Bảo vệ nguồn nước trước những thách thức biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh - Bài 2: Duy trì và phát triển bền vững nguồn nước

19/03/2019 13:09

(TN&MT) - Theo Báo cáo thì hiện tại, Hà Tĩnh chỉ có 47,2 % người dân sử dụng nước đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia. Con số này đã phản ánh rõ thực trạng “cơn khát” nước sạch đang đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc duy trì và phát triển bền vững nguồn nước trở thành vấn đề bức thiết hiện nay.

Nguồn nước đang bị suy thoái do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu do ấm lên của trái đất làm thay đổi sự phân phối lượng mưa, gây những tác động nhất định đến đặc điểm tài nguyên nước. Những năm gần đây, quy luật thời tiết đã có nhiều biến đổi khác thường, nắng nóng kéo dài và lượng mưa rất ít đã đẩy người dân vào cảnh lao đao vì thiếu nước.

Dùng đường ống để dẫn nước từ ao hồ, đồng ruộng về nhà
Dùng đường ống để dẫn nước từ ao hồ, đồng ruộng về nhà

Ông Hồ Đình Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh nhận định: “Thời điểm này nhiều năm trước trời đang có mưa, tất cả hồ đập vẫn có dung lượng nước ở mức ổn định. Nhưng hiện nay, lượng nước trong hồ đập đều ở mức thấp, việc điều phối nguồn nước trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn…”.

Qua khảo sát tại Hà Tĩnh cho thấy những tác động từ biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng về trữ lượng, chất lượng nguồn nước cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng được thể hiện rất rõ. Đặc biệt, trên nhiều địa bàn chưa được cung cấp nguồn nước tập trung, người dân còn phải sống chung với cảnh nước nhiễm phèn, nhiễm mặn…

Tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn buộc người dân phải bỏ số tiền lớn mua nước sạch đóng thùng về để sử dụng. Trong khi đó, chính quyền ở một số vùng thuộc huyện Đức Thọ và huyện Can Lộc cho biết, khan hiến nước sạch nên người dân phải tích trữ nước mưa để ăn, nước từ các giếng khơi nhiễm phèn, ao hồ để tắm giặt. Mặc dù vậy, gần sáu tháng nay lượng mưa không đáng kể, nước tích trữ cũng đã cạn dần ngay trước khi bước vào mùa hạ.

Những biến đổi về thời tiết khiến cho nhiều hồ đập chưa vào mùa khô nhưng đã trơ đáy (Ảnh: Đức Hùng)
Những biến đổi về thời tiết khiến cho nhiều hồ đập chưa vào mùa khô nhưng đã trơ đáy. Ảnh: Đức Hùng

Ông Trần Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ còn cho biết: “Giờ tìm nguồn nước sạch cho người dân trong xã quả là vô vọng. Toàn xã hiện nay đang phải sinh hoạt từ nguồn nước ở các giếng khơi, ao hồ rất ô nhiễm. Chúng tôi đã có đề xuất với huyện tìm nguồn nước sạch cho người dân nhưng tất cả mới chỉ nằm trong kế hoạch, không biết đến bao giờ mới thực hiện được”.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, tình trạng khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát cùng sự biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn về vấn đề sử dụng hợp lý và phát triển bền vững nguồn nước hiện nay. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho rằng con người đang sử dụng lãng phí nguồn nước quá nhiều, thậm chí là khai thác vô tội vạ mà không nhận thức rõ nguồn nước có hạn chứ không phải vô hạn.

Duy trì và phát triển bền vững nguồn nước

Hà Tĩnh được đánh giá là khu vực có các hồ, đập với nguồn nước sạch đảm bảo và lượng nước phân bố tương đối đều. Tuy nhiên, hệ thống phân phối nguồn nước chưa đảm bảo khiến nhiều địa phương vẫn đang chịu cảnh cạn kiệt nước sạch. Các công trình nước sạch cần được kiểm tra, sửa chữa để tránh thất thoát nước và đảm bảo điều phối nước một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh chia sẻ: “Tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong thời gian tới, cần phải cân đối lại nguồn nước thủy lợi và nguồn nước sinh hoạt một cách hợp lý. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể tận dụng nguồn nước từ sông ngòi, tránh ảnh hưởng đến nguồn nước tích trữ. Đó là phương pháp chống hạn lâu dài, đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân đến khi mùa mưa”.

Quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu và cùng chung tay gìn giữ, tiết kiệm nguồn là giải pháp hiệu quả đảm bảo việc quản lý, phát triển bền vững nguồn nước hiện nay.

Đã dùng nhiều dụng cụ để tích nước mưa nhưng cũng không thể đáp ứng đủ cho sinh hoạt
Đã dùng nhiều dụng cụ để tích nước mưa nhưng cũng không thể đáp ứng đủ cho sinh hoạt

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chia sẽ: “Năm 2018 khá thuận lợi về thời tiết, nhờ vậy mà nhiệm vụ điều tiết nguồn nước cho 7 huyện nằm phía Bắc Hà Tĩnh phục vụ sản xuất, sinh hoạt có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, không tập trung, đa số công trình được xây dựng từ lâu, trong đó có nhiều công trình chống hạn đã xuống cấp ảnh hưởng trong quá trình tích cũng như phân phối nguồn nước”.

“Khắc phục những khó khăn, đơn vị đã kịp thời triển khai kế hoạch tu sửa công trình, nạo vét kênh mương, phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước hợp lý. Mặt khác, trước nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng ELNino có thể mưa và lượng dòng chảy sông, suối thấp hơn từ 10 đến 30% xảy ra trong năm 2019, nguy cơ hạn hán. Vì vậy, chúng tôi đã có kế hoạch tích trữ, sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, chống lãng phí nên vẫn có thể đáp ứng được lượng nhu cầu”, ông Phúc nói.

Đối mặt với thực trạng này, ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng: Ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, những tác động của con người như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước cũng khiến nước sạch càng trở nên khan hiếm. Chính vì vậy, muốn phát triển bền vững nguồn nước, điều đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của các đơn vị khai thác cũng như của người dân trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước.

Bảo vệ và khai thác nguồn nước một cách bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý để tránh sự lãng phí và thất thoát xảy ra. Muốn giải quyết bài toán nước sạch hiện nay, cần phải có quá trình nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các vấn đề một cách kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguồn nước trước những thách thức biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh - Bài 2: Duy trì và phát triển bền vững nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO