Bảo tồn và phục hồi rùa biển ở Cù Lao Chàm

30/09/2017 00:00

(TN&MT) - Thành công bước đầu trong công tác bảo tồn rùa biển bằng phương pháp chuyển vị là tiền đề để Hội An đạt mục tiêu hướng đến xây dựng khu bảo tồn biển Cù lao Chàm trở thành một trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung Việt Nam.  

Những chú rùa biển được ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm
Những chú rùa biển được ấp nở thành công tại Cù Lao Chàm

Bảo vệ rùa để bảo tồn biển

Với hệ sinh thái đa dạng gồm san hô, cỏ biển, bãi triều cùng bãi cát trắng trải dài, vùng biển Cù Lao Chàm từng là môi trường sinh sống của các loài rùa biển. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sự phát triển của hoạt động du lịch nên trong khoảng 10 năm trở lại không ghi nhận trường hợp rùa biển lên bãi đẻ, nhưng số lượng rùa biển bị sa lưới tại Cù Lao Chàm vẫn được ghi nhận hằng năm. Năm 2015-2016, Cù Lao Chàm ghi nhận được 15 trường hợp rùa biển bị sa lưới, trong đó đó có 4 cá thể được cứu sống và thả về lại biển, 7 cá thể chết được hiến tặng làm mẫu vật.

Với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các loài rùa biển tại vùng biển đảo xa bờ - Cù Lao Chàm; tạo môi trường, sinh cảnh để rùa biển đến các bãi cát tại đảo Cù Lao Chàm sinh đẻ như trước đây, UBND thành phố Hội An đã lập kế hoạch bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển ở Cù lao Chàm. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Người ta lấy con rùa làm biểu thị cho khu bảo tồn biển là đúng vì sức khỏe của khu bảo tồn càng tốt thì rùa mới về”.

Cuối năm 2015, đầu năm 2016, sau khi Thành phố có chủ trương thống nhất, Ban quản lý Khu sinh quyển và Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm bắt tay xây dựng kế hoạch bảo tồn rùa biển tại đảo Cù Lao Chàm.  Ngoài việc bảo tồn nguyên vị, quy hoạch phân vùng biển tự nhiên cho rùa biển về và lên bãi cát sinh đẻ, Hội An sẽ lập trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, tại Cù lao Chàm cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển.

Cơ quan, đơn vị chức năng  tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo tồn, cứu hộ rùa biển cho lực lượng cán bộ khoa học và lực lượng tình nguyện viên, đảm bảo 100% cộng đồng dân cư bên trong và xung quanh khu bảo tồn biển được tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức về giá trị, ý nghĩa của công tác bảo tồn rùa biển đồng thời tổ chức giới thiệu, quảng bá, xây dựng các bản nội quy, quy định, hướng dẫn về công tác bảo tồn rùa biển để du khách đến du lịch tại Cù Lao Chàm biết và thực hiện.

Rùa biển trở về với đại dương trước sự chứng kiến của người dân trên đảo
Rùa biển trở về với đại dương trước sự chứng kiến của người dân trên đảo

Tín hiệu vui

Đầu tháng 9/2017, hàng trăm con rùa đầu tiên được ấp nở thành công tại Bãi Bấc, đảo Cù Lao Chàm đã bắt đầu cuộc sống mới ở khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong niềm hân hoan của những người làm công tác bảo tồn biển và cư dân trên đảo. Đây là 5 ổ được trứng được Ban Quản lí Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiếp nhận và vận chuyển từ Vườn quốc gia Côn Đảo về ấp tại Bãi Bắc. Với tỉ lệ nở 100% đã minh chứng tính khả thi của bảo tồn chuyển vị rùa biển ở cự ly xa.

Theo chuyên gia rùa biển Lê Xuân Ái, đây là trường hợp đầu tiên tại Viêt Nam thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển (di chuyển trứng rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, Hội An, cả 1.000 km bằng đường hàng không, đường bộ rồi đường biển). Sau khi trứng rùa về đến Cù Lao Chàm, được đưa vào khu ấp trứng trên bãi Ruộng (đã được chuẩn bị từ trước) và Ban quản lý Bảo tồn biển phân anh em thay phiên nhau trực 24/24h tại đây. Quá trình vận chuyển, quá trình ấp trứng được theo dõi, ghi chép kỹ lưỡng, việc đo nhiệt độ trong lòng ổ ấp trứng và nhiệt độ bên trên được thực hiện thường xuyên để có biện pháp xử lý thích hợp nhằm tương thích với vùng Côn Đảo.

“Việc đưa trứng rùa biển về Cù Lao Chàm và ấp nở thành công chứng tỏ nơi đây vẫn còn những điều kiện phù hợp để có thể phục hồi và phát triển rùa biển.”- ông Ái cho biết.

Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, thành công này mở ra hy vọng cho những đợt đưa trứng rùa về Cù Lao Chàm tiếp theo. TP. Hội An sẽ tập trung truyền thông, vận động người dân, điều chỉnh quy hoạch vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân... để chuyển vùng khai thác thủy sản, khoanh vùng cấm để tạo sinh cảnh thuận lợi cho rùa biển sinh ra tại Cù Lao Chàm rồi quay về đẻ trứng tại Cù Lao Chàm theo quy luật tự nhiên.

“Việc bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị rùa biển sẽ được triển khai song song, nhưng không thể vội vã. Nếu thành công sẽ làm phong phú về đa dạng sinh học, vừa tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị cao về kinh tế và văn hóa ở Cù Lao Chàm nói riêng và Hội An nói chung”, ông Hùng khẳng định.

Bài & ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phục hồi rùa biển ở Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO