Báo động tình trạng tái ô nhiễm kênh, rạch tại TPHCM

15/06/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian TP HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước. Vì thế, một số dòng kênh của thành phố bị ô nhiễm nặng trước đây đã dần...

 

(TN&MT) - Thời gian TP HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước. Vì thế, một số dòng kênh của thành phố bị ô nhiễm nặng trước đây đã dần hồi sinh. Tuy nhiên, do việc thiếu ý thức của một số người dân và sự yếu kém trong công tác quản lý, hàng loạt kênh, rạch, trong đó có cả những con kênh được xem là biểu tượng của thành phố đang đứng trước nguy cơ tái ô nhiễm.

Đến phường 8, quận 6 (TP HCM) những ngày này, hình ảnh những đống rác ngổn ngang ở dọc bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm khiến nhiều người ngán ngẩm. Suốt hơn 3km dọc đường Lò Gốm, không hề có một thùng rác công cộng nào. Còn nước ở dưới dòng kênh này đen ngòm, rác và lục bình nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua các địa bàn có mật độ dân cư đông đúc là quận 6, quận 11, Tân Bình và Tân Phú. Mặc dù thành phố đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để cải tạo và mới được khánh thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây không lâu nhưng đang có nguy cơ bị "bức tử" trở lại. Ông Nguyễn Văn Mào, người dân ở tổ 111, phường 8, quận 6 bức xúc: “Công trình cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm tạo cảnh quan đẹp, nhưng nhìn xuống dưới kênh thì nó mất đẹp rồi. Tôi đề nghị các ngành chức năng vớt rác dưới kênh cho sạch sẽ. Tôi nghe nói sẽ lọc nước ở dười kênh cho nó trong mà chưa thấy gì hết. Anh chị thấy đó, những bao rác còn đó kìa, đó là do những người buôn bán vứt ra mỗi ngày”.

Tình trạng ô nhiễm nặng nề tại hàng loạt kênh, rạch tại TP HCM đang là vấn đề đáng báo động. Theo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, các thành phần như: Nhu cầu oxy sinh học (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD), chỉ tiêu vi sinh (Coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng trên hệ thống kênh, rạch của địa phương này đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép. Tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn khi nước thủy triều xuống thấp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nước thải khu vực dân cư, cụ thể là nước thải sinh hoạt nhiễm phân và nước chảy tràn đô thị.

Các kênh, rạch ô nhiễm nặng tại TP HCM có thể kể đến như: Rạch Bàu Trâu giáp ranh giữa quận 6 với quận Tân Phú, Rạch Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh); kênh Nước Đen (quận Bình Tân), kênh 19/5 chảy qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 4; Hệ thống kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh nối từ chợ Bà Chiểu ra đường Trường Sa thuộc quận Bình Thạnh; kênh Ba Bò giáp ranh giữa quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngay cả kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hai con kênh mà thành phố đã tốn kém hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm.

Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 8 cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến người dân để mọi người chủ động bảo vệ các bờ kè, các miệng van ở các cửa xả và các miệng van ngăn triều. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, không xả rác xuống dòng kênh. Việc bảo vệ các dòng kênh không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo cho dòng chảy thông thoáng, không bị ngập lụt trong mùa mưa sắp tới”.

Mỗi năm, TP HCM đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác cải tạo kênh, rạch và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp. Bên cạnh đó, thành phố vẫn còn hàng ngàn cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc chỉ xử lý được một phần chất thải. Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương của TP HCM cần thực hiện những giải pháp hiệu quả hơn để “cứu” lấy những dòng kênh đang trong tình trạng hấp hối.

                                                                   Bài & ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng tái ô nhiễm kênh, rạch tại TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO