Bảo tồn biển trước áp lực phát triển kinh tế

14/07/2017 00:00

(TN&MT) - Tại Việt Nam, các khu  bảo tồn biển được thành lập đã góp phần hữu hiệu để bảo vệ nguồn tài nguyên biển, cảnh quan môi trường biển, thúc đẩy phát triển thương hiệu biển, cũng như phát triển kinh tế biển bền vững. Thế nhưng, yếu tố bảo tồn đang khá yếu ớt trước áp lực phát triển kinh tế.

Làm thế nào để bảo tồn kết hợp phát triển du lịch bền vững là nội dung chủ yếu tại Hội thảo Quốc tế về quản lý hiêu quả mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức diễn ra vào ngày 14/7 tại TP. Đà Nẵng.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Thách thức lớn

Bảo tồn biển ở Việt Nam được xác lập bắt đầu từ khi có Luật Thủy sản (2003) và được cụ thể hóa bằng Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển (KBTB) có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; Quyết định 145/QĐ-BTS của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành hướng dẫn thành lập KBTB; hướng dẫn lập kế hoạch quản lý KBTB. Đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập được mạng lưới 10/16 KBTB trải dài từ Bắc xuống Nam. Các KBTB đã góp phần quan trọng đảm bảo cân bằng sinh thái cho toàn vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo chức năng điều hòa môi trường và nguồn giống thủy sản mà còn có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế lâu dài, đối với nghiên cứu khoa học, giáo dục giải trí, và du lịch sinh thái biển.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch đã đặt công tác bảo tồn biển trước nhiều thách thức. Theo anh Phạm Quốc Vịnh- Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học là thách thức lớn nhất đối với Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Để phục vụ phát triển du lịch hàng loạt nhà hàng, khách sạn và xây dựng trong Vườn quốc gia bởi các tập đoàn lớn. Hoạt động tham quan, du lịch làm đang ảnh hưởng đến số lượng, nơi cư trú và sinh sản của một số loài chim sinh sống ở các khu rừng ngập mặn. Ngay cả bãi rùa đẻ cũng được quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế tại địa phương. Hay như tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc, vùng có biển, vốn là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở Phú Quốc nhưng hiện đã có tới 5 dự án được chấp thuận, thậm chí có 1 dự án còn xây dựng nhà nghỉ trên biển, vi phạm quy định tại Nghị định 57 của Chính phủ đối với các khu bảo tồn. Hiện hầu hết các đảo trong vùng lõi đều có chủ đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện ICCU cho rằng, các địa phương đang tồn tại sự hiểu nhầm rằng việc thành lập KBTB là để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Chính vì thế đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn đang bị tổn thương từ hoạt động của con người.

Bảo tồn và phát triển bền vững

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, phát triển kinh tế và bảo tồn có quan hệ tương tác với nhau, phát triển kinh tế bền vững, đúng hướng là nguồn lực để thực hiện bảo tồn, ngược lại bảo tồn sẽ giúp làm kinh tế hiệu quả. Do đó, phải làm sao để các nhà đầu tư nhận thức được rằng phải lấy môi trường làm hạt nhân để phát triển kinh tế xanh. Nếu làm tốt được điều này thì chúng ta sẽ có một mô hình giải quyết được bài toán hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – một mô hình bảo tồn biển hiệu quả
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – một mô hình bảo tồn biển hiệu quả

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất ,để công tác bảo tồn biển có hiệu quả cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách bảo đảm phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương ven biển; có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý các khu bảo tồn biển. Xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp về quản lý các khu bảo tồn biển giữa các Bộ, ngành và địa phương, nhằm giải quyết được những chống chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Sớm thành lập đầy đủ Ban quản lý của 16 khu bảo tồn biển của cả nước, để tạo ra sự thông suốt trong quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu về lĩnh vực biển đảo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý khu bảo tồn biển; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển và phân vùng sử dụng biển đi đôi với rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu bảo tồn, cần phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia đắc lực vào việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển hiện có. Trong đó, nên nhân rộng mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển, để khai thác, sử dụng các khu bảo tồn biển có hiệu quả, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong điều kiện nguồn lực trong nước còn hạn chế, nên tăng cường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo tồn biển, nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý của các nước để phục vụ quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn biển trước áp lực phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO