Báo cáo việc tịch thu xe do người say rượu điều khiển trước 31/3

07/03/2015 00:00

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3 tới

Trước đó, ngày 27/2/2015, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản số 58/CV-UBATGTQG kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức xử phạt một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; trong đó mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô.

CSGT Hà Nội tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm Luật giao thông

Lý do Ủy ban ATGT đưa ra kiến nghị trên là do tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người tử vong do tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tăng so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xảy ra hiện tượng chống đối lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn; xuất hiện tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông.

Trước đó, trả lời báo chí ngày 05/3 về lý do đề xuất phương án tịch thu phương tiện, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, ông Khuất Việt Hùng nói: “Bạn có thể hình dung, lái xe say rượu như kẻ cầm dao chém loạn xạ trên phố. Có nguy hiểm không? Theo tôi, là quá nguy hiểm, hành vi ấy có thể gây tai nạn không chỉ chết một vài mạng người”.

Ở nhiều nước, lái xe khi say rượu sẽ bị phạt tù

Ở Mỹ, nếu bị phát hiện lái xe trong tình trạng say rượu sẽ bị cảnh sát bắt về đồn ngay lập tức, cho đến khi tan hơi men. Sau đó, lái xe vi phạm sẽ phải ra tòa, tùy theo tình trạng (lượng nồng độ cồn cao hay thấp) khi đó có thể bị phạt tù từ vài ngày cho đến vài tháng. Người vi phạm phải đi học các lớp về luật giao thông, quy định lái xe không uống rượu, lao động công ích… rồi mới được phép cầm lái trở lại.

Tại Singapore,  vi phạm lần đầu sẽ bị phát từ 1 – 5.000 USD; hoặc ngồi tù 6 tháng; Lần 2 phải nộp phạt từ 3-10.000 USD và bị phạt tù một năm; Lần 3 tăng gấp ba các hình phạt của lần 2, cụ thể: Nộp phạt lên đến 30.000 USD, phạt tù 3 năm. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị cấm lái xe ít nhất một năm, kể cả không xảy ra tai nạn.

Nhật Bản cũng cấm hoàn toàn việc uống rượu lái xe. Nếu vi phạm sẽ bị thu bằng lái, phạt tù từ 3 - 5 năm. Khi cảnh sát gửi thông báo về công ty thì người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc.

Ở Anh, say rượu lái xe được coi nguy hiểm ngang với tội giết người.


Bài & ảnh: Hải Ngọc

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo việc tịch thu xe do người say rượu điều khiển trước 31/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO