Bán đấu giá đất sai luật ở Tây Ninh: Ông lão 75 tuổi đội hơn 1.600 lá đơn đi đòi công lý

15/08/2016 00:00

(TN&MT) - 5 phiên tòa đã trôi qua, 14 năm liên tục đi khiếu nại, hơn 1.600 lá đơn đã được ông Nguyễn Văn Vĩnh gởi đi khắp nơi từ địa phương đến trung...

 

(TN&MT) - 5 phiên tòa đã trôi qua, 14 năm liên tục đi khiếu nại, hơn 1.600 lá đơn đã được ông Nguyễn Văn Vĩnh gởi đi khắp nơi từ địa phương đến trung ương… nhưng công lý vẫn chưa đến được với ông lão 75 tuổi ở xã Trường Tây, Hòa Thành (Tây Ninh), dù có lúc ông đã chạm vào được nó.

Ông lão 75 tuổi đã đội hơn 1.600 lá đơn đi đòi công lý
Ông lão 75 tuổi đã đội hơn 1.600 lá đơn đi đòi công lý

Nhất bên trọng, nhất bên khinh

“Theo quy định, bán đấu giá phải theo giá thị trường tại thời điểm bán, tức tháng 6/2002. Thế mà, tại sao định giá từ tháng 3/1998 mà mãi tới tháng 6/2002, tức sau 4 năm 3 tháng, ngân hàng mới bán, không định giá lại cho tôi mà lại áp giá từ hơn 4 năm trước? Chưa kể, Bộ luật Dân sự cũng nói rõ, muốn bán tài sản thế chấp phải thông qua cơ quan có thẩm quyền, nghĩa là phải qua Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Tây Ninh. Tại sao ngân hàng lại tự ý bán đấu giá đất của tôi? Cạnh đó, cũng tại thời điểm này, một vị trí đất tương tự, cách đất tôi 300m, cũng nằm mặt tiền Quốc lộ 22B, diện tích đất chỉ 2.400m2 thì đã có giá khởi điểm hơn 540 triệu đồng, tức 225 ngàn đồng/m2. Còn đất của tôi, diện tích rộng hơn nhiều lần lại bán giá thấp hơn, tính ra chỉ 40 ngàn đồng/m2 là sao?”, ông Vĩnh so sánh.

Cái sai “tử huyệt” của ngân hàng đã bị chính Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ ra trong quyết định giám đốc thẩm vào tháng 3/2011: “Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2002 thì khi đấu giá, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Tây Ninh phải định giá khởi điểm lại theo giá thị trường tại thời điểm đấu giá. Do đất thực tế của ông Vĩnh rộng hơn diện tích thế chấp nên trước khi đấu giá, lẽ ra phải đo vẽ, xác định rõ vị trí cụ thể của diện tích đất đấu giá, diện tích chừa lại cho ông Vĩnh để biết chính xác vị trị đất đấu giá. Nhưng ngân hàng đã không đo vẽ và tự ấn định vị trí diện tích 7.700 m2 đất giao cho người trúng đấu giá, chiếm gần hết mặt đường Quốc lộ 22B, chỉ chừa lại cho ông Vĩnh một lối đi ra Quốc lộ 22B rộng 1m là không đảm bảo quyền lợi của ông Vĩnh”.

Tán gia bại sản vì ngân hàng

Biết ngân hàng sai, ông Vĩnh khiếu nại nhưng nơi này vẫn không giải quyết thỏa đáng. Tức mình, ông bèn kiện ngân hàng ra tòa, yêu cầu hủy bỏ việc bán đấu giá sai luật. Thế rồi, tháng 6/2006, tòa tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm (lần 1) cho rằng yêu cầu hủy bỏ việc bán đấu giá của ông Vĩnh không có cơ sở nên bác đơn. Ông Vĩnh tiếp tục kháng cáo. Ngày 10/11/2006, tòa phúc thẩm cũng y án sơ thẩm 1, bác kháng cáo của ông.

Tuyệt vọng, nhưng vẫn không chịu đầu hàng số phận, ông Vĩnh biết mình chỉ còn một tia hy vọng mong manh cuối cùng là làm đơn xin giám đốc thẩm. Nghĩ sao làm vậy, ông bèn chong đèn thức suốt đêm, cặm cụi viết một lá đơn rất dài, trình bày lại toàn bộ nỗi oan ức của mình gửi lên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Chờ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng rồi 1 năm, 2 năm, 3 năm… mà vẫn chưa thấy “bóng chim tăm cá” quyết định giám đốc thẩm đâu, nhiều lúc ông đã trở nên tuyệt vọng. Có lúc nghĩ quẩn, ông đã mua hai lít xăng, tính quấn giẻ vào người, đổ xăng lên người, lao xe máy vào cây xăng của người trúng đấu giá, quẹt bật lửa lên tự đốt mình… Nhưng, nghĩ lại, nếu mình chết thì sáu đứa con sẽ mồ côi, không nơi nương tựa, ai sẽ nuôi dưỡng chúng. Rồi người chị ruột bị tâm thần bẩm sinh, nay đã 82 tuổi mà ông chăm sóc từ bé, biết nương tựa vào ai. Thế là ông lại thôi, lại cố sống để mà đi đòi công lý…

Trong suốt thời gian ba năm đó, ông Vĩnh liên tục làm đơn khiếu nại, gởi khắp nơi từ địa phương đến trung ương, tổng cộng hơn 1.600 lá đơn. Thậm chí, sốt ruột, tháng 9/2009, ông còn “khăn gói quả mướp” ra tận Hà Nội, đến tận Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ… để kêu oan.

Thế rồi, khi chỉ còn đúng một ngày nữa là hết thời hiệu để ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, thì ngày 9/11/2009, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định kháng nghị cho ông.

“Hai tuần sau, vào một buổi trưa, khi đang nấu cơm cho chị ăn, tôi nhận được một bì thư, ngoài đề nơi gửi là Tòa án Nhân dân Tối cao. Rất hồi hộp, tôi định xé ra đọc ngay. Nhưng nghĩ lại, nếu đó là quyết định không kháng nghị thì tôi sẽ rất buồn mà không ăn cơm nổi, còn nếu kết quả tốt cũng sẽ vui quá mà không ăn được. Thế là, tôi ăn cơm rửa chén xong, pha ấm trà thật đặc, uống một ly trà thật to lấy bình tĩnh, rồi lấy kéo cắt bì thư ra. Quả thật “trời có mắt”, đó là quyết định chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm. Mừng quá, tôi nhảy cẩng, hét lên như một đứa trẻ “quá đã, quá đã” mà nước mắt cứ tuôn rơi”, ông Vĩnh nhớ lại.

Gần hai năm sau, tháng 3/2011, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã họp ra Quyết định giám đốc thẩm như nói ở trên, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm (lần 1) và “giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại”. Chờ thêm hơn hai năm nữa, ngày 24/4/2013, tòa tỉnh Tây Ninh xử lại sơ thẩm (lần 2) không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vĩnh. Đồng thời, tòa cũng không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông là hơn 12,6 tỷ đồng. Rồi đến ngày 30-7-2013, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TPHCM (nay là TAND cấp cao tại TPHCM) xử phúc thẩm (lần 2) cũng y án sơ thẩm. Và ba năm sau, như đã nói ở bài trước, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào mới đây (ngày 1-7-2016) đã ký kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm (lần 2) nói trên. Như vậy, sau 10 năm xét xử với 5 bản án, giờ vụ án này lại... “bỏ đi hết ta làm lại từ đầu”.

“Năm 1999, do không chịu nổi áp lực nợ nần, vợ tôi ly thân. Bốn năm sau, tòa đã xử cho vợ chồng tôi ly hôn. Giờ tôi sống một mình trong căn nhà lá mục nát, làm mướn kiếm tiền qua ngày nuôi người chị bị tâm thần, nay đã 82 tuổi. Vợ tôi giờ cũng trắng tay, phải thuê nhà ở. Sáu đứa con, bốn trai hai gái, giờ đã lập gia đình nhưng cũng đều khó khăn. Hai con trai phải thuê nhà ở, còn hai đứa “ở đậu” bên nhà vợ. Hai con gái lấy chồng, cũng đều nghèo, phải ở chung với nhà chồng, một ở tận huyện Cần Đước (Long An), một ở Sài Gòn. Tôi nay cũng 75 tuổi rồi, cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng tôi không chịu đầu hàng số phận, vẫn quyết đi đòi công lý cho mình. Tôi cũng đã lập sẵn giấy ủy quyền cho hai con trai mình, lỡ tôi có mệnh hệ gì, chúng sẽ thay tôi đi tìm sự công bằng và quyền lợi hợp pháp của tôi, cái mà hơn 10 năm qua tôi vẫn đang đi tìm. Tôi tin rồi công lý sẽ đến với mình…”, ông Vĩnh quả quyết.

Trọng Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bán đấu giá đất sai luật ở Tây Ninh: Ông lão 75 tuổi đội hơn 1.600 lá đơn đi đòi công lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO