Cùng dự có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc UNDP Việt Nam; ông Harald Leummens, chuyên gia quốc tế, UNDP Việt Nam; ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình cùng nhiều cán bộ của các Cục, Vụ thuộc Bộ TN&MT, KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp |
Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (2015 – 2018) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhằm hỗ trợ giải quyết các bất cập liên quan đến bảo tồn và quản lý hiệu quả ĐNN. Dự án được tiến hành triển khai thí điểm tại hai tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên - Huế. Với mục tiêu thành lập các khu bảo tồn ĐNN mới và xây dựng năng lực cho việc quản lý hiệu quả các khu đất bảo tồn nhằm giảm thiểu những mối đe dọa hiện tai và nguy cơ hình thành từ các khu sinh cảnh liên kết.
Đến cuối năm 2016, dự án đã đạt được một số kết quả ban đầu như: hỗ trợ Tổng cục Môi trường, cơ quan được Bộ giao thực hiện công tác quản lý ĐNN ban hành Quyết định về hướng dẫn kỹ thuật phân loại ĐNN và triển khai tới các tỉnh thành trong cả nước; hoàn thiện báo cáo cập nhật, kiểm kê ĐNN trên cả nước dựa trên hệ thống phân loại đã được ban hành...
Dự án đã thực hiện điều tra, đánh giá năng lực và nhu cầu tăng cường năng lực về bảo tồn và quản lý ĐNN tại cấp Trung ương và địa phương; hoàn thiện báo cáo điều tra khảo sát và đánh giá đa dạng sinh học, kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa phục vụ thành lập khu bảo tồn ĐNN tại hai tỉnh, phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn ĐNN tại Thái Thụy, Thái Bình và Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên - Huế.
Dự án cũng đang thực hiện nghiên cứu xác định các cơ hội lồng ghép bảo tồn ĐNN vào các kế hoạch phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thực hiện nghiên cứu đánh giá các áp lực ảnh hưởng đến hệ sinh thái ĐNN và các sinh cảnh liên kết và xác định các chiến lược giảm nhẹ tác động. Triển khai nghiên cứu về các giải pháp sinh kế bền vững thực hiện đánh giá và lượng giá dịch vụ hệ sinh thái tại hai khu bảo tồn ĐNN được đề xuất.
Toàn cảnh cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao và rất quan tâm tới dự án bởi dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với môi trường nói chung cũng như việc đảm bảo thích ứng với BĐKH thông qua việc bảo tồn các giá trị tự nhiên.
Bộ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án phải tiếp tục hoàn thiện rõ các vấn đề liên quan về luật về bảo tồn quỹ đất ngập nước và sinh cảnh liên kết phải thích ứng được với BĐKH. Theo Bộ trưởng, Dự án Bảo tồn đất ngập nước và sinh cảnh liên kết chính là mô hình để chúng ta khai thác một cách bền vững nhất, thân thiện và hiệu quả nhất thông qua bảo tồn tự nhiên và du lịch sinh thái. Muốn làm được như vậy, phải tiến hành, xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách, quy định có liên quan và người dân sẽ là chủ thể tham gia vào quá trình thực hiện này.
Bộ trưởng cho rằng, từ kết quả Dự án này sẽ giúp cho Việt Nam, cho các nước tham gia chương trình này sẽ có những cơ hội sẽ thay đổi phương thức, tác động đến tự nhiên, thay đổi mô hình phát triển kinh tế, chú trọng đến phát triển nền kinh tế xanh, đầu tư vào các nguồn vốn tự nhiên, đó là: đa dạng sinh học, là môi trường, là đất ngập nước... những điều này là mô hình có thể thích ứng được với sự biến đổi khí hậu đang diễn ra rất là mãnh liệt.
Chia sẻ về hai địa phương sẽ là nơi thực hiện dự án là Thái Bình và Thừa Thiên - Huế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là những địa phương mang tính đại diện rất đặc thù cho các vùng đất ngập nước tại Việt Nam. Nơi này có sự tương tác giữa hệ sinh thái ở biển, hệ sinh thái chuyển tiếp giữa biển và đất liền, hệ sinh thái trên đất liền. Đặc biệt, khi triển khai sẽ liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành và cả địa phương như: quản lý đất đai, quản lý ven bờ, quản lý tài nguyên nước, liên quan đến huy hoạch đất nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường...
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị trong quá trình triển khai, cần phải sớm có điều tra, đánh giá, sớm xác định những vấn đề có tính trách nhiệm liên ngành để tạo dựng đầy đủ các điều kiện về mặt pháp lý. Trong đó, phải chú ý là liên quan đến cơ chế chính sách của các Bộ ngành Trung ương cần phải quan tâm để tiếp cận đúng đắn trong các việc đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù để 2 dự án này đáp ứng được tiến độ.
"Tôi đề nghị, mục tiêu của dự án là sẽ tạo ra môi trường sinh thái, sinh cảnh liên kết tốt hơn, đồng thời, góp phần vào việc tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế. Sau khi dự án hoàn thành, chúng ta phải tính đến việc thay đổi hình thức khai thác đối với vùng đất này, trong đó, liên quan đến việc xác định các mô hình phát triển kinh tế một cách bền vững. Có như vậy, dự án mới có tính bền vững lâu dài. Đồng thời, chủ thể quản lý dự án phải là chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân ở trong vùng phải phải đóng vai trò trung tâm trong quá trình khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững ở đây" Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân sẽ trực tiếp phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phát triển dự án sớm nhanh chóng hoàn thành đúng mục tiêu.
Khương Trung