Bão Haiyan đổ bộ tối nay, miền Trung căng mình chạy bão

09/11/2013 00:00

(TN&MT) - Khắp miền Trung đang căng mình chạy cơn bão cực kỳ nguy hiểm dự báo sẽ đổ bộ tối nay (9/11).

   
(TN&MT) - Nỗi khiếp sợ mang tên Nari cách đây không lâu đã tàn phá mảnh đất miền Trung chưa nguôi trong ký ức, nay Haiyan-một cơn bão “khủng” với sức gió giật cấp 17 mạnh nhất trong lịch sử đang tiến vào biển Đông, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho những người con của miền Trung. Cả miền Trung đang căng chạy... bão cực kỳ nguy hiểm này.
   
   
  Dự báo mới nhất của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, ảnh hưởng của bão, chiều tối nay (9/11) khu vực Trung Trung Bộ mưa rất to và giông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị từ chiều tối nay có gió giật cấp 15, cấp 16. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi – Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường cao từ 4 – 6m. Sóng biển 5 – 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.
   
   
  Tại TP. Đà Nẵng, mọi cuộc họp cũng tạm dừng để nhường sức cho công tác chỉ đạo ứng phó bão Haiyan. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 8/11/2013 về công tác phòng, chống bão Haiyan. Theo đó, để chủ động đối phó với bão Haiyan, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc các sở, ngành triển khai ngay phương án phòng, chống bão, lũ; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, chống; yêu cầu người dân không có trách nhiệm không ra đường khi bão vào; thực hiện sơ tán nhân dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, lưu ý các nhà trọ, nhà cho thuê, khu vực nguy hiểm thường xuyên có triều cường, khu vực ven biển do sóng rất lớn trong bão nhất là khu vực tuyến đường Hoàng Sa, khu vực quận Liên Chiểu; di dân tại chỗ, di dân từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố, di dân vào các công sở, cơ quan, cách xa bờ biển ít nhất 500m; động viên các hộ gia đình có nhà kiên cố tạo điều kiện cho người dân cùng tránh, trú bão và hoàn thành trước 19h ngày 9/11; tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão Haiyan.
   
   
  Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố: nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; không cho người ở lại trên tàu khi bão “đổ bộ”; phối hợp với Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và chính quyền địa phương các quận: Sơn Trà, Hải Châu tổ chức di dời số tàu, thuyền neo đậu không đúng vị trí trên sông Hàn về khu trú bão Âu thuyền Thọ Quang và Vịnh Mân Quang tổ chức neo đậu thật an toàn, không để người ở lại trên tàu và hoàn thành trước 17h00 ngày 9/11; phối hợp với các đơn vị yêu cầu các chủ nuôi cá lồng bè trên địa bàn thành phố tổ chức neo lồng bè an toàn, tuyệt đối không cho người ở lại trên bè khi bão vào và hoàn thành trước 17h00 ngày 9/11. Tổ chức sơ tán dân trong khu vực có nguy cơ, hoàn thành trước 19h00 ngày 9/11. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng và yêu cầu Đài Phát thanh & Truyền hình Đà Nẵng tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão Haiyan để chủ động đối phó.
   
   
  Đến trưa nay, Đà Nẵng cũng đã tổ chức neo đậu an toàn cho 1.830 tàu, chủ yếu ở khu trú bão Thọ Quang và trong vịnh Mân Quang, đưa toàn bộ 143 tàu trên sông Hàn về nơi an toàn. Theo ông Chiến, do nhận thức đây là siêu bão nên TP đã chỉ đạo rà soát sơ tán khoảng 20.000 hộ dân chủ yếu ở quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Kế hoạch di dời sẽ tiến hành xong trước 19h ngày 9/11. Ngày 9/11, học sinh tại Đà Nẵng được nghỉ học, riêng tại các khu công nghiệp đến chiều 9/11 phải cho công nhân nghỉ làm, các chợ cũng tạm thời đóng cửa vào chiều 9/11. Ngoài ra, Quân khu 5 cũng thành lập tổ ứng cứu sập đổ công trình để ứng phó với tình huống xấu nhất. Cùng ngày, Đại học Đà Nẵng đã yêu cầu các trường lập phương án sơ tán học sinh, sinh viên đang trú ở các phòng trọ không kiên cố bên ngoài nhà trường vào trú ở những nơi kiên cố như ký túc xá, giảng đường... bên trong nhà trường để tránh trú bão. Ngoài ra, Quân khu 5 sẽ thành lập ngay Sở Chỉ huy tại Đà Nẵng và hai Sở Chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam); Sở Chỉ huy cơ động tại Bình Định. Quân khu 5 đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có kế hoạch di chuyển các phương tiện xe máy ra khỏi nhà xe để đề phòng sự cố sập đổ nhà xe; đưa các loại thuốc men, đạn dược, lương thực thực phẩm cho vào bao gói cẩn thận và có kế hoạch sơ tán.
   
   
  Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã đề nghị các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng cẩu tháp xây dựng phải tuân thủ việc hạ cần trục và neo giằng khi có gió bão, đảm bảo theo nguyên tắc hạ cần trục tháp xuống sát mặt sàn trên cùng.
   
  Tại Quảng Nam, trong sáng nay (9/11), còn 23 tàu đánh bắt xa bờ với gần 70 ngư dân, trong đó có 4 tàu neo đậu ở đảo Song Tử Tây đang tiếp tục được di chuyển vào bờ. Tỉnh cũng đang khẩn trương triển khai sơ tán người dân ở vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, triển khai đào một số hầm trú ẩn nhằm đảm bảo tính mạng của nhân dân.
   
   
  Tại phố cổ Hội An, trong hơn 2 ngày qua, thành phố đã gấp rút đưa lực lượng, phương tiện, vật dụng, bao cát chèn lấp 120 m2, đoạn qua địa phận phía trước phường Cửa Đại; huy động 50 xe tải sẵn sàng di dời gần 300 hộ dân thuộc 2 phường Cẩm An và Cửa Đại. Toàn bộ nhân dân xã đảo ven biển cũng như các thôn nằm sát ven biển thuộc xã Cẩm Thanh cũng được di dời tới nơi an toàn, chỉ để lại lực lượng xung kích kịp thời ứng phó với bão. Địa phương cũng yêu cầu các khách sạn phải di dời du khách đến nơi an toàn trước 15 h chiều nay.  
   
   
  Chính quyền Quảng Nam cũng đã quyết định cho hơn 300.000 học sinh, sinh viên các cấp nghỉ học từ ngày 9/11, thời gian đi học trở lại tùy theo diễn biến của bão. Ngay trong ngày 8/11, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam đã họp khẩn để triển khai công tác phòng chống bão. Tại Quảng Ngãi, trước diễn biến phức tạp của bão Haiyan, ngay trong ngày 8/11 tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với các sở ngành, địa phương để triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống bão. Theo đó, các địa phương phải di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn cách bờ biển tối thiểu 500m trước 13h ngày 10/11. Tiếp tục duy trì lệnh cấm tất cả các loại tàu thuyền ra biển hoạt động cho đến khi có thông tin chính thức về thời tiết ổn định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi cũng lên phương án di dời dân, trên 54.000 hộ với 216.000 nhân khẩu, nhất là trên 5.000 hộ với hơn 21.000 nhân khẩu nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm của bão.
   
   
  Tương tự, tỉnh Bình Định cũng đã tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực tại 44 hồ chứa nước nhỏ đã đầy nước và qua tràn. Đặc biệt, chiều 8/11, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định đã có văn bản thông báo cho các trường học trên địa bàn tỉnh cho hơn 336.000 học sinh từ mầm non đến phổ thông nghỉ học từ sáng 9/11.
   
  Tại Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai các phương án ứng phó với bão theo phương châm 4 tại chỗ. Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng đóng chốt tại các địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân trong việc chuẩn bị các khâu, các thiết bị chống bão. Các chiến sĩ biên phòng được phân công trực suốt ngày đêm trên tàu, sẵn sàng đối phó, ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
   
  Trạm neo đậu tàu thuyền huyện Sơn Tịnh đã đón nhận trên 400 tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận vào neo đậu nơi tránh trú bão. Đáng chú ý, khi siêu bão HaiYan đổ bộ vào sẽ tác động đến các hồ chứa nước, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh  có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có 15 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3, còn lại là dưới 3 triệu m3. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989, nhiều công trình đang xuống cấp.
   
  Ban Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: Hiện các công trình do công ty quản lý đã có phương án đối phó khi mưa bão. Trong các hồ chứa nước, hồ Đá Bàn là hồ có nguy cơ nhất, bởi mực nước của hồ này hiện nay đã vượt tràn. Nếu trong những ngày tới có mưa lớn nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Hiện Công ty đã có kế hoạch di dời hơn 50 hộ dân sống ở vùng hạ lưu hồ Đá Bàn.
   
   
  Tại Bình Định, Ban chỉ huy phòng chống và cứu nạn bão lụt tỉnh liên tục theo dõi, cập nhật thông tin về hướng đi của bão, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; đã huy động đươc 3.742 tàu thuyền vào bờ, hiện đang tiếp tục huy động trên 100 tàu với gần 800 người trong vùng nguy hiểm của bão vào nơi tránh, trú an toàn. Tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền,  giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện tàu thuyền để thông tin kịp thời diễn biến của bão và trong quá trình di chuyển, giữ liên lạc thường xuyên với trạm bờ để được hướng dẫn. Các cấp chính quyền địa phương cũng hướng dẫn nhân dân phòng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, hoàn thành trước 16 giờ chiều nay (9/11). 
   
  Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Huyện đã kêu gọi tất cả 1.133 tàu cá, trong đó có 604 tàu hoạt động ở các ngư trường xa tìm nơi tránh trú bão an toàn. UBND huyện cũng đã xây dựng phương án di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân ở vùng ven biển, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, hội-đoàn thể hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và thu hoạch 1.226 ha lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
   
  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết thêm: “Bình Định đã liên hệ và hướng dẫn 194 tàu/1.357 ngư dân tìm nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo các địa phương đều phải có phương án, phương tiện di dời dân trước 18 giờ ngày 9.11, khi có lệnh là thực hiện ngay. Khuyến cáo người dân không đi lại trong mưa bão, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn và tuyệt đối không được để ngư dân ở lại trên tàu thuyền khi xảy ra bão. Tại các hồ chứa nước xung yếu, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cử người túc trực 24/24 giờ. Sở GD-ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học khi có gió lớn. Các sở, ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ thuốc, lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nhân dân”.
   
  Tại Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các huyện, thành phố, sở, ngành triển khai ngay công tác phòng, chống bão lụt, sẵn sàng ứng phó với siêu bão. Tính đến chiều ngày 08/11/2013, tỉnh Quảng Bình còn 116 tàu/968 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông tin về cơn bão và đang trên đường vào bờ neo đậu. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền đến 16 giờ ngày 09/11/2013 toàn bộ tàu thuyền phải được neo đậu và trú ẩn an toàn. Đối với công tác chuẩn bị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Phòng, chống bão lụt Trung ương; sơ tán dân cư sinh sống ven sông, suối, biển, vùng bị xói, lở khi có bão, lụt xảy ra. Ngoài ra, các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với bão Haiyan…
   
  Tại Quảng Trị, ngày 8/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND. Theo đó, tiếp tục kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền của tỉnh đang còn hoạt động trên biển để thông tin kịp thời và kiên quyết kêu gọi về các nơi trú tránh an toàn; kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện, tàu thuyền để xử lý các tình huống xảy ra. Thực hiện nghiêm cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10/11/2013; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc sắp xếp, di chuyển, neo đậu tàu thuyền; có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Khẩn trương chỉ đạo triển khai rà soát phương án bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc đối với vùng hạ du để chủ động việc sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn khi xả lũ. Triển khai công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống bão, mưa, lũ lớn có khả năng xảy ra, chú trọng việc kiểm tra, rà soát và thông báo, cảnh báo đến các khu vực dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu để chủ động tránh qua lại hạ lưu tràn, sông suối. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cùng các địa phương rà soát, bổ sung điều chỉnh các kế hoạch sơ tán nhân dân vùng san bão, vùng lũ ống, lũ quét, vùng sạt lở đất, vùng ngập sâu…và chuẩn bị các phương án di dân theo kế hoạch của tỉnh (thời gian, địa điểm…).
   
  Tại Thừa Thiên - Huế: hiện đã có 1.819 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 9 phương tiện ngoại tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn. Hiện không có phương tiện đánh bắt trên khu vực biển Thừa Thiên - Huế. Trước tình hình bão có khả năng vào tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh này đã triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó chỉ đạo tập trung hạn chế thiệt hại về người và tài sản tại các vùng bị sạt lở ở ven biển, ven sông suối.
   
  Tỉnh cũng đã lên phương án di dời 29.507 hộ dân với hơn 113.000 nhân khẩu, trong đó theo kế hoạch phải sơ tán khẩn cấp 11.274 hộ dân với hơn 50.000 nhân khẩu ở ven biển trước 13 giờ ngày 10.11, các hộ dân này tập trung ở các huyện Phú Vang (25.463 nhân khẩu), huyện Phú Lộc (10.699 nhân khẩu)… Sở Công thương tỉnh cho biết đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 230.000 lít xăng dầu các loại để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông cũng dự trữ hàng chục tấn gạo, muối và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để phục vụ người dân khi có lụt bão xảy ra.
   
  Hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện như Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đến thời điểm này đều ở mức an toàn, riêng mức nước hồ thủy điện Hương Điền ở mức +58,16 m, cao hơn mức dâng bình thường 0,16 m. Trước tình hình này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo nhà máy thủy điện Hương Điền điều tiết nước về hạ du và để đảm bảo mức an toàn đón lũ.
   
  Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão HaiYan, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB & GNTT) các huyện, thị xã đã họp khẩn cấp nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống bão. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB & GNTT các địa phương đã chỉ đạo về các phường, xã triển khai nhanh công tác phòng chống bão, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến tận người dân qua hệ thống phát thanh và xe thông tin lưu động. Trong sáng ngày 9/11, trên các phương tiện thông tin, loa đài ở các thôn, khu dân cư đều phát thông tin tình hình bão và tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng chống bão số 14 bằng tất cả các giải pháp, phương tiện, các lực lượng để hạn chế thiệt hại. Với phương châm phòng là chính, tính mạng của người dân là trên hết,  Ban chỉ huy PCLB & GNTT các huyện, thị xã yêu cầu lãnh đạo các phường, xã, thành viên Ban chỉ huy của cấp huyện ngay trong ngày 9/11 về tận thôn, tổ, khu dân cư và tận hộ dân để chỉ đạo việc giằng chống nhà cửa, di dời dân đến nơi an toàn. Thực hiện công tác di dời các hộ dân trong diện ngập lụt, sạt lở, nhà tạm bợ trước 19h00 tối ngày 9/11, đồng thời cho tất cả học sinh trên địa bàn nghỉ học. Lực lượng Công an, Quân đội chuẩn bị nhân lực, phương tiện để phân luồng giao thông, chặt tỉa cây cối bị đổ ngã.
   
   
  Tuy cơn bão số 14 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng trong 2 ngày qua, do lượng mưa ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đạt hơn 400 mm, mức nước ở các hồ thủy điện cũng dâng cao, nên để chủ động đón bão Haiyan sắp đổ bộ, các hồ thủy điện đã tiến hành xả lũ. Do đó, trong những ngày qua, mực nước ở các sông như sông Hương, sông Bồ…dâng cao, gây ngập úng nhiều vùng ở khu vực hạ du thuộc các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang… Tại huyện Quảng Điền, nhất là ở một số xã như: Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, thị trấn Sịa… nhiều tuyến đường bị ngập sâu từ 1m đến 1,5m, cản trở lưu thông đi lại của người dân. Toàn huyện có 459 nhà bị nhấn chìm trong biển nước với độ sâu từ 20cm đến 1m, 305 ha rau màu bị ngập nước thiệt hại gần như hoàn toàn. Ngoài ra, nước lũ cũng khiến đoạn đê Gio Lâm (xã Quảng Phú) bị nứt gần 3m. Nước sông dâng lên bất ngờ cũng đã làm 3 người thiệt mạng, trong đó có 1 học sinh PTTH huyện Quảng Điền bị thiệt mạng và 2 người ở thị xã Hương Trà. Hiện chính quyền xã Hương Toàn và thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) vẫn đang tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích Trần Thị Diễm (35 tuổi, thôn Vân Cù, xã Hương Toàn) bị chìm ghe giữa dòng nước lũ. Trước đó, chiều 8/11, chị Diễm cùng chồng là anh Nguyễn Cường chèo ghe chở theo một đứa con gái 11 tuổi (lớp 6 Trường THCS Hương Toàn) và một người cháu vượt cánh đồng thôn Giáp Đông đang bị lũ nhấn chìm để đi bán bún. Tại khu vực cánh đồng Giáp Đông, nước ngập rất sâu do thủy điện Hương Điền liên tục xả lũ với lưu lượng lớn về hạ du trong những ngày qua. Khi ra giữa cánh đồng, chiếc ghe của họ không may bị lật. Mặc dù nỗ lực cứu vợ con nhưng do nước sâu nên anh Cường không thể cứu được. Anh Cường và người cháu mình bơi được vào bờ, còn chị Diễm và đứa con gái bị lũ cuốn mất tích. Chính quyền và người dân địa phương đã tìm thấy thi thể của con gái anh Cường.
   
   
        
Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, sáng sớm nay (9/11), sau khi đi vào vùng biển phía Đông Đông Bắc quần đảo Trường Sa, bão số 14 đã suy yếu đi một chút. Đến 10 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.
        
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
        
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 10 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
        
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
        
    
   
Bài & ảnh: Xuân Lam - Thanh Hải – Xuân Giang – Thanh Thảo
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão Haiyan đổ bộ tối nay, miền Trung căng mình chạy bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO