Bão đi qua... nghĩ về cây xanh Hà Nội

04/08/2016 00:00

(TN&MT) - Bão số 1 có tên Marine, “lệch tâm, lệch trục” phá phách tàn tệ các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định; Thủ đô Hà Nội, cây cối bật gốc, ngã đổ la liệt suốt nội thành tới ngoại đô, mà trước đó, chẳng mấy ai lường tới...

Ngồi dưới mái hiên tầng trệt khu tập thể Kim Ngưu, ngước nhìn những hàng cây phía trái, phía phải bật gốc, đổ rạp suốt đôi bờ sông, cụ Nguyễn Thanh Ngân giọng nặng như chì:

- Bao công của, lại theo mây theo gió cả rồi. Trồng như thế, cây nào trụ nổi? Trận mới rồi chỉ là giông tố kèm mưa lác đác ở Hà Nội, đâu đã là bão, là lốc, là cuồng phong như độ này năm ngoái, vậy mà nghe tin cả Thủ đô có tới 5.500 cây mới trồng bật gốc, hơn 500 cây cổ thụ ngã đổ. Xót lắm. Tiền thuế của dân cả đấy! Khựng lời. Đôi tròng mắt dúm dụm chân chim rớm lệ. Hỏi chuyện mới hay, cụ ngụ cư ở tập thể Bệnh viện 108, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Chiều chiều, cụ thường cùng các bạn già thả bộ dưới đường cây tỏa tán đôi bờ sông nhỏ nhắn này để ngắm mây trôi, nước chảy, phố phường đổi thay. Giờ, cây ngả như rạ. Người ta cắt, chặt, đắp đống, lấp kín... suốt dọc bờ sông; không còn lối len chân, không còn bóng mát cho lòng thanh thản... Thấy tôi để tâm đến chuyện, cụ mềm giọng: Nhớ cây, tiếc cảnh, xót của tôi lại ra đây... lòng ứ đầy ngẫm ngợi. Mà, anh tính tuổi gần đất xa trời rồi sao không bận lòng. Mình đã từng xông pha trận mạc suốt dọc dài đất nước để non sông thu về một mối, để cõi bờ phía Nam phía Bắc yên ổn... cho nên, tôi yêu quý lắm những gì Thủ đô ta làm nên, có được. Đắng lòng với tệ nạn vô tâm, vô cảm, lãng phí này lắm!...

Cây ngã, đổ dọc bờ sông Kim Ngưu
Cây ngã, đổ dọc bờ sông Kim Ngưu

Bắt chuyện với cụ Phạm Tuyển và cụ Trần Văn Sáu ở cụm 10, phường Minh Khai, sau trận giông tố qua đi. Giọng da diết, cụ Sáu dồn dập nói:

- Cây xanh rất thiết thân với đời sống người Hà Nội của chúng ta. Nó đích thực là “lá phổi xanh” như người đời vẫn nói. Nhờ có nó, nên khung trời Hà Nội trong lành hơn, độ ẩm không khí tốt hơn, môi trường đất được cải thiện, nắng nóng bớt chói chang, tiếng ồn giảm thiểu, cảnh quan thành phố đẹp đẽ hẳn lên!... Lời như nhát cắt của cụ Phạm Tuyển bật lên, tay lia lia về phía vườn cảnh trong khuôn viên khu tập thể cao ""tầng Skylight: - Đấy đấy. Nó đích thực là “Chiếc máy điều hòa khí hậu” không hơn không kém. Nhờ nó, mà thu hẹp mặt trái của quá trình đô thị. Nhờ nó, mà chúng ta thanh thản giữa chốn người đông, phố chật... Có điều trồng ra sao, trồng cây gì, quy hoạch thế nào, quản lý ra sao, chăm giữ thế nào cho thiết thực, hiệu quả... chứ cứ động mưa, giông tố cây cối lại ngã đổ thế này, tốn kém lắm!

Cây xanh ở TP. Derendes (Cộng hòa Liên bang Đức)
Cây xanh ở TP. Derendes (Cộng hòa Liên bang Đức)

Nói rồi, cả 2 cụ níu vai tôi dạo quanh khu vườn: - Đấy anh thấy không. Những cây xà cừ “cốc đế đại vương” này có lẽ trồng từ thời Cụ Hồ phát động Tết trồng cây (1961) ấy chứ. Trong khuôn viên, người ta vẫn giữ làm cảnh, nhưng đốn hết cành, tạo dáng, tạo tán cho bớt nặng bồng. Không thế, sớm muộn cũng đổ. Loại xà cừ này rễ chùm, cao, nặng tán, không nên trồng bên lề phố dễ gây tai họa!... Cụ Trần Văn Sáu chia sẻ: Đời người phải gắn với cây xanh. Nó chính là bình dưỡng khí, là thần lực cho ta sinh khí để mà sống. Tôi ít được đi Tây đi Tàu, nhưng vẫn biết xứ nào người ta cũng chú trọng trồng cây ở thành phố. Không có cây xanh, chắc gì tôi được như hôm nay.

Thế nhưng... có lẽ, chẳng đâu lại tốn kém về cái sự trồng cây như Hà Nội của chúng ta. Tại cây, tại người trồng hay tại trời đất?... Xen ngang câu chuyện, tôi mở máy “nhờ Google” cho các cụ xem bức ảnh cây Angsana kết thành vòm trên đường phố giữa lòng thủ đô quốc đảo Singapore. Tiện đà, tôi mở máy ảnh để các cụ chiêm ngưỡng mấy bức hình tôi chụp cây xanh ở thành phố Dresden (Cộng hòa Liên bang Đức) mới rồi, và nói thêm: - 63% diện tích thành phố này được phủ xanh và là một trong những thành phố xanh nhất châu Âu. Thành phố có rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt, Thung lũng Dresden với chiều dài 20km được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới với mục đích gìn giữ giá trị văn hóa và thiên nhiên của khu vực. Bởi thế, người ta mới gọi thành phố này với biệt danh “Thủ phủ xanh của châu Âu”!...

Thực tế cho hay, không mấy đâu trồng cây khủng (to, cao, rễ chùm, tán nặng) bên lề đường thành phố vì dễ gây tai vạ khi bão lốc. Cũng không mấy đâu lại trồng các loại cây hay sâu bệnh, hoa lá độc hại trong phố phường. Cho nên, chọn cây để trồng là cả một công trình khoa học, dày công nghiên cứu, thể nghiệm với sự tham gia nhiệt tâm, trách nhiệm  của các nhà khoa học chuyên ngành, các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Chọn cây để trồng, các giáo sư, phó giáo sư uyên thâm chuyên ngành đã công bố rồi. Tiếc nỗi, chỉ tiêu cây xanh đô thị Thủ đô của ta quá nhỏ bé so với thế giới do đồ án xây dựng xưa xa không tính tới.

Ngày nay, Hà Nội nên trồng các loại cây nào, các giáo sư chuyên ngành đã mách bảo, đại loại như: Trắc bá diệp, sồi đen, sồi đỏ, linh sam, dâu da, sấu, sở (hoa nở trắng về mùa đông), phượng vĩ, ban, muồng, lộc vừng... Có ý kiến cho rằng, nên chọn cây thân nhẵn, sống lâu năm, lá xanh tứ thì, hoa thơm, tán đẹp, rễ cọc, thân cành dẻo dai để chống chọi với bão giông!...

Cây trên đường phố thủ đô Singapore
Cây trên đường phố thủ đô Singapore

Cụ Phạm Tuyển - lời như đinh đóng cột: Thủ đô mình đã có một số đường phượng vĩ hình mẫu đó thôi. Cái quan trọng là phải có quy hoạch nơi trồng cây xanh công cộng, nơi trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng. Có quy hoạch rồi,  phải thực hiện đúng, phải quản lý, giám sát. Đặt cây trồng phải chọn mùa, phải chú ý đặt gốc nông hay sâu, rộng hay hẹp theo đúng đặc tính của từng loại cây, không xây lát bịt kín gốc. Cây rễ cọc, kể cả rễ chùm mà gọt gốc tròn, khi trồng lại không chằng không chống, trời “chưa ho, chưa hen” nó đã lăn đùng, ngã ngửa ra rồi, còn gì để mà nói nữa. Lỗi chính là tại con người. Nói hay nhưng làm ẩu. Khoán trồng nhưng không quản, không theo dõi, không giám sát. Không quy lỗi, quy tội, không xử, không phạt nặng khi sai phạm, mãi mãi vẫn là quan liêu, lãng phí!...

Cụ Trần Văn Sáu thủng thẳng xen lời: - Cầu trời Hà Nội đổi thay về cách trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý chặt chẽ, sát thực ... để cây xanh đường phố trồng cây nào vững cây ấy, để Thủ đô văn minh, thanh lịch xanh hơn, đẹp hơn và là nguồn dưỡng khí đắc dụng cho chúng ta sống vui, sống khỏe!

 Bài và ảnh: Nguyễn Uyển

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão đi qua... nghĩ về cây xanh Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO