Bản lĩnh – Trí tuệ – văn hóa Petrovietnam
Lịch sử 43 năm (thành lập Tổng cục) và truyền thống 57 năm (bắt đầu đi tìm dầu) của ngành Dầu khí Việt Nam là một chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Các thế hệ dầu khí có thể tự hào với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước.
Quá khứ - hiện tại đã và đang chứng minh bản lĩnh và trí tuệ của người lao động Dầu khí chưa bao giờ lung lay trong bất cứ hoàn cảnh nào. Giai đoạn đầy thử thách cam go này toàn Tập đoàn Dầu khí Việt nam vẫn chung sức, đồng lòng hiệp lực giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khẳng định rằng, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam từng vượt qua muôn vàn gian khổ, từng hy sinh xương máu để có được dòng dầu cho đất nước, không thể có khó khăn nào có thể tác động hay làm lung lay ý chí của người lao động Dầu khí. Đây là minh chứng cho bản lĩnh – trí tuệ của người lao động Dầu khí Việt nam. Điều này trở thành truyền thống, thành giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí mà các thế hệ dày công vun đắp. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay nhưng các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của mình. Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 8 công trình dầu khí năm 2017; Các đơn vị của Tập đoàn luôn có mặt ở TOP 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất, TOP doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất; TOP 300 doanh nghiệp năng động nhất châu Á trong năm tài chính 2017 do Nikkei Asian Review bình chọn công bố Asia300… PVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác cổ phần hóa ba đơn vị thành viên là PV Power, PV Oil và BSR. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này nhanh chóng trở thành những mã cổ phiếu hấp dẫn, giàu tiềm năng, là tâm điểm của các nhà đầu tư quan tâm trong và ngoài nước… Đến việc vận hành lại Nhà máy Sơ Xợi Đình Vũ tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống văn hóa người lao động Dầu khí.
Chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển của Petrovietnam là chặng đường đầy thách thức, khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất vinh quang và tự hào. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công nhân lao động Dầu khí qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ và phát triển không ngừng. Petrovietnam đã khẳng định được vị thế của Tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển…
Còn mãi câu chuyện tìm dầu trong tầng đá móng
10 giờ sáng ngày 6/9/1988, tấn dầu đầu tiên từ đá móng mỏ Bạch Hổ được đưa lên tàu chứa Crưm từ giếng khoan BH-1. Kể từ đó đến nay, hơn 240 triệu tấn dầu từ đối tượng này được khai thác, mang về cho đất nước nguồn doanh thu ngoại tệ hơn 88 tỷ USD. Câu chuyện tìm ra và sau đó khai thác dầu từ đá móng mỏ Bạch Hổ có thể coi là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại về một hành trình thay đổi tư duy, nhận thức. Sẽ còn mãi câu chuyện tìm dầu trong tầng đá móng. Sẽ còn mãi câu chuyện về sự sự đấu tranh giữa con người và tự nhiên, giữa niềm tin và thực tế nghiệt ngã, giữa bản lĩnh và số phận. Câu chuyện thật bình dị, nhưng cũng phảng phất âm hưởng của một bản hùng ca.
Kể từ thời khắc lịch sử đó, để có được 240 triệu tấn dầu từ móng, các kỹ sư dầu khí đã trải qua một quá trình liên tục hoàn thiện nhận thức. Ban đầu, hầu hết mọi người đều cho rằngchỉ phần trên của móng, còn gọi là móng phong hóa, mới chứa dầu, nên dừng khoan khi đi vào đá tươi. Quan điểm dần thay đổi khi các nhà địa chất bắt đầu khoan vàtìm thấy dầu trong phần móng tươi, chưa bị phong hóa. Đến nay, có thể nói thân dầu trong móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ được ghi nhận là lớn nhất thế giới, với chiều dày có nơi lên đến 1.500m.
Tiến sĩ Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ những khó khăn, thách thức cách đây 30 năm mà người dầu khí đã nỗ lực từng bước vượt qua, ghi tên tổ quốc lên bản đồ dầu khí thế giới. Sự kiên trì, sáng tạo, bản lĩnh vượt khó của các thế hệ người dầu khí đã đưa Tổng cục Dầu khí – Tiền thân của PVN đi đến đích khi tìm được dòng dầu trong tầng đá móng. Từ đó, đưa ngành dầu khí Việt Nam từng bước phát triển, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và kiến tạo đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh – Phó Viện trưởng Viện Dầu khí cho rằng, việc phát hiện tầng dầu trong đá móng granit trước Đệ Tam tại mỏ Bạch Hổ là một thành tựu rất nổi bật, một đóng góp to lớn cho khoa học dầu khí, đánh dấu một bước ngoặt trong việc nhận định và đánh giá mới về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam, làm thay đổi cách nhìn nhận và xác định phương hướng trong chiến lược thăm dò dầu khí ở khu vực này”. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ là một minh chứng cho nhận định này.
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh xúc động khi được nghe về quá trình gian khó nhất của ngành dầu khí. Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Người dầu khí có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của mình nhưng chúng ta không được phép tự mãn, kiêu ngạo, phải nỗ lực hơn nữa để tiến về phía trước, vượt qua khó khăn gian khổ. Có làm được như vậy mới có thể xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho ngành Dầu khí”.
43 năm qua, đội ngũ người lao động Dầu khí mang trong mình tinh thần Dầu khí, văn hóa Dầu khí luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khó, hiểm nguy để sống, bám giàn, bám máy cùng với nhịp đập của tiếng máy khoan mang dòng dầu về cho đất nước, những thùng dầu đánh đổi bằng công sức, trí tuệ, mồ hôi và máu.!