Bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Cần có chiến lược phát triển toàn diện

04/11/2014 00:00

(TN&MT) - Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đang đối mặt với không ít khó khăn do sự phát triển thiếu bền vững

(TN&MT) - Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đang đối mặt với không ít khó khăn do sự phát triển thiếu bền vững, đã và sẽ tạo ra những áp lực cho toàn bộ hệ thống lưu vực sông và vùng bờ. Làm thế nào để khai thác và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người.
   
H ly đã được nhìn thy
   
  Việt Nam có 9 hệ thống sông lớn, trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn bắt nguồn từ vùng núi cao thuộc sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, phần kết thúc của lưu vực sông này là vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cung cấp nguồn nước quan trọng cho nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ngoài tiềm năng phát triển thủy điện, sông Vu Gia - Thu Bồn còn cấp nước tưới cho trên 45.000 ha đất canh tác nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho gần 2 triệu dân trên lưu vực.
   
Dòng chảy sông bị thay đổi làm gia tăng xâm nhập mặn, sạt lở
    
   
  Sự gia tăng dân số nhanh chóng cùng với tốc độ phát triển đô thị và khu công nghiệp, đã và sẽ tạo ra những áp lực ngày càng gia tăng cho toàn bộ hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng và ven biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên biển ven bờ. Việc xây dựng các khu công nghiệp, đập thủy điện trên thượng nguồn và đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến tăng chất thải nguy hại và gây ô nhiễm, suy thoái vùng ven biển và biển ven bờ, làm phát sinh mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước hạ du. Đến nay, trên lưu vực đã có 4 công trình thủy điện lớn và 820 công trình thủy lợi gồm 72 hồ chứa, 546 đập dâng, 202 trạm bơm. Theo quy hoạch thủy điện trên dòng chính Vu Gia - Thu Bồn đến năm 2020, dự kiến xây dựng 10 công trình thủy điện với tổng công suất đạt 1.200 MW.
   
  Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2010, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất ô nhiễm do các con sông đưa ra vùng ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng khoảng 92.000 tấn chất thải sinh hoạt, 428.000 tấn chất rắn lơ lửng, 83.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 430 tấn kim loại nặng các loại. Kết quả kiểm kê nói trên cho thấy vùng ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ đất liền.
   
  Ngoài ra, nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép trên sông là "thủ phạm" gây biến đổi dòng chảy, nguồn nước thay đổi về chất, làm suy giảm đáng kể hệ sinh thái và cảnh quan trên lưu vực và ở vùng ven biển. Từ đó, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng, mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong sử dụng lưu vực và vùng ven biển tiếp tục tăng. Cán cân nước và phù sa trong hệ thống lưu vực và ven biển đã thay đổi đang kể, cùng với tác động của BĐKH và nước biển dâng, làm gia tăng nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ven biển. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP. Hội An, địa phương nằm ở hạ nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn bức xúc: Toàn bộ bờ biển Cửa Đại của Hội An đã sạt lở, chỉ trong vòng 1 tuần, 22 mét bờ kè bị sóng đánh tan. Đó là cái giá phải trả cho việc xây dựng thủy điện ồ ạt đã chặn dòng phù sa của thượng nguồn, cát biển không còn chất kết dính và rừng phòng hộ bị tàn phá...
   
Cn cơ chế qun lý mi
   
  Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu chia sẻ: Chức năng sống của một lưu vực sông cần được nhìn toàn diện và rõ ràng khi phát triển lưu vực sông từ đầu nguồn đến vùng bờ biển. Tài nguyên nước của một con sông là tài sản, là nguồn sống của tất cả cộng đồng sống trên lưu vực và không thuộc quyền sở hữu hoặc ưu tiên cho bất cứ lợi ích của ngành dùng nước đơn lẻ nào. Trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không đến từ bản thân lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Sự phát triển thiếu bền vững mới chính là yếu tố làm suy giảm chức năng duy trì và sự sống của lưu vực.
   
   
  TS Tứ kiến nghị dừng việc xây dựng mới thủy điện để đánh giá hiệu quả và tác động (thượng hạ lưu, dọc sông và vùng biển), xác định các biện pháp giảm thiểu. Cần điều chỉnh mục tiêu các công trình bậc thang trong điều kiện cho phép, bảo đảm lợi ích của tất cả các bên có nhu cầu dùng nước và quyền lợi phát triển; khắc phục những tác động do di dân tái định cư; quy trình vận hành các hồ thủy điện bậc thang, phù hợp với yêu cầu vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa phát huy hiệu quả phát điện, vừa phải đảm bảo giảm lũ, bổ sung nguồn nước mùa khô để đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân vùng hạ du. Ngoài ra, cần thành lập Tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để khai thác nguồn tài nguyên nước hợp lý, đặc biệt đối với việc quản lý, xây dựng các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông này. Để có thể bảo đảm sự phát triển bền vững cho lưu vực nói chung và các tỉnh trong lưu vực nói riêng, cần có chiến lược phát triển lưu vực toàn diện (quy hoạch, kế hoạch phát triển) bền vững dựa trên cơ sở khoa học (dài hạn và ưu tiên cho từng giai đoạn); có thể chế quản lý lưu vực phù hợp. Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng: Tăng cường cơ chế điều phối và phối hợp liên ngành trong quản lý vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng gắn với quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trước mắt, cần rà soát, cập nhật và bổ sung các nguyên tắc và hướng dẫn cách thức lồng ghép các yếu tố của lưu vực và BĐKH vào Chiến lược và Kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ của hai địa phương. Kiện toàn và tăng cường năng lực cho các ban liên quan đến quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển. Xây dựng các đề án, bao gồm “xã hội hóa” để phục hồi và phát triển các hệ sinh thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Ngoài ra, các địa phương cần có những biện pháp chế tài nghiêm cấm hút cát ở các vùng cửa sông, cửa biển làm thay đổi động lực học gây xói lở bờ và sa bồi luồng lạch, kết hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết các vùng xảy ra sự cố….
   
  Để bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, gìn giữ tài nguyên nước cho thế hệ sau này, các cấp, các ngành quản lý có trách nhiệm hãy hành động trước khi quá muộn.
  Bài và ảnh: Lan Anh – Văn Hà
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Cần có chiến lược phát triển toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO