Bảo đảm bố trí vốn cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Tuyết Chinh| 24/11/2020 12:00

(TN&MT) - Để giảm thiểu những tác hại do thiên tai, cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn; nghiên cứu các địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ thiên tai. Trên cơ sở đó, dự báo trước nguy cơ để di dời dân, tái định cư kịp thời.

Trong tháng 10, đầu tháng 11/2020, bão lũ liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở miền Trung. Hậu quả do thiên tai gây ra sẽ còn nhiều tổn thất, ảnh hưởng rất lớn và rất lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, bên cạnh tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc phải giảm thiểu những tác hại do thiên tai và bảo đảm an toàn sinh mạng của người dân là một yêu cầu cấp thiết và lâu dài.

Nhu cầu bố trí dân cư, phòng tránh thiên tai còn nhiều

Thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV mới đây, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, trước diễn biến bất thường của thiên tai, nhu cầu bố trí dân cư, phòng tránh thiên tai, đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt, vùng sạt lở đất còn rất nhiều, trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hằng năm quá thấp. Vốn sự nghiệp 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020 chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/1 năm, chỉ đáp ứng được khoảng 15% đến 20%, cho nên các nguồn lực khác tham gia vào một số nơi đã làm xong hầu hết các khu vực miền núi là các huyện nghèo, chủ yếu trông chờ vào ngân sách của Trung ương.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh, hỗ trợ cao hơn đối với vùng đồng bằng, từ 20 triệu đồng/1 hộ và vùng miền núi từ 30 đến 35 triệu/1 hộ, song vẫn còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của nhân dân đến định cư.

Bão lũ gây ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung. Ảnh minh họa

Trong khi cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, người dân miền Trung lại gặp khó khăn gấp bội, đại dịch chưa qua bão lũ đã hoành hành. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 cần bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người bị ảnh hưởng bởi bão lũ lịch sử vừa qua.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét dự toán năm 2021, cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu các địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư. Dự báo trước nguy cơ để di dời dân, tái định cư kịp thời.

Cần chiến lược trong giai đoạn mới

Lưu ý diễn biến thiên tai thời gian qua diễn ra khó lường, tác động sâu rộng và để lại hậu quả nghiêm trọng cho miền Trung, ĐBQH Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo là yêu cầu cấp bách nhằm chủ động phòng, tránh ảnh hưởng của thiên tai. Chính phủ cần đánh giá để có chiến lược phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới; tiếp tục điều tra, đánh giá, nghiên cứu để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và các giải pháp lâu dài cho việc phòng tránh tác động những hình thái thiên tai mới nhưng có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều với tần suất càng cao như lở núi, lũ ống, lũ quét tại miền Trung vừa qua.

Nhấn mạnh việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong dự kiến phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo một số giải pháp. Trong đó, giải pháp trước mắt, tiếp tục chỉ đạo việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ, phân bổ kịp thời ngân sách năm 2020 - 2021, nhu yếu phẩm, thuốc phòng dịch bệnh, vật tư cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do ngập úng, bão lũ. Tăng cường chỉ đạo quyết liệt nhằm ứng phó với các cơn bão, thiên tai trong những tháng mùa mưa cuối năm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Đồng thời, chỉ đạo phân tích, đánh giá và công bố thông tin chính thống về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu, thời tiết rất phức tạp và khắc nghiệt như hiện nay. Sử dụng kết quả phân tích nguyên nhân như kim chỉ nam trong hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến môi trường và đánh giá tác động môi trường.

Về lâu dài, cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai như quy định về điều tra cơ bản, phòng, chống thiên tai đối với các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai. Bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai, trong việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020.

Trên cơ sở điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai, cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, thực hiện việc quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với quy hoạch vùng sản xuất đối với các hộ dân vùng có nguy cơ ngập lũ, sạt lở núi và bờ biển, chịu tác hại do nước biển dâng và gắn với chính sách hỗ trợ về nhà ở, việc làm, đất sản xuất để bảo đảm ổn định lâu dài về an toàn tính mạng và sản xuất, hạn chế thiệt hại hằng năm.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí cho các tỉnh để xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, lũ ống, lũ quét… Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án liên quan đến việc thu hẹp, chuyển đổi đất rừng tự nhiên, đồng thời có giải pháp phù hợp, phải tính đến 30 năm, 50 năm để phục hồi và phát triển rừng tự nhiên.

Ngoài ra, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo Quyết định 2441 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23/9/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm bố trí vốn cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO