Bảo tồn voi Đắk Lắk: Mừng nhưng vẫn lo

01/04/2015 00:00

(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, nếu không sớm có chính sách bảo tồn thì chỉ trong khoảng 20 - 30 năm nữa loài voi ở Tây Nguyên...

 

(TN&MT) - Voi là loài vật mang biểu tượng văn hóa và là “huyền thoại” của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Nếu như trước đây, người ta thấy những đàn voi tung tăng giữa đại ngàn thì mấy năm gần đây, những thay đổi lớn về điều kiện tự nhiên và sự tác động nhiều mặt của con người đã làm cho lượng voi giảm đáng kể. Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, nếu không sớm có chính sách bảo tồn thì chỉ trong khoảng 20 - 30 năm nữa loài voi ở Tây Nguyên sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Con voi rừng bị người dân cắt mảng da lớn trên thân và toàn bộ 4 đế chân sau khi chết
Con voi rừng bị người dân cắt mảng da lớn trên thân và toàn bộ 4 đế chân sau khi chết

Nhiều tín hiệu vui

Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 6 - 7 đàn voi hoang dã (voi rừng) với số lượng từ 80 - 100 cá thể. Voi rừng sống thành từng đàn (đàn lớn nhất có khoảng 30 cá thể), tập trung ở Vườn Quốc gia Yok-Đôn và chạy dọc theo khu vực biên giới Campuchia đến Gia Lai. Qua theo dõi các đàn voi rừng, trung tâm bảo tồn voi phát hiện các đàn voi lớn có nhiều thế hệ voi cùng sinh sống, trong đó xuất hiện nhiều cá thể voi con. Đây là tín hiệu tốt đối với công tác bảo tồn vì voi hoang dã vẫn sinh đẻ bình thường.

Không gian sinh tồn bị thu hẹp buộc các đàn voi rừng phải thường xuyên di chuyển để kiếm thức ăn và nguồn nước. Bên cạnh đó, việc bị con người săn bắn, dồn ép khiến quần thể voi rừng ngày càng hung dữ hơn, tiềm ẩm nguy cơ xung đột giữa chúng với con người. Nhưng nhờ Trung tâm Bảo tồn voi làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật về bảo tồn voi với các địa phương có đàn voi thường xuyên sinh sống hoặc di chuyển qua nên xung đột giữa con người và đàn voi rừng ngày càng giảm. Từ cuối năm 2013 đến nay, gần như không còn hiện tượng đàn voi rừng tiến sâu vào khu đông dân cư và tấn công người trước đó.

Các chuyên gia cứu hộ, chữa trị vết thương cho 1 con voi dính bẫy
Các chuyên gia cứu hộ, chữa trị vết thương cho 1 con voi dính bẫy

Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn voi cũng thường xuyên phối hợp với tổ chức động vật, trung tâm bảo tồn voi trong khu vực và trên thế giới để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cứu chữa, bảo tồn voi. Mới đây, Trung tâm đã phối hợp với Tổ chức động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) cứu hộ, phẫu thuật và chữa lành vết thương cho 1 con voi rừng giống đực, khoảng 3 năm tuổi bị dính bẫy, được phát hiện tại Vườn Quốc gia Yok-Đôn vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Vào năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí tăng gần 85 tỷ đồng (thay cho “Dự án Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2015). Dự án này nhằm mục tiêu quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất từ voi... Vào ngày 30/3 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định giao 200ha đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Theo nhận định của trung tâm, đây là khu vực có nhiều điều kiện sinh cảnh thuận lợi, phù hợp cho công tác bảo tồn, phát triển loài voi.

Các chuyên gia cứu hộ, chữa trị vết thương cho 1 con voi dính bẫy
Các chuyên gia cứu hộ, chữa trị vết thương cho 1 con voi dính bẫy

Nhưng vẫn lo…

Thế nhưng, trong số 85 tỷ đồng để thực hiện dự án thì có 60% kinh phí là từ Trung ương, số còn lại là do ngân sách của tỉnh Đắk Lắk và tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Do nguồn kinh phí từ trung ương chưa được triển khai nên hiện tại, tỉnh Đắk Lắk chỉ cấp kinh phí theo kiểu “nhỏ giọt”, đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên chứ chưa thể đầu tư trang thiết bị và hạ tầng cơ sở cho dự án. Nếu có đủ kinh phí, trung tâm bảo tồn voi cũng cần ít nhất 3 năm nữa để xây dựng và hoàn thiện các hạng mục như bệnh viện voi, khu chăn thả... Có nghĩa là thời gian tới đây, khi phát hiện voi ốm hoặc gặp nạn, nếu không nhờ được các chuyên gia và máy móc nước ngoài thì công tác cứu chữa, điều trị chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công, kém hiệu quả và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của voi.

Hơn 30 năm qua, đàn voi nhà liên tục giảm từ 502 cá thể (vào năm 1980) xuống còn 46 cá thể (hiện tại). Từ năm 2007 đến hết năm 2014, đã có 21 con voi nhà bị chết do bị giết hại, thiếu thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng kém... Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, đã có 3 con voi nhà ở huyện Buôn Đôn và Krông Ana chết bất thường. Mặc dù các cơ quan chức năng xác định voi chết vì già yếu và một số bệnh thông thường nhưng nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân khiến voi chết là do bị khai thác quá sức (voi phục vụ du lịch, phục vụ sản xuất) và không được chăm sóc tốt (chế độ ăn uống, chăn thả…). Theo ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, voi nhà thuộc quyền sở hữu của các gia đình nên họ tùy ý chăm sóc, khai thác sức khỏe của voi, trung tâm chỉ có thể mời họ lên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phát thuốc. Muốn bảo tồn và phát triển đàn voi nhà, sau khi hoàn thành các hạng mục của dự án, trung tâm cần phải quy hoạch được đàn voi nhà (mua lại voi của người dân) vào trung khu bảo tồn.

“Hiện tại, việc phát triển đàn voi nhà chỉ còn thực hiện duy nhất qua con đường sinh sản. Nhưng do yếu tố môi trường thay đổi quá nhiều, voi nhà không có không gian để “yêu” nên tỉ lệ sinh sản của chúng trong 30 năm qua chỉ đạt 0,6%/năm và hiện tại đã gần như bằng 0. Mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã có chính sách hỗ trợ cho các chủ voi, nài voi với mức 200.000 - 600.000 đồng/ngày tùy vào từng giai đoạn voi động dục, mang thai, sinh đẻ của voi nhưng theo các chủ voi và nài voi thì số tiền này khó có thể lấy được vì họ… chưa thấy voi nhà đẻ bao giờ” - ông Luân nói.

Voi nhà không được chăm sóc tốt và đang bị khai thác quá sức
Voi nhà không được chăm sóc tốt và đang bị khai thác quá sức

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2015, người dân đã phát hiện 1 con voi rừng bị dính bẫy và 1 con voi rừng bị chết. Con voi rừng bị dính bẫy được phát hiện trong tình trạng bị rách vòi và chân trái bị mưng mủ, di chuyển rất chậm. Sau khi được chữa trị kịp thời, sức khỏe của chú voi đã có nhiều chuyển biến tốt nhưng phải cần 1 thời gian dài nữa mới có thể thả về tự nhiên. Riêng con voi 1 năm tuổi chết ở xã Cư A Mung (huyện Ea H'Leo) vào ngày 24/3, khi phát hiện đã bị người dân cắt 1 mảng da lớn trên thân và toàn bộ 4 đế chân. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định con voi này chết tự nhiên nhưng hành động trên cũng khiến nhiều người không khỏi ái ngại.

Từ năm 2005 đến năm 2012, đã có 14.000ha rừng tại 3 huyện có nhiều voi rừng sinh sống là Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’Leo bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Một số dự án thủy điện khi đi vào hoạt động cũng làm thay đổi dòng chảy các con sông, kéo theo sự thay đổi sinh cảnh hệ sinh cảnh ven sông… thu hẹp không gian sinh tồn của loài voi nói riêng và các loài động vật khác nói chung. Bên cạnh đó, việc săn bắn voi trái phép để lấy ngà, xương và lông đuôi voi cũng làm giảm đáng kể quần thể voi vốn đã ít ỏi này. Phải chờ 1 thời gian khá dài nữa trung tâm bảo tồn voi mới hoàn thiện và đi vào hoạt động, liệu khi đó có còn voi?

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn voi Đắk Lắk: Mừng nhưng vẫn lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO