Báo động ô nhiễm môi trường ở làng mộc Thái Yên

10/11/2014 00:00

(TN&MT) - Vì chưa được quy hoạch nên bài toán về môi trường ở làng nghề Thái Yên lâu nay vẫn chưa có lời giải.

   
(TN&MT) - Nghề mộc ở xã Thái Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã có từ bao đời, những năm gần đây đang tạo động lực mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo làng quê. Nhưng do phát triển mang tính tự phát, thiết bị sản xuất thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp; ý thức bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe với người dân trong làng và chung quanh làng nghề.
   
Tiềm ẩn nhiều mối hại lớn đến môi trường từ hoạt động chế biến gỗ
   
  Tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ gây ô nhiễm môi trường tại làng mộc Thái Yên, dễ nhận thấy là hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nơi đây đều nằm ven đường, xen lẫn với khu dân cư đông đúc. Các gia đình thường tận dụng nhà ở làm nơi chế biến gỗ, kiêm luôn điểm kinh doanh giao dịch với khách hàng. Trong quy trình sản xuất, nhiều vật liệu hóa chất khi sử dụng đã đang trực tiếp thải ra khu vực dân sinh.
   
  Đến thăm cơ sở sản xuất gỗ của ông Nguyễn Viết Trung, ở xóm 3, xã Thái Yên khi ông đang miệt mài làm việc, kể về công việc của người thợ mộc. Ông cho biết : “Nhà ông hơn ba thế hệ sống bằng nghề mộc, hơn 20 năm ông liên tục sống trong khói bụi, tiếng ồn do đặc thù công việc. Mỗi ngày bắt đầu làm việc từ 7 giờ sang. Dù vậy, theo nghề lâu năm thì cũng phải quen dần, biết bụi bặm là ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải chấp nhận”.
   
  Dưới những làn khói bụi của mạt cưa, những người thợ mộc như anh Trung vẫn miệt mài làm việc với những trang thiết bị thông dụng là khẩu trang và kính. Chứng kiến họ phải ngồi liên tục hàng giờ, hàng ngày để cưa, cắt bằng tay trần, trong khói bụi mù mịt, mùi hóa chất nồng nặc, mới cảm nhận hết những nguy cơ mắc bệnh mà họ có thể gặp phải trong quá trình làm việc.
   
  Tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây số người mắc bệnh ung thư và các bệnh lạ tại Làng mộc xã Thái Yên tăng cao. Đặc biệt, tăng cao trong vòng 3 năm gần đây, người dân hết sức hoang mang và cho rằng do ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các loại sơn PU, sơn véc- ni...trong sản xuất đồ gỗ đang là một trong những nguyên nhân gây ra.
   
  Ông Trần Văn Hiền - Trạm trưởng Trạm y tế xã Thái Yên cho biết: “Năm nào ở địa phương cũng có ít nhất thì 10 người chết vì bệnh ung thư, nhiều nhất vẫn các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, rất khó chữa trị vì không khí ở đây đã bị ô nhiễm hóa chất, hàng ngày đều bị tra tấn mùi sơn, thậm chí cả buổi tối đi ngủ”.
   
  Con số thống kê của trạm y tế xã Thái Yên về số người tử vong gần đây đang cảnh báo về thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động này: Từ năm 2012 đến nay, tại làng mộc Thái Yên có 40 trường hợp chết do bệnh ung, số bệnh nhân tử vong nhiều nhất thường mắc các chứng bệnh ung thư gan, ung thư phổi.
   
Những hóa chất độc hại được sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ mộc
   
  Được biết, xã Thái Yên có 6.300 nhân khẩu, người dân làm nghề mộc chiếm hơn 80%. Từ những năm 1990 về trước người dân làm mộc và sơn thủ công bằng tay, nhưng từ  năm 1990 lại đây công nghệ phát triển việc sử dụng và phun sơn bằng bình máy. Theo phản ánh, nếu sử dụng sơn bằng bình máy có thể gây ảnh hưởng những hộ dân khác trong vòng bán kính 300m; loại  sơn được hầu hết các hộ gia đình sử dụng phổ biến là sơn PU, Véc- Ni có chứa chất gây độc hại rất cao, thường gây ra các bệnh như hen suyễn, viêm đường hô hấp, dị ứng da và về lâu dài có thể nguồn góc để phát triển căn bệnh ung thư.
   
  Để hạn chế ô nhiễm, các xưởng mộc, cá nhân các hộ gia đình đã có nhiều biện pháp xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi nhưng thực tế vẫn không ngăn chặn được bụi gỗ và mùi sơn. “Nếu ở gần xưởng mộc, người dân đều có cảm giác tức ngực, khó thở, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ nên nhiều lúc ở trong nhà cũng phải lấy tay che mũi, bịt miệng. Tiếng ồn từ máy cưa phát ra khiến bọn trẻ không thể tập trung học hành” - ông Phan Công Hương, chủ một cơ sở đồ mộc tại xóm 1, xã Thái Yên chia sẻ.
  Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Báu - Chủ tịch UBND xã Thái Yên cũng thừa nhận thực trạng ô nhiễm môi trường được phản ánh tại địa phương. Hiện, xã Thái Yên đã có 3 cơ sơ đảm bảo tiêu chuẩn quy hoạch về môi trường dành để phun sơn ở cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, do điểm tập trung này nằm xa cơ sở sản xuất nên hầu hết những hộ làm mộc tại nhà đã khước từ hoạt động an toàn này.
   
  “Quy hoạch địa điểm phun sơn thì đã có nhưng để người dân đưa sản phẩm ra khu vực tập trung là rất khó, do việc vận chuyển các sản phẩm khó khăn. Còn việc xây dựng các nhà xưởng đảm bảo người dân phải bỏ kính phí lớn nên rất khó để thực hiện”, ông Nguyễn Viết Báu cho biết thêm.
   
  Được biết, để xây dựng một cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn quy hoạch người dân phải bỏ ra số tiền trên 1 tỷ đồng. Do vậy, hiện nay người dân vẫn thực hiện phun sơn tại nhà, nhiều hộ không có không gian nên đã lấn chiếm lòng, lề đường để hoạt động gây ô nhiễm môi trường không chỉ dân làng nghề mà cả khu vực xung quanh vùng.
   
  Nghề mộc mang lại thu nhập cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, vì chưa được quy hoạch và định hướng phát triển cụ thể nên bài toán về môi trường ở làng nghề Thái Yên lâu nay vẫn chưa có lời giải và đang tạo ra mối hại lớn đến môi trường sống, sức khỏe của người dân.
   
                                       Bài và ảnh: Hồng Thiệu - Đức Cảnh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ô nhiễm môi trường ở làng mộc Thái Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO