Tạo việc làm, tăng thêm thu nhập
Bản Khanh là đơn vị phát triển du lịch đầu tiên của xã Ân Nghĩa với tiềm năng đa dạng về văn hóa và các ngành nghề thủ công truyền thống. Nơi đây nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2km. Toàn bộ 31 hộ gia đình với 154 nhân khẩu đều là người dân tộc Mường. Đời sống và sinh hoạt của bà con vẫn còn giữ nguyên nét văn hóa, phong tục tập quán từ xa xưa, tạo điểm nhấn đặc sắc và khiến bản Khanh trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho du khách trong chuyến hành trình khám phá Cúc Phương.
Hoạt động du lịch cộng đồng đã khởi phát tại bản Khanh từ năm 2010. Đến năm 2019, doanh thu từ dịch vụ lưu trú homestay đã đạt 156.000.000 đồng, gấp khoảng gần 10 lần so với năm đầu tiên. Thông qua tour du lịch "xuyên rừng – ngủ bản" do Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức, trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm xóm Khanh đón khoảng 500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu và thưởng thức văn hóa. Trong số đó, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng rất cao, lên tới khoảng 80%. Khách du lịch thường tham gia các hoạt động cùng người dân trong xóm như trồng lúa, gặt lúa, bẻ ngô, thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Theo ông Bùi Văn Diễn, chủ 1 homestay tại bản Khanh, du lịch không phải nguồn thu chính bởi người dân nơi đây chủ yếu vẫn làm nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn thu nhập tăng thêm khoảng 10 – 20 triệu đồng/năm cũng giúp đời sống người dân được nâng lên. Nhờ thường xuyên đón du khách, bà con dân bản cũng đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, tiếp thu những kiến thức mới về kinh doanh và làm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các hộ kinh doanh sẽ trích 20.000 đồng/khách vào quỹ phát triển cộng đồng của bản Khanh. Nguồn quy thu được từ hoạt động du lịch được sử dụng với mục đích đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong xóm, vệ sinh môi trường, cảnh quan và công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa cũng như an sinh xã hội của xóm.
Việc chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hạ tầng vệ sinh, nước sạch, giao thông, thông tin… từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng giúp người dân có thêm động lực giữ gìn cảnh quan, xây dựng nếp sống văn hóa gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường du lịch đang thay đổi từng ngày, cả về cách thức tiếp cận và chất lượng sản phẩm dịch vụ; trong khi đó, du lịch xóm Khanh do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tiến trình đổi mới chậm, hiệu quả hoạt động có xu hướng giảm sút. Ngoài ra, do đại dịch COVID-19 gây ra, du lịch cộng đồng xóm Khanh càng thêm khó khăn đặc biệt, là nguồn khách quốc tế.
Theo số liệu từ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ (Vườn quốc gia Cúc Phương), từ năm 2020 đến hết năm 2021, xóm Khanh chỉ đón được dưới 20 đoàn, với khoảng dưới 100 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Do vậy việc tìm ra các giải pháp và phương pháp tiếp cận mới, nhằm phát huy thế mạnh và các tiềm năng của địa phương là việc làm cần thiết, hợp xu thế đưa du lịch tại cộng đồng Bản Khanh phát triển, qua đó góp phần phát triển du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới.
Nâng cao vai trò của du lịch trong xóa đói giảm nghèo
Định hướng của Nhà nước trong công tác xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng. Do đó, du lịch sinh thái - cộng đồng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều chương trình, chính sách phát triển. Cụ thể, Chính phủ và chính quyền địa phương có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển bền vững, trong đó có du lịch như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các chương trình này là cơ hội lớn để xã Ân Nghĩa cũng như bản Khanh phát triển du lịch và chuỗi giá trị của địa phương nhằm xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới, thông qua nguồn hỗ từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Xác định đây là hướng đi tăng thu nhập bền vững cho địa phương, cuối năm 2022, chính quyền xã Ân Nghĩa đã cùng với Ban lãnh đạo vườn quốc gia Cúc Phương, tổ chức WWF- Việt Nam đã cùng triển khai nghiên cứu thực địa nhằm đưa ra phương án đổi mới phương thức làm du lịch cộng đồng. Theo đó, lấy bản Khanh với lợi thế sẵn có làm điểm và dần mở rộng khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch ra các thôn, bản khác xung quanh. Từ năm 2023, bản Khanh sẽ triển khai mô hình hợp tác xã du lịch gồm: 1 ban quản lý và 5 đội nhóm (đội đón tiếp và hướng dẫn khách, nhóm kinh doanh lưu trú, nhóm ẩm thực, nhóm văn nghệ, nhóm sản xuất hàng thủ công – đặc sản). Bản cũng có quy ước chung về việc chia sẻ lợi ích giữa các hộ trong hoạt động du lịch, hướng tới chuyên nghiệp hóa các dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập.
Các bên thống nhất, chính quyền địa phương xã Ân Nghĩa sẽ quản lý và hỗ trợ bản Khanh cũng như các cộng đồng có tiềm năng phát triển hoạt động du lịch sinh thái - cộng đồng ở các thôn, xóm khác có thể phát triển, đặc biệt là về các thủ tục, chính sách và pháp lý. VQG Cúc Phương cũng tạo điều kiện cho bản Khanh trong công tác khai thác các tuyến, điểm du lịch có thể liên kết với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tại xóm Khanh. Vườn cũng hỗ trợ bà con dân bản trong công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kiến thức. Bước đầu, địa phương cũng đã kết nối được một số doanh nghiệp lữ hành nhằm chủ động nguồn khách lưu trú và thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch một cách hiệu quả, bài bản hơn.
Theo ông Vùi Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, với chiến lược phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, không chỉ tại bản Khanh mà cả các thôn, bản có tiềm năng khác trong vùng cũng có thể mở rộng hoạt động du lịch. Qua đó, cộng đồng cũng được phân chia lợi ích từ phát triển du lịch, dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, các nguồn thu được phân chia công bằng giữa các bên liên quan, một phần tái đầu tư cho cộng đồng phát triển các mục tiêu xã hội chung như nâng cấp hạ tầng như đường giao thông, điện, y tế và giáo dục.
Kỳ vọng trong thời gian tới, các giải pháp sẽ phát huy hiệu quả, phát triển sinh kế, tăng thu nhập cho bà con, qua đó giảm áp lực vào tài nguyên thiên nhiên, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững.