn ra ngoài sông để có chỗ neo đậu tàu, thuyền đón khách du lịch”– người dân bức xúc cho biết.

Theo TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, toàn bộ diện tích rừng dừa Bảy Mẫu nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận. Việc thay đổi hiện trạng khu rừng dừa từ các công trình ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của khu vực vùng đệm vốn rất quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển.

Hài hòa giữa bảo vệ và phát triển

Tại buổi đối thoại, đại diện của các bên liên quan gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước; nhà khoa học, chuyên môn; doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cùng nhau thảo luận, chia sẻ ý kiến nhằm bảo tồn và khai thác bền vững rừng dừa nước tại Cẩm Thanh và các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc vùng hạ lưu sông Thu Bồn – vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyền Cù Lao Chàm.

Thay mặt nhóm cộng đồng, ông Lê Nhương, người dân xã Cẩm Thanh thẳng thắn nêu lên thực trạng diện tích rừng dừa Bảy Mẫu thời gian qua đã suy giảm đáng kể. “Chúng tôi thiết nghĩ các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa vấn đề nhân giống dừa nước, từ đó quy hoạch cụ thể vùng sẽ triển khai nhân rộng. Thực tế, bấy lâu nay nguồn cung ứng dừa nước phục vụ mở rộng diện tích chủ yếu nhập từ bên ngoài. Đối với doanh nghiệp, người dân ở đây cần sự sẻ chia lợi ích vì bà con cũng đóng góp công sức trong việc giữ gìn di sản rừng dừa ông cha ngày trước đã gầy dựng”- ông Nhương nói.

Người dân đưa ra các đề xuất bảo vệ rừng dừa Cẩm Thanh
Người dân đưa ra các đề xuất bảo vệ rừng dừa Cẩm Thanh

Tiếp nối ý kiến của ông Nhương, một đại diện từ phía doanh nghiệp cho rằng chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn các hoạt động du lịch được tổ chức tại khu rừng dừa Cẩm Thanh đồng thời giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng đang bị xuống cấp.

Ông Lê Thanh, đại diện chính quyền TP. Hội An đề xuất phương thức đồng quản lý, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong việc quản lý và bảo vệ rừng dừa Cẩm Thanh. Đây là xu thế chung của nhiều nước hiện nay trong việc khai thác và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên.

Kết thúc buổi đối thoại, đại diện các bên liên quan đã ký tuyên bố chung về bảo tồn và phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh. Theo đó, các bên liên quan cùng phối hợp, tăng cường nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ, trồng mới dừa, đồng thời chấn chỉnh hoạt động khai thác du lịch trong khu vực rừng dừa nhằm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ rừng dừa nơi cửa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO