Bảo tồn voi Đắk Lắk: Đừng để thành "viện dưỡng lão"!

23/07/2015 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, số lượng voi tại Đắk Lắk suy giảm mạnh, xung đột giữa voi và người còn diễn biến hết sức phức tạp.   

(TN&MT) - Những năm gần đây, số lượng voi tại Đắk Lắk suy giảm mạnh, xung đột giữa voi và người còn diễn biến hết sức phức tạp. Theo ý kiến của những nghệ nhân voi, muốn bảo tồn và phát triển đàn voi tại tỉnh cần phải quy hoạch được các khu sinh cảnh thuận lợi để chăn thả, nghỉ dưỡng. Nhưng sau nhiều năm, công tác này vẫn chưa được các cơ quan, đơn vị chuyên môn quan tâm, chú trọng.
 
“Báo động đỏ” về số lượng
 
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, từ năm 2011 đến nay, có 10 cá thể voi nhà bị chết do các nguyên nhân như già yếu, tai nạn, sát hại và kiệt sức. Nhưng nhiều người gắn bó lâu năm với loài voi (nghệ nhân voi) lại cho rằng, nguyên nhân chính khiến voi chết là do bị khai thác quá sức (phục vụ du lịch, sản xuất…) và không được chăm sóc tốt (ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, chăn thả…). Nghệ nhân voi Đàng Năng Long (ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Thời gian gần đây, voi không chỉ chết nhanh mà còn chết rất trẻ. Nhu cầu thức ăn của voi rất lớn, trong khi chúng phải ăn những thức ăn ít dinh dưỡng, cứng như mía, bắp… nên phải nhai nhiều hơn, răng bị bào mòn nhanh hơn. Cung cấp không đủ dinh dưỡng nhưng bị khai thác quá mức, đó chính là nguyên nhân khiến voi nhà bị kiệt sức và nhanh chết hơn”.
 
Nếu như vào những năm 80 của thế kỷ trước, đàn voi nhà của Đắk Lắk có hơn 500 con thì hiện tại còn 43 con (18 voi đực, 25 voi cái), trong đó chỉ có 16 con voi cái dưới 40 tuổi - độ tuổi có khả năng phục vụ nghiên cứu sinh sản. Nhưng theo ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, do yếu tố môi trường thay đổi quá nhiều, voi nhà không có không gian để “yêu” nên tỉ lệ sinh sản của chúng trong 30 năm qua chỉ đạt 0,6%/năm và lâu nay cũng “chưa thấy voi nhà đẻ bao giờ”.
 
Các chuyên gia buộc phải cắt một chiếc ngà của Thoong Ngân sau khi bị kẻ gian cưa trộm ngà trong VQG Yok-Đôn vào ngày 14/7
Các chuyên gia buộc phải cắt một chiếc ngà của Thoong Ngân sau khi bị kẻ gian cưa trộm ngà trong VQG Yok-Đôn vào ngày 14/7
 
Không chỉ riêng voi nhà, đàn voi hoang dã (voi rừng) tại Đắk Lắk cũng sụt giảm chóng mặt từ 500 cá thể (năm 1980) xuống còn 60 - 80 cá thể, tập trung thành 5 đàn (đàn lớn nhất có khoảng 30 cá thể). Qua theo dõi, Trung tâm bảo tồn voi phát hiện các đàn voi xuất hiện các cá thể voi con, chứng tỏ voi rừng vẫn có “tín hiệu vui” trong việc sinh sản. Thế nhưng, trong tổng số 18 cá thể voi rừng bị chết từ năm 2009 đến nay, có tới 12 cá thể là voi con chỉ vài tháng tuổi.
 
Tiếp tục bị xâm hại
 
Voi là loài vật mang biểu tượng văn hóa và là “huyền thoại” của Tây Nguyên nói chung và của Đắk Lắk nói riêng. Nếu như trước đây, người ta thấy những đàn voi tung tăng giữa đại ngàn thì giờ đây, hình ảnh ấy chỉ còn trong ký ức. Diện tích rừng suy giảm mạnh và một số dự án thủy điện khi đi vào hoạt động đã làm thay đổi dòng chảy các con sông, kéo theo sự thay đổi sinh cảnh hệ sinh cảnh đã thu hẹp không gian sinh tồn của loài voi. Voi chết nhanh không chỉ vì điều kiện tự nhiên mà còn do những tác động nhiều mặt của con người, nhất là việc săn bắn voi trái phép để lấy ngà, xương, lông đuôi voi… Đến nhiều điểm du lịch tại Đắk Lắk, không khó để tìm được những chiếc nhẫn lông đuôi voi được bày bán với lời giới thiệu “hàng thsật 100%” và “đeo vào rất may mắn”. Chưa cần kiểm chứng có bao nhiêu % số nhẫn đó là “hàng thật” nhưng có thể thấy những sản phẩm mang thương hiệu voi cũng là nguyên nhân khiến loài voi đối mặt với nguy cơ bị xâm hại.
 
Thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho thấy, sau khi phát hiện được các vụ voi rừng bị chết, rất nhiều thi thể voi đã bị cắt mất ngà, vòi, đuôi, móng chân… Vào tháng 3/2015, người dân phát hiện 1 cá thể voi con chết ở xã Cư A Mung (huyện Ea H'Leo) trong tình trạng bị cắt 1 mảng da lớn trên thân và toàn bộ 4 đế chân. Thậm chí, vào chiều ngày 14/7, kẻ gian còn đột nhập vào khu rừng thuộc Tiểu khu 502 (Vườn Quốc gia Yok-Đôn) để cưa ngà bên phải của voi nhà Thoong Ngân (20 tuổi) khi chú voi này đang được thả vào rừng kiếm ăn. Hành động trên bị thất bại nhưng do vết cưa sâu vào tủy gây chảy nhiều máu, các chuyên gia buộc phải cắt rời hẳn chiếc ngà để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe của Thoong Ngân.
 
Theo ông Phạm Văn Láng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, môi trường sống bị ảnh hưởng và những tác động tiêu cực của con người đã khiến cho tình hình xung đột voi - người ngày càng diễn biến phức tạp. Từ tháng 6/2012 đến hết tháng 4/2015, Trung tâm Bảo tồn voi đã thống kê được 47 đợt voi rừng di chuyển kiếm thức ăn đến những khu vực sản xuất nông lâm nghiệp, phá hoại cây trồng và nhiều tài sản khác người dân. Trong đó, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như voi rừng sát hại người dân (2 vụ làm chết 2 người vào năm 2011 và năm 2012), tàn phát hàng chục héc-ta cây trồng…
 
Nỗi sợ “viện dưỡng lão”?
 
Vào năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí tăng gần 85 tỷ đồng. Vào cuối tháng 3/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định giao 200ha đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho Trung tâm Bảo tồn voi của tỉnh. Theo tiến trình dự án, sau khi được giao đất và cấp kinh phí, Trung tâm bảo tồn voi sẽ xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn, tăng cường nhân sự, đưa cán bộ đi đào tạo chuyên sâu… để phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn voi tỉnh nhà (?).
 
Nhiều thi thể voi rừng sau khi bị phát hiện đã không còn nguyên vẹn
Nhiều thi thể voi rừng sau khi bị phát hiện đã không còn nguyên vẹn
 
Nhưng theo ý kiến của một số nghệ nhân voi, việc cần thiết nhất trong công tác bảo tồn voi là có quy hoạch được khu vực để chăn thả voi. Theo ông Bùi Văn Đức - Chủ nhiệm Hợp tác xã Buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), hiện HTX của ông đang điều hành 16 con voi nhà của các xã viên để phục vụ du lịch. Do rừng đã bị chặt phá, bị người dân lấn chiếm canh tác và hồ Lắk cũng bị ô nhiễm nặng nề từ rác thải, thuốc trừ sâu… nên không gian chăn thả voi bị thu hẹp. Sợ voi tàn phá hoa màu của người dân, ngoài những lúc phục vụ du lịch, các xã viên của HTX chỉ còn cách xích voi vào những “chuồng tạm” hoặc dưới gốc cây trong nhà mình. Còn nghệ nhân voi Đàng Năng Long lại cho rằng, đàn voi nhà ở huyện Lắk vẫn còn nhiều cá thể trong độ tuổi sinh sản, nếu có khu vực sinh thái thuận lợi để chăn thả, voi nhà vẫn có khả năng “yêu” và mang thai. Do vậy, thay vì chờ đợi vốn để xây dựng trụ sở, đầu tư trang thiết bị… việc làm thiết thực nhất trong bảo tồn voi là xin UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí cho quỹ đất để thành lập khu chăn thả. “Các anh “ở trên” sớm lập phương án chừng nào thì bảo tồn voi ở Đắk Lắk có cơ hội sớm từng đó. Chứ cứ theo đà này, tôi nghĩ khoảng 10 năm nữa đàn voi nhà ở Đắk Lắk sẽ không còn nữa. Mà nếu còn cũng chỉ là voi già yếu, không thể sinh sản nên bảo tồn, chăm sóc voi khi đó cũng giống như trong “viện dưỡng lão” mà thôi” - ông Long lo lắng.
 
Lê Phước
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn voi Đắk Lắk: Đừng để thành "viện dưỡng lão"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO