Bảo tồn nhà sàn phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Thanh Tâm| 22/08/2021 17:07

(TN&MT) - Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Thạch Lập (Ngọc Lặc – Thanh Hóa) nhiều cảnh quan đẹp, với nhiều hang động, núi đồi, thác nước còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ. Bên cạnh đó, đây còn là nơi lưu giữ nhiều nhà sàn truyền thống của người dân tộc Mường. Việc bảo tồn nhà sàn phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái là hướng đi đúng đắn trong xu thế mới.

Nét đặc trưng nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường

Huyện Ngọc Lặc được hình thành trên cơ sở một vùng đất lâu đời, nơi đây là vùng đất sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc như người Mường, người Thái, người Dao… các dân tộc miền núi huyện Ngọc Lặc với nhiều phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau là tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phong phú, hấp dẫn. Cùng với đó là hệ thống các danh thắng với nhiều hang động, núi đồi, thác nước còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ.

Hiện nay, huyện Ngọc Lặc đang sở hữu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Trò diễn Pồn Pôông, “Nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên của dân tộc Mường” và nhiều di sản khác.

Điểm nổi bật độc đáo trong sinh hoạt thường ngày của người Mường chính là nhà sàn, một nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống lâu đời . Bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu quảng bá về văn hóa và con người Ngọc Lặc.

Bảo tồn nhà sàn phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ở Thạch Lập

Theo kết quả rà soát, thống kê tháng 12/2020 trên địa bàn toàn huyện Ngọc Lặc có 1.465 nhà sàn, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Thạch Lập là 700 nhà sàn. Nhà sàn là loại hình phổ biến của nhiêu cộng đồng dân tộc ở Việt Nam như: dân tộc Êđê, Tày, Thái, Mường. Tuy nhiên, nhà sàn truyền thống của người Mường vẫn có nhiều điều đặc biệt khác với nhà sàn của các dân tộc khác.

Người Mường cư trú trên những ngôi nhà sàn nằm dọc theo các thung lũng hẹp giữa núi và đồi. Đất ở và đất dựng nhà của dân tộc Mường được căn cứ vào nhiêu quan niệm phong thủy. Người Mường thường chọn miếng đất cao ráo, thế đất sau dựa vào núi đồi, kiêng kị ở những miếng đất sau có hố sâu, dốc.

Về truyền thống ở nhà sàn của người Mường có liên quan đến điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển. Trước kia khi rừng rú còn âm u chưa bị con người tàn phá, các muông thú chưa bị săn bắn nhiều thì nơi sinh sống của người Mường thường xen kẽ với sinh sống của muông thú.

Người Mường luôn quan niệm ngôi nhà hết sức thiêng liêng, từ trong sử thi “ Đẻ đất, đẻ nước” thì ngôi nhà đã gắn với lịch và tâm linh của người Mường bởi ngôi nhà sàn không đơn giản chỉ là chỗ ở mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục – tập quán – tín ngưỡng của người Mường. Mặc dù ngôi nhà sàn đơn giản nhưng chứa đựng cả một kho tàng văn hóa lịch sử vô cùng đặc sắc mà sử thi còn lưu truyền.

Những ngôi nhà sàn truyền thống nép mình bên triền núi

Ông Phạm Đình Cường – Trưởng phòng Dân tộc huyện Ngọc Lặc cho biết: Địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ ít bị tác động bởi con người. Đặc biệt, trên địa bàn xã Thạch Lập có gần 700 nhà sàn, trong đó tập trung nhiều nhất ở làng Lập Thắng với 118 nhà sàn, đây là nhà sàn truyền thống của người dân tộc Mường có thể phát triển du lịch cộng đồng.

Bảo tồn nhà sàn truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Hiện nay, xã Thạch Lập được coi là điểm hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Nổi bật hơn cả là khu vực làng Lập Thắng đang từng bước được đưa vào quy hoạch, xây dựng điểm du lịch cộng đồng.

Theo thống kê, làng Lập Thắng có 141 hộ, trong đó có 118 nhà sàn, số lượng nhà sàn truyền thống có thể khôi phục làm du lịch cộng đồng là 80.

Làng Lập Thắng có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phong phú và đa đạng; cùng với các giá trị văn hóa truyền thống như: những dãy núi cao, có các con suối, thác nước. Đồng thời là các trò diễn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân tộc Mường, hát ru, sắc bùa… con người thân thiện mến khách.

Du khách trải nghiệm dã ngoại cắm trại ban đêm

Việc định hướng sang phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi ý thức người dân nơi đây. Người dân đã chủ động thay đổi diện mạo môi trường cảnh quan làng xóm như thắp điện chiếu sáng, sử dụng nước sạch, làm vệ sinh môi trường. Đồng thời trong suy nghĩ của người dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà bắt đầu tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững.“Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, xã đã phát động phong trào xây dựng mô hình Vườn sạch – Nhà đẹp. Từ đó ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, các hộ gia đình tự giác dọn dẹp vườn nhà, trồng hoa cây cảnh; rác thải được thu gom đúng nơi quy định. Bảo tồn nhà sàn truyền thống để phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là giữ gìn cảnh quan, hệ sinh thái nguyên sơ ít bị tác động bởi con người” - Ông Bùi Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Lập Thạch cho biết.

Đồi Hích (Làng Hoa Sơn) có độ cao 850m so với mực nước biển

Thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất Thạch Lập hệ thống cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng phong phú. Tiêu biểu nhất là Hang Gió, lòng hang rộng 40m, cao 60m, sâu chưa xác định vẫn còn nguyên sơ chưa chịu tác động lớn của con người. Ngoài ra còn có Đồi Hích (Làng Hoa Sơn) có độ cao 850m so với mực nước biển; Thác Cha (Làng Thuận Sơn); hang Quăn (làng Đô Quăn) hang rộng khoảng 1.500m2, độ sâu khoản 4-5m, có nước bên trong có thể tắm và du thuyền ngắm cảnh hang động. Cảnh vật ở đây đẹp như một bức tranh thủy mạc với những dãy núi cao hùng vĩ, nhiều hang động đẹp, thác nước hoang sơ, ruộng bậc thang đặc trưng. Phát triển du lịch cộng đồng ở Thạch Lập vẫn còn là một tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Hang Quăn (làng Đô Quăn) hang rộng khoảng 1.500m2, độ sâu khoản 4-5m, có nước bên trong có thể tắm và du thuyền ngắm cảnh hang động.

Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, cũng như xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã Thạch Lập đã phát động phong trào “Vườn sạch, nhà đẹp” trên địa bàn toàn xã. Về với Thạch Lập, đặc biệt là làng Lập Thắng nhà sàn của người dân tộc Mường rất khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, hai bên đường được trồng hoa và cây cảnh.

Qua kiểm tra thực tế tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là 1.451/1.523 = 95,27%. Tỷ lệ hộ sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản , làng nghề đảm bảo quy định bảo vệ môi trường đạt 100%. Cảnh quan, môi trường hiện nay trên địa bàn xã cơ bản xanh - sạch - đẹp. Việc mai táng trên địa bàn cơ bản phù hợp với các quy định của Chính phủ. Đến nay, 12/12 làng dã có quy hoạch về nghĩa địa không có tình trạng tự chôn, cất trong vườn hộ như những năm trước đây.

Mô hình "Vườn sạch - Nhà đẹp" được triển khai hiệu quả ở xã Thạch Lập

Chất thải rắn sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn xã hiện nay đã được các làng thu gom, xử lý theo đúng quy định. Việc xử lý nước thải được các hộ xử lý bằng cách đào các hố tự thấm trong khuôn viên vườn hộ; các hộ sản xuất kinh doanh cũng đã được thu gom và xử lý theo quy định về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch theo quy định là 1.443/1.523 =94,1%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn nhà sàn phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO