Bạo hành trẻ mầm non: Đặt ra việc quản lý trường tư thục

29/11/2017 00:00

(TN&MT) - Vấn đề đặt ra là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở ngoài công lập.

(TN&MT) - Vấn đề đặt ra là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nhất là cơ sở ngoài công lập.
 
Trả lời báo chí về vụ bảo mẫu bạo hành tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP. HCM), ông Nguyễn Bá Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ GD&ĐT) cho hay, ông rất phẫn nộ và sốc với những hành động thô bạo của bảo mẫu đối với trẻ. Đây là việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp rất nghiêm trọng.
 
"Tôi thấy hành vi này là phản cảm, phi giáo dục. Là một người thầy, tôi rất buồn. Hành động này thể hiện cô giáo không có tình yêu thương đối với trẻ. Cô giáo không có ý thức trách nhiệm với vai trò của người dạy dỗ trẻ." - Ông Minh nói.
 
Vụ Giáo dục Mầm non đã chỉ đạo Sở GD&ĐT TP. HCM xử lý đình chỉ, chuyển toàn bộ số trẻ đến cơ sở khác để học. Vụ cũng đề nghị công an vào cuộc, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân liên quan trong vụ việc.
 
Giải thích việc có nhiều vụ giáo viên bạo hành trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non tư thục thời gian qua, ông Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Trong đó, thiếu giáo viên mầm non chăm sóc trẻ là nguyên nhân khách quan. Hiện nay, trên toàn quốc chỉ có 1,76 giáo viên/nhóm trẻ (25 học sinh). Trong khi đó, theo quy định chuẩn phải có 2,5 giáo viên/nhóm trẻ.
 
Mặc dù, tình trạng thiếu giáo viên ở cơ sở mầm non vẫn tồn tại nhưng khó để cải thiện. Bởi ngày càng có nhiều trẻ, trong khi Bộ Nội vụ lại có chính sách tinh giản biên chế, nên ngành giáo dục không thể tuyển thêm.
 
Tuy nhiên, theo ông Minh, nguyên nhân chính vẫn là một số giáo viên không có lòng yêu trẻ, không có ý thức trách nhiệm của nhà giáo và không tâm huyết với nghề. 
 
Bên cạnh đó, trong khâu sơ tuyển giáo viên mầm non ở một số cơ sở chưa đạt. Các chủ cơ sở trông giữ trẻ chưa nhận thức được giáo viên có năng khiếu yêu trẻ, thích làm việc gắn bó với trẻ nên vẫn còn trẻ bị bạo hành. Dùng bạo lực đối với trẻ chứng tỏ các cô giáo thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý. 
 
Ông Minh cũng cho rằng, nếu để xảy ra việc giáo viên đánh học sinh, ngoài xử lý giáo viên vi phạm, còn phải xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục. Mức cao hơn nữa là xem xét, rút giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.
 
Theo ông Minh, với nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu đưa trẻ lứa tuổi mầm non tới trường, giảm bớt tình trạng quá tải trong các trường công lập. 
 
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ nhóm lớp không đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ….
 
Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng đã liên hệ với Bộ GD&ĐT cũng như Trung tâm chăm sóc xã hội (thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM). Cơ quan này cũng vào cuộc và có những biện pháp chăm sóc đặc biệt với những trẻ em là nạn nhân của bạo hành.
 
Theo ông Nam, trẻ bị bạo hành cho dù nhỏ tuổi nhưng cũng có những sang chấn về mặt tâm lý và cần can thiệp để khắc phục. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nhất là cơ sở ngoài công lập.
 
Ông Nam đề xuất đưa những quy định bắt buộc với những cơ sở giáo dục mầm non như: Chịu sự giám sát của phụ huynh hay lắp đặt hệ thống camera…và nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực với trẻ em. Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, các vụ bạo lực trẻ em có xu hướng tăng lên và có chiều hướng  phức tạp. Bởi lẽ, người dân hiện nay cũng đã thay đổi nhận thức và pháp luật cũng luôn bảo vệ người thông báo, tố giác hành vi bạo lực trẻ.
 
Hiện nay, những quy định của pháp luật về tố cáo, tố giác thông báo hành vi bạo lực trẻ em cũng như quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận và xử lý xâm hại trẻ em được quy định rất cụ thể trong Nghị định 56 của Chính phủ.
 
Để giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em, ông Nam cho rằng, phải giáo dục pháp luật. Những người hàng ngày tiếp xúc với trẻ em như cha mẹ, giáo viên…phải hiểu được trẻ em luôn được pháp luật bảo vệ.  Nếu có hành vi bạo lực trẻ em sẽ bị trừng trị nghiêm khắc và áp dụng khung hình phạt tăng nặng nếu bạo hành trẻ nhỏ.  Với giáo viên ở bậc mầm non, không chỉ biết chăm sóc trẻ em đơn thuần mà phải biết kiềm chế cơn nóng giận, không để những bức xúc ở gia đình, ngoài xã hội ảnh hưởng đến trẻ.
 
Mỗi người dân hãy thông tin tố giác đến cơ quan chức năng những vụ bạo hành trẻ em qua số 18001567 (đường dây nóng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em) và số 111 (tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em). Chúng tôi sẽ nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất. (Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em).
 
Đình Lâm - Vũ Hằng
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo hành trẻ mầm non: Đặt ra việc quản lý trường tư thục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO