Bảo tồn di sản Hội An trước biến đổi khí hậu

25/09/2014 00:00

(TN&MT) - Hằng năm đô thị cổ Hội An luôn phải đối diện với nguy cơ ngập úng và sạt lở do các hiện tượng thời tiết cực đoan của BĐKH gây ra.

(TN&MT) - Nằm phía cuối hạ nguồn, hằng năm đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) luôn phải đối diện với nguy cơ ngập úng và sạt lở do các hiện tượng thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Công tác bảo tồn di sản trước tác động của BĐKH đang đặt ra thách thức với chính quyền và người dân phố cổ.
   
Người dân Hội An nhanh chóng thích ứng với BĐKH
   
Đe dọa di sản
   
  Hiện trong phố cổ Hội An có 1.107 ngôi nhà và di tích, trong đó nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng do mưa lũ. Tác động của BĐKH, cùng với sự xả lũ ồ ạt của các đập thủy điện làm cho tình trạng lũ lụt ở phố cổ Hội An ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo kịch bản BĐKH của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, Hội An là địa phương bị ngập nặng nề nhất do nước biển dâng. Dự báo sẽ có khoảng 17,5km2 bị ngập trong nước, chiếm 27,63% diện tích tự nhiên. Khu phố cổ cũng chịu những tác động không nhỏ của tình trạng BĐKH. Còn nhớ trận lũ vào tháng 11/2013, nước thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về khiến Hội An chìm sâu trong lũ, có nơi ngập sâu đến 3m. Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết: Khu phố cổ Hội An có nhiều tuyến đường nằm trong khu vực thấp trũng, thường xuyên chịu tác động mỗi khi có lũ lụt diễn ra, như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu… và cứ vài ba năm một lần, nước lụt lại dâng cao tới đường Trần Phú. Bão lụt đe dọa đến cuộc sống của người dân, đe dọa đến các di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị trong khu phố cổ, đặc biệt là các công trình kiến trúc gỗ. Ngoài ẩm mốc, mối mọt phát sinh, bão lụt cũng gián tiếp gây sụt lún các nền móng và biến dạng các kết cấu công trình khiến các di tích nhanh xuống cấp.
   
   Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng phố cổ mỗi khi đến mùa mưa lũ chính là sự bồi lấp và xói lở bờ sông Hoài. Qua khảo sát sơ bộ dọc tuyến đường Bạch Đằng từ cầu Cẩm Nam đến Chùa Cầu, trình trạng xói lở hàm ếch ăn sâu vào tuyến đường này rất nghiêm trọng, nếu không có giải pháp kịp thời nguy cơ sụp đổ các công trình ven sông là khó tránh khỏi. Cùng với đó, hiện tượng bồi lấp, chuyển dòng tại sông Hoài cũng đe dọa trực tiếp đến các di tích phố cổ do nước tồn đọng không thoát được khi có lũ về. Qua kiểm tra, đã xác định được 67 nhà cổ cần kè chống cấp thiết gồm 49 di tích đối diện nguy cơ sụp đổ cao và 10 di tích nhà cổ đã hết khả năng chống đỡ. “Trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt dự án và ghi vốn năm 2014 là 150 tỷ đồng cho việc gia cố bờ kè sông Hội An, nhưng do khó khăn kinh tế, đến nay dự án vẫn giẫm chân tại chỗ” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết.
   
Sống chung với bão lũ
   
  Để bảo vệ di sản trước BĐKH, mỗi năm chính quyền và nhân dân phố cổ Hội An đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, chằng chống, gia cố, chặt tỉa cây cối, phát dọn cảnh quan để hạn chế những tác động bất lợi của các yếu tố tự nhiên... Vấn đề vật liệu tu bổ di tích như gỗ, ngói âm dương cũng được đặt ra cấp thiết để tìm giải pháp tối ưu trong điều kiện có thể. Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn thành phố triển khai thành công việc sản xuất ngói âm dương tại chỗ để phục vụ các di tích tu bổ bằng công nghệ thủ công (làm phơi) và nung theo công nghệ hiện đại. Kết quả đưa vào trùng tu tại 7 di tích (cả Nhà nước, tập thể và tư nhân) trong 2 năm qua cho thấy, nguồn vật liệu ngói âm dương này đảm bảo chất lượng hơn so với nguồn ngói của thị trường đang dùng hiện tại, góp phần quan trọng để thành phố chủ động được nguồn vật liệu, đảm bảo nguyên tắc về tính nguyên dạng khi trùng tu.
   
  Ông Nguyễn Chí Trung cho biết: Bảo vệ di sản không chỉ trực tiếp trùng tu, tôn tạo các di tích trong khu phố cổ mà Hội An còn có hướng “phòng vệ từ xa”. Phong trào trồng cây xanh chắn gió, phòng hộ ở các bãi biển, triền sông, cồn bãi... được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thực sự đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh – vùng sinh thái quan trọng của vùng hạ lưu sông Thu Bồn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống nhân dân trước những tác động khôn lường của thiên tai được phục hồi và bảo vệ nghiêm ngặt.
   
  Trong 15 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn Quảng Nam, đầu năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai đầu tư quy hoạch chi tiết rừng dừa nước Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng để Hội An ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản, phát triển kinh tế bền vững.
   
Bài và ảnh:Lan Anh – Văn Hà
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn di sản Hội An trước biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO