Bảo tồn, phát triển Sơn Trà: Đã đến lúc cần thu về một mối

22/08/2018 17:15

(TN&MT) - Bán đảo Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” với hệ động thực vật đa dạng, phong phú mà còn là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, sự tham gia quản lý chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị đang đặt ra vấn đề phát triển thiếu bền vững của bán đảo Sơn Trà.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên tham quan bán đảo Sơn Trà
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên tham quan bán đảo Sơn Trà

Chồng chéo trong quản lý

Nằm ngay trong lòng thành phố sôi động bậc nhất miền Trung là Đà Nẵng, Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sơn Trà vẫn giữ được vẻ đẹp bình yên và tĩnh lặng của mình với sức hấp dẫn đến từ hệ sinh thái rừng nguyên sinh và hệ sinh thái ven biển phong phú. Đây còn là nơi có thể dễ dàng quan sát loài Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” bởi vẻ đẹp vô cùng độc đáo của nó. Chính vì thế, những năm qua bán đảo Sơn Trà thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước, giới chụp ảnh... Tuy nhiên, việc kiểm tra, quản lý người ra vào, qua đêm… trên bán đảo Sơn Trà chưa chặt chẽ, nên rất dễ xảy ra tình trạng kẻ xấu có hành vi tác động vào rừng.

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, có đến 3 đơn vị cùng tham gia quản lý bán đảo Sơn Trà nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Cụ thể, rừng và đất lâm nghiệp được giao cho Hạt Kiểm lâm; một phần giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động tổ chức kinh doanh, dịch vụ du lịch thuộc về trách nhiệm của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Mỗi khi xảy ra sự vụ gì, các đơn vị dễ “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau. UBND quận Sơn Trà đã nhiều lần kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng lập một đơn vị quản lý chịu trách nhiệm chung nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Thực tế, việc chồng chéo trong quản lý rừng Sơn Trà đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp xâm phạm rừng đã diễn ra thời gian qua. Điển hình trong năm Năm 2015, tại Sơn Trà xảy ra 2 vụ voọc bị bắn chết. Năm 2017, tại bãi giữ xe ở khu vực Bãi Ban, lửa bùng phát lúc nửa đêm suýt gây ra cháy rừng hay trường hợp du khách vứt mẫu thuốc lá xuống bãi cỏ lau làm cháy thực bì tại chùa Linh Ứng… Đặc biệt, tình trạng người dân vào đốt củi, kinh doanh trong lõi bán đảo Sơn Trà luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.  

Năm 2015, tại Sơn Trà xảy ra 2 vụ voọc bị bắn chết
Năm 2015, tại Sơn Trà xảy ra 2 vụ voọc bị bắn chết

Theo ông Trần Thắng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, từ đầu năm 2018 đến nay, hạt tổ chức trên 10 đợt kiểm tra, truy quét; phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai hơn 100 đợt tuần tra, tháo gỡ hơn 300 dây bẫy cùng một số lồng, kẹp bằng sắt để bẫy động vật rừng. Cũng theo ông Trần Thắng, hiện lo ngại nhất chính là việc kinh doanh dịch vụ hàng quán ở khu vực bán đảo Sơn Trà, do sử dụng lửa bất cẩn hoặc bị chập điện dễ gây ra cháy rừng.

“Để công tác quản lý bán đảo Sơn Trà đi vào nền nếp, thành phố cần sớm thành lập một đơn vị đứng ra tổ chức các điểm hướng dẫn, trông giữ phương tiện của khách du lịch khi đến tham quan bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, phải kiểm tra, giám sát được lượng người ra vào rừng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao như hiện nay lực lượng kiểm lâm khó có thể thực hiện được điều này”.

Đề xuất thành lập vườn quốc gia

Ông Nguyễn Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho rằng, khó khăn trong mô hình quản lý bán đảo Sơn Trà là do trước đây khu bảo tồn nguyên vẹn đã bị thu hẹp diện tích từ hơn 4.000 hecta nay chỉ còn 1.826 hecta. Do đó, mô hình quản lý, bảo tồn và phát triển hữu hiệu nhất hiện nay cho bán đảo Sơn Trà là nâng hạng thành vườn quốc gia bằng cách mở rộng diện tích khu rừng đặc dụng theo hướng bảo đảm diện tích bán đảo Sơn Trà hiện có và kết hợp thêm một phần diện tích biển, nơi có giá trị đa dạng sinh học biển cao như san hô và cỏ biển; diện tích rừng đặc dụng Nam Hải Vân và hòn đảo Sơn Chà con.

Thành lập vườn quốc gia với một ban quản lý đang là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát triển Sơn Trà
Thành lập vườn quốc gia với một ban quản lý đang là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát triển Sơn Trà

“Khi thành lập vườn quốc gia thì công cụ về pháp lý để bảo vệ sẽ tốt hơn. Chẳng hạn theo luật, vườn quốc gia có thể thành lập 01 hạt kiểm lâm trực thuộc vườn quốc gia thực thi pháp luật để quản lý bảo vệ lâm sản. Việc quản lý Sơn Trà sẽ thu về một mối. Ngoài ra, khi trở thành vườn quốc gia, uy tín, ảnh hưởng của bán đảo Sơn Trà trong khu vực sẽ rất lớn để làm du lịch và nghiên cứu khoa học. Vườn quốc gia nên trực thuộc UBND TP Đà Nẵng với các phân khu chức năng nghiêm ngặt tuân thủ theo luật chung. Khi công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo được tốt thì cộng đồng sẽ chính là những người được hưởng lợi”- ông Nguyễn Hữu Vỹ đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc nâng Sơn Trà lên vườn quốc gia sẽ giúp phát huy lợi thế của Sơn Trà, duy trì ổn định khu vực bán đảo, biển, đảo về bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, phát huy tối đa các hình thức du lịch bền vững, kết nối mạng du lịch trong khu vực. Đây cũng là cơ sở để triển khai thu phí tham quan bán đảo Sơn Trà để chi cho các dự án về cải thiện môi trường và phát triển du lịch bền vững như Cù Lao Chàm đã thực hiện. Giải pháp thuế sinh thái hiện nay đang được nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện nhằm nhằm kiểm soát sử dụng tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc người sử dụng trả tiền và trả tiền cho phần tác động môi trường sinh thái mà quần đảo Balearic (Tây Ban Nha) là một ví dụ.

Theo tính toán, nếu thu phí tham quan bán đảo Sơn Trà với mức 50.000 đồng/người thì sẽ có ngân sách 60 tỷ đồng/năm để chi phí cho quá trình quản lý, bảo tồn đa dang sinh học, đầu tư các giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường…

“Chúng tôi khuyến nghị xây dựng phương án thí điểm tổ chức, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên thông qua việc thu phí vào cửa từ 50.000-100.000 đồng/lượt khách và cung cấp các gói dịch vụ du lịch chuyên biệt”- bà Bùi Minh Nguyệt, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát triển Sơn Trà: Đã đến lúc cần thu về một mối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO