Bão cấp 13 hướng vào khu vực từ Nam Định - Quảng Bình

13/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 13/9, tại Hà Nội, ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn về công tác ứng phó bão số 10 (tên quốc tế Doksuri). Dự báo đến chiều tối và đêm 15/9, bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Nam Định đến Quảng Bình, tâm bão đi qua Nghệ An – Hà Tĩnh với sức gió khoảng cấp 12 - 13. Rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp
Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, đến 10 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh lên. Đến 10 giờ ngày 14/09, vị trí tâm bão trên khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Đến 10 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, dự kiến từ chiều tối và đêm 15/9, bão đổ bộ vào Nam Định – Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An – Hà Tĩnh. Rủi ro thiên tai cấp độ 4, cấp rất lớn (cấp 5 là thảm họa). “Đây là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây khi vào bờ”, ông Hoàng Đức Cường nhận định.

Mưa lớn xảy ra từ ngày 15 đến hết ngày 16/9, trọng tâm ở Thanh Hóa – Quảng Trị với lượng mưa từ 100 – 300mm, riêng Nghệ An – Quảng Bình từ 300 – 400 mm.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cơn bão này diễn ra mạnh, phạm vi lớn kèm theo mưa lớn. Khu vực đổ bộ các địa phương từ Huế trở ra đang trong thời kì thu hoạch lúa mùa. 1 triệu 200 ha lúa mùa đến giờ mới gặt được 25%. Bởi vậy, các địa phương cần khẩn trương thu hoạch, tiêu nước cho khu vực úng trũng và tạm dừng gieo trồng vụ đông đến sau bão.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Kiểm ngư thông tin, tính đến sáng 13/9, vẫn còn nhiều tàu, thuyền hoạt động xa bờ (Thanh Hóa: 1.718 phương tiện; Nghệ An: 1.556 phương tiện; Hà Tĩnh: 346 phương tiện). Các địa phương cần bằng mọi cách thông báo cho các tàu thuyền này biết vị trí, hướng đi, vùng nguy hiểm của bão số 10 để khẩn trương vào nơi tránh, trú an toàn.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cơn bão này diễn ra mạnh, phạm vi lớn kèm theo mưa lớn. Khu vực đổ bộ các địa phương từ Huế trở ra đang trong thời kì thu hoạch lúa mùa. 1 triệu 200 ha lúa mùa đến giờ mới gặt được 25%. Bởi vậy, các địa phương cần khẩn trương thu hoạch, tiêu nước cho khu vực úng trũng và tạm dừng gieo trồng vụ đông đến sau bão.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Kiểm ngư thông tin, tính đến sáng 13/9, vẫn còn nhiều tàu, thuyền hoạt động xa bờ (Thanh Hóa: 1.718 phương tiện; Nghệ An: 1.556 phương tiện; Hà Tĩnh: 346 phương tiện). Các địa phương cần bằng mọi cách thông báo cho các tàu thuyền này biết vị trí, hướng đi, vùng nguy hiểm của bão số 10 để khẩn trương vào nơi tránh, trú an toàn.

Còn nhiều phương tiện tàu thuyền hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão
Còn nhiều phương tiện tàu thuyền hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão

Theo Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ đầu năm đến giờ mới có 2/9 cơn bão đổ bộ vào nước ta, chủ yếu là ảnh hưởng từ hoàn lưu bão gây mưa nên chính quyền địa phương và người dân dễ sinh tâm lý chủ quan.  Nếu bão tiến triển đúng như dự báo, hồ Hoà Bình có thể phải mở thêm 2 cửa xả, cộng thêm mưa tại chỗ có thể gây lũ lớn ở hạ du. Hệ thống đê sông lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình đã nhiều năm chưa gặp thử thách lớn như vậy, nên các địa phương phải hết sức đề phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT thường xuyên theo dõi diễn biến bão, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các biện pháp ứng phó khi bão đổ bộ. Công tác chỉ đạo ứng phó phải khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ từ Ban chỉ đạo Trung ương đến Ban chỉ huy các địa phương, tổng rà soát các giải pháp theo phương châm 4 tại chỗ. Trung tâm dự báo KTTV bám sát diễn biến bão, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông liên tục phát đi các bản tin cảnh báo.

Tại các địa phương có tàu thuyền còn hoạt động ở ngoài khơi cần được thông tin ngay để tìm nơi tránh trú an toàn. Từ ngày 14/, khu vực gần bờ  các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần cấm biển để đảm bảo an toàn. Đặc biệt chú ý sắp xếp phương tiên khi neo đậu, không để người dan còn ở lại trên tàu thuyền, chú ý thông báo tới các tàu vãng lai, tàu du lịch.

Ngoài ra, tại các địa phương ven biển, hạ du thủy điện cần có phương án chủ động giảm thiểu thiệt hại khi bão vào bờ đối với các hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản như lồng, bè nuôi.

Đối với các hồ thủy điện, đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, thực hiện xả lũ khi có yêu cầu. Cơ quan thông tấn báo chí cần thông tin liên tục về diễn biến bão số 10, công tác ứng phó của các địa phương để nhân dân nắm được...

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão cấp 13 hướng vào khu vực từ Nam Định - Quảng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO