Bản hùng ca Đường 9 - Nam Lào

Văn Dinh| 29/04/2021 23:21

(TN&MT) - Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào mùa Xuân năm 1971 đã tạo ra thế và lực mới, tạo đà đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ đi đến toàn thắng. 50 năm với bao đổi thay nhưng những ký ức và giá trị lịch sử của trận chiến này vẫn là niềm tự hào trong trang sử vẻ vang của dân tộc.

Một chiều tháng tư nắng nhẹ, chúng tôi có dịp trở lại đường 9 - Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), vùng đất từng là nơi hứng chịu bom đạn liên miên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là địa danh trở thành bất tử trong mỗi chiến sĩ và người dân Quảng Trị. Từng địa danh ở Đường 9 như Đầu Mầu, cao điểm 241, Cùa, cầu Chui, Làng Vây, Tà Cơn… được ghi dấu với vô vàn chiến công của các anh hùng, nhân dân trong cuộc trường kỳ kháng chiến của đất nước. Và nhắc đến Quảng Trị, không thể không nhớ đến chiến thắng lớn mang tên Đường 9 - Nam Lào vào năm 1971, ở đó quân ta đã bẻ gãy cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy, làm nên một bản anh hùng ca bất tử...

Ông Kỳ nhớ lại những ký ức hào hùng

Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vẫn nhớ như in ký ức về những ngày sục sôi 50 năm về trước. Ngày ấy, ông Kỳ mang biệt danh “Hùm xám" của Đường 9 - Nam Lào. “Với tôi, Đường 9 như một phần xương máu! Những đêm thức trắng cùng đồng đội vượt rừng, băng suối phục kích tiêu diệt bọn ác ôn, quân giặc là những ký ức không bao giờ quên”, ông Kỳ mở lời.

Năm nay đã 75 tuổi, kỷ niệm về đồng đội, về chiến trường và những chiến công của ông Kỳ luôn cất giữ trong lòng. Hễ có ai nhắc đến là những kỷ niệm ấy lại ùa về không thể nào ngăn lại được. Ông Kỳ cho hay, tháng 3/1971, trước cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy mang tên “Lam Sơn 719” nhằm cắt đứt nguồn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Để đánh lại cuộc hành quân của địch, ta đã sử dụng Binh đoàn 70 (3 sư đoàn 308, 304 và 320), Sư đoàn 324, Sư đoàn 2 và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang B4, B5, Đoàn 559; 4 trung đoàn Pháo binh; 4 trung đoàn Cao xạ, 3 trung đoàn Công binh, 3 tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp; một số tiểu đoàn Đặc công… Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước cũng huy động lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đẩy mạnh tiến công địch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam. Trải qua hơn 50 ngày đêm liên tục tiến công quân địch (từ ngày 31/1 đến 23/3/1971), Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi giòn giã.

“Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng kỷ niệm những lần vào sinh ra tử dưới làn bom đạn với tôi vẫn còn vẹn nguyên. Đã có không biết bao chàng trai, cô gái xung phong ra trận. Nhiều người bị thương nhưng vẫn gắng xông lên phía trước cùng đồng đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thế hệ chúng tôi ngày đó, ai ai cũng mong được góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Dù có phải hy sinh cả tính mạng vẫn không sờn lòng. Bây giờ nhìn quê hương phát triển, tự hào lắm...”, ông Kỳ chia sẻ.

Tại Hội thảo khoa học Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào diễn ra cuối tháng 3 vừa rồi tại tỉnh Quảng Trị, chúng tôi bất ngờ được gặp Trung tướng Phạm Xuân Thệ, người đã góp một phần xương máu của mình vào chiến thắng lịch sử ấy.

Ông Thệ kể, vào tháng 2/1971, ông Thệ được đề bạt quân hàm Thiếu úy và điều động sang làm Đại đội trưởng Đại đội 10 Tiểu đoàn 9. Ngày 16/3, Đại đội 10, hành quân vào vị trí tập kết chiến đấu. Đến khoảng 1h sáng hôm sau, tổ trinh sát của Tiểu đoàn phát hiện lực lượng xe tăng và xe thiết giáp địch bố trí trên trục đường hành quân của Đại đội.

Khi đang tìm cách đưa đội hình của Đại đội tránh lực lượng xe tăng của địch thì bị chúng phát hiện và nổ súng. Lập tức, Đại đội 10 triển khai đội hình thành 2 hướng, tiến công vào lực lượng xe tăng của địch tại ngã ba Bản Đông. Trận đánh kéo dài đến khoảng 3h sáng. Bộ đội Đại đội 10 sử dụng súng B40, B41 và ĐKZ bắn cháy một số xe tăng và xe thiết giáp của địch, khói lửa cao ngút trời. Địch cũng phản công quyết liệt, dùng pháo và đại liên trên xe bắn xối xả.

Vận chuyển vũ khí phục vụ cho chiến dịch

Khi đó, phát hiện xe tăng của địch đang chồm lên ngay phía trước, Phạm Xuân Thệ ra hiệu cho chiến sĩ Nguyễn Văn Chước (quê ở Vĩnh Phúc) là xạ thủ B41 nổ súng. “Chước xoay người siết cò, một quầng lửa bùng lên, quả đạn lao thẳng vào chiếc xe tăng làm nó khựng lại rồi bùng cháy. Khoảnh khắc hào hùng và thiêng liêng ấy, luôn in sâu vào tâm trí của tôi. Ngay sau đó, một chiếc xe tăng khác của địch lại chồm lên, tôi định giơ tay trái chỉ mục tiêu cho đồng chí Chước bắn tiếp, nhưng lại thấy cánh tay nặng trĩu. Dưới ánh pháo sáng, tôi biết mình bị thương cả hai tay. Tôi cố cắn răng chịu đựng, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Sau đó, tôi ngất lịm đi khi tiếng súng đã ngớt dần”, ông Thệ nhớ lại.

Ngay sau trận đánh, ông Thệ được anh em đưa về trạm phẫu thuật của Trung đoàn, sau đó chuyển về bệnh viện của Sư đoàn.

“Tôi bị thương cả hai tay, rất nặng nhưng trong thời gian điều trị, tôi luôn chú ý nghe tin tức trên đài phát thanh. Đặc biệt là chương trình Sổ tay chiến sự để biết tình hình chiến đấu của đơn vị. Nghe tin chiến thắng từ Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, tôi rất tự hào và nhớ đơn vị, đồng đội thân yêu của mình. Trong chiến thắng chung đó, có phần đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304. Và tôi, rất vinh dự vì đã góp một phần xương máu của mình vào chiến thắng vẻ vang đó...”, ông Thệ thổ lộ.

Những người như ông Kỳ, ông Thệ giờ đây đã già nhưng vẫn còn vẹn nguyên chất lính. Họ đang tiếp tục cùng bạn bè dọc ngang Đường 9 để kiếm tìm đồng đội từng một thời vào sinh ra tử…

Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân đội ta thực hành thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn bằng các lực lượng binh chủng hợp thành. Ngày 31/3/1971, lực lượng tham gia chiến dịch được Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi thư khen “Đánh giỏi, thắng giòn giã, lập chiến công xuất sắc”.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào giáng một đòn chí mạng vào âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương, vào âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, đồng thời đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Những mục tiêu mà cả Mỹ - ngụy đặt ra cho cuộc hành quân và gửi gắm vào đó nhiều kỳ vọng đều không đạt được. Thắng lợi này là bước tạo đà, chuẩn bị thế và lực cho cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta năm 1972 giành thắng lợi...

Nhắc đến Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, khi nghe những ca từ trong “Bài ca Đường 9 chiến thắng” của nhạc sĩ Văn Dung, trong lòng mỗi chúng ta chắc hẳn sẽ trào dâng niềm tự hào xúc động.

“… Anh giải phóng ơi! Quê hương vui sao/ Trên đường Chín anh ghi bao chiến công/ Trong muôn gian lao mưa bom bão lửa/ Anh bước trên đầu thù xốc tới/ Miền Nam vui mùa hoa chiến thắng tràn ngập quê hương lời ca tưng bừng...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản hùng ca Đường 9 - Nam Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO