Trong 10 năm qua, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các địa phương có rừng đã hạ cấp vật liệu cháy hơn 621ha rừng; trồng thay thế 180ha; trồng rừng mới hơn 1.000ha; chăm sóc 3.535ha rừng/năm; trồng hơn 8 triệu cây xanh phân tán; khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm; hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm (23 thôn) kinh phí 40 triệu đồng/thôn/năm (từ năm 2015 đến nay). Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xử lý 1.117 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và lâm sản; tịch thu hơn 1.028m3 gỗ quy tròn các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20,7 tỷ đồng...
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều đề án chuyên môn nghiệp vụ, như phương án quản lý bảo vệ rừng tại gốc. Theo đó, từng xã, từng cánh rừng trên địa bàn thành phố đã được giao cho kiểm lâm phụ trách với nhiệm vụ cụ thể, có bản đồ, sổ sách, hồ sơ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Chi cục đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng toàn thành phố. Với những vùng còn tập trung nhiều động vật hoang dã, Chi cục phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý nghiêm những trường hợp săn bắn trái phép...
Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, tài nguyên rừng được bảo vệ, tuy nhiên trên địa bàn thành phố hằng năm vẫn xảy ra cháy rừng. Nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cũng làm gia tăng sức ép lên diện tích rừng và đất lâm nghiệp, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố phần lớn chưa được giao đất gắn với giao rừng, rừng chưa có chủ thực sự... dẫn đến khó khăn trong xử lý trách nhiệm khi rừng bị phá, xâm lấn...
Theo chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ, phát triển rừng; tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, xây dựng lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở và cán bộ kiểm lâm địa bàn; nâng cao trách nhiệm hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cấp cơ sở; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý về bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng; rà soát 3 loại rừng, phân định cắm mốc giới ngoài thực, đề xuất giao đất gắn với giao rừng. Ngoài ra, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng, hủy hoại tài nguyên rừng, các điểm nóng về cháy rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kiện toàn tổ chức cho công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn...