Báo động môi trường vùng ĐBSCL

02/07/2015 00:00

(TN&MT) - Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội khiến môi trường của Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi lượng chất thải, nước thải chưa được xử lý ngày một tăng cao, đe dọa chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững của khu vực này.

“Nóng” việc xử lý chất thải rắn

Theo số liệu từ Chương trình quan trắc tổng thể môi trường tại vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2015 – 2019 được biết lượng chất thải rắn phát sinh bình quân khoảng từ 0,8 đến 1kg/người. Tại các đô thị lớn và một số đô thị nhỏ luôn dao động từ 0,5 đến 0,8 kg/người. Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các tỉnh trong vùng này khoảng 4.600 tấn/ngày, và con số này sẽ tăng lên 7.550 tấn/ngày vào năm 2020.Theo báo cáo về quản lý môi trường tại các tỉnh, thành ĐBSCL, mỗi năm các doanh nghiệp trong các KCN, cụm công nghiệp xả thẳng ra môi trường khoảng 220.000 tấn chất thải rắn…Lượng chất thải rắn do chăn nuôi đưa thẳng vào sông rạch khoảng 22.500 tấn/ngày đêm.

Riêng tại thành phố Cần Thơ, nơi được cho là trung tâm của vùng ĐBCL theo số liệu từ Sở Xây dựng TP Cần Thơ, mỗi ngày, toàn thành phố thải ra khoảng 650 tấn chất thải rắn sinh hoạt, nhưng tỷ lệ thu gom chưa tới 70%. Lượng rác còn lại không được thu gom (chủ yếu ở các quận, huyện ngoại thành) người dân thải vào các ao, sông, rạch... Riêng 4 quận trung tâm của thành phố là: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng, mỗi ngày có đến 400 tấn rác thải. Điều đáng nói là việc hiện tất cả các khu, cụm công nghiệp nói riêng và trên địa bàn trong vùng nói chung đều chưa bố trí được quỹ đất cũng như đầu tư công nghệ tiêu hủy, xử lý chất thải rắn công nghiệp. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng gây suy thoái môi trường trong vùng.

Một bãi rác lộ thiên ở ĐBSCL
Một bãi rác lộ thiên ở ĐBSCL

Hiện hầu hết chất thải rắn trong vùng đều không dược phân loại tại nguồn mà được thu lẫn lộn sau đó được vận chuyển tới bãi chôn lấp lộ thiên chưa hề được xử lý khiến ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe của người dân. Tỉ lệ thu gom xử lý chất thải rắn trong vùng chỉ đạt 50 – 60% còn lại lượng rác thải chưa thu gom đều được vứt thải tùy tiện trên sông, kênh rạch. Trong khi đó cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động thu gom rác thải chủ yếu dựa vào kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia.

Thiếu trầm trọng trạm xử lý nước thải tập trung

Việc xử lý nước thải cũng đang là một trong những thách thức khiến môi trường ĐBSCL bị suy thoái. Theo báo cáo của Chi cục Môi trường khu vực Tây Nam Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có 120 khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích hơn 26.500ha. Định hướng đến năm 2020, toàn vùng sẽ có khoảng 240 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tương đương với diện tích 50.000ha…Tuy nhiên hiện tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%. Nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp…Hiện, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại vùng BSCL vẫn còn khoảng 75% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, tại các đô thị trong vùng hiện vẫn chưa có trạm xử lý nước thải tập trung (ngoại trừ thành phố Châu Đốc – An Giang). Nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải thương mại, dịch vụ không được xử lý mà thải trực tiếp vào nguồn nước mặt, đặc biệt là sông Hậu khiến môi trường bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nguồn lợi thủy sản. Kết quả quan trắc cho thấy nồng độ vi khuẩn E.coli tại các sông ngòi, kênh rạch ở ĐBSCL đã vượt quá mức cho phép 2-5 lần; nồng độ BOD và COD3 vượt giới hạn cho phép 1-3 lần; nồng độ ammoniac và một số độc chất phát sinh từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp vượt 5-10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Để giải quyết tình trạng này theo ông Phạm Đình Đôn Phó Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam cho rằng phải xây dựng hoàn thiện các tiêu chí về các phân khu chức năng của sản xuất, kết cấu hạ tầng đầu tư cho bảo vệ môi trường các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch một cách chặt chẽ. Bảo đảm ngay từ đầu phải có nguồn vốn, nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa các KCN, cụm công nghiệp vào hoạt động. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, ưu tiên công nghệ mới, công nghệ sạch cũng như quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường

Đối với nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cũng như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao của ĐBSCL cần phải quy hoạch các KCN, CCN tập trung chế biến thủy sản, để có chính sách ưu tiên xử lý môi trường và có chính sách thu hút các cơ sở chế biến thủy sản khác vào các KCN,CCN tập trung… nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường đối với ngành chế biến thủy sản trong việc xử lý chất thải trong sản xuất chế biến đáp ứng các quy chuẩn môi trường quy định.

Thụy Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động môi trường vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO