Bão số 11 hướng vào Bắc Trung Bộ, dự kiến đổ bộ ngày 17/10

14/10/2017 00:00

(TN&MT) - Bão số 11 (tên quốc tế là Khanun) mỗi giờ đi được 15-20km và có thể mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Dự báo đến chiều ngày 17/10, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Hiện nay, lũ trên các sông Hồng, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Mã dù đang giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều.

Nguy cơ nước dâng trong khi nhiều khu vực chưa hết ngập

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h hôm nay (14/10), vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (15/10) tăng lên cấp cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới có gió mạnh cấp 6 trở lên từ 14 độ Vĩ Bắc đến 111 độ Kinh Đông. Rủi ro thiên tai cấp độ 3. Theo dự báo trưa, chiều ngày 17/10, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Vị trí, hướng đi của cơn bão số 11. Ảnh: nchmf.gov.vn
Vị trí, hướng đi của cơn bão số 11. Ảnh: nchmf.gov.vn

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, mực nước trên sông Hồng, sông Thái Bình và sông Hoàng Long, sông Bưởi, sông Cả đang tiếp tục xuống. Các hồ thủy điện đều đang vận hành bình thường, 47 hồ thủy điện đang xả tràn. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều đã đầy nước. Hiện nay, các hồ chứa bị sự cố tại Thanh Hóa (hồ Ông Già, đập Cồ Bương, hồ Đập Cầu) đã được địa phương khắc phục, đảm bảo an toàn; đập hồ Cháu Mè, hồ Rộc Cốc (Hòa Bình) và đập Trại Gà (Nghệ An) đã mở rộng tràn để hạ thấp mực nước.

Tính đến sáng ngày 14/10 lũ trên các tuyến đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố. Ngoài 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê, trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều (đê từ cấp III trở lên: 50 sự cố, đê dưới cấp III: 93 sự cố).

Dự kiến, tình hình ngập úng sẽ còn tiếp diễn trong 5 - 7 ngày tới và có nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại. Diện tích ngập úng hiện còn 158.000ha, nhiều nhất là Nam Định: 43.942ha, tiếp đó Thái Bình: 40.000ha; Thanh Hóa: 27.405ha; Ninh Bình: 14.000ha, Nghệ An: 10.423ha; Hòa Bình: 10.000ha... 

Riêng tại Hòa Bình còn 19 xã vẫn đang bị cô lập do giao thông chưa khắc phục được (Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc); Yên Bồng, Khoan Dụ, Lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình (huyện Lạc Thủy). Tại Thanh Hóa còn 35 xã/7 huyện vẫn đang bị ngập. Tại Ninh Bình còn 8 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập

Khẩn trương chống bão

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 13 giờ ngày 14/10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.438 tầu, thuyền/298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trược tình hình bão số 11 đang tiến gần nước ta, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu Ban chỉ huy các địa phương, Bộ ngành nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Công điện số 82 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11. Theo đó, phải thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 11, mưa, lũ, tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ; cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu đang bị ngập.

Tăng cường tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và khẩn trương xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, nhất là các trọng điểm xung yếu, đối với những địa phương đã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua để chuẩn bị ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục rà soát, chủ động triển khai quyết liệt việc di dời dân đến nơi đảm bảo an toàn tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, ven biển, hạ du các hồ chứa; các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Đến sáng ngày 14/10, đã có tổng cộng 60 người thiệt mạng, 37 người mất tích và 31 người bị thương đang được điều trị. Mưa lũ đã làm sập 214 ngôi nhà và gần 2.000 nhà phải di dời khẩn cấp.

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình: Hiện, đã tìm được 11 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 7 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 11 hướng vào Bắc Trung Bộ, dự kiến đổ bộ ngày 17/10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO