Bài toán kiểm soát ô nhiễm môi trường trong phát triển nhiệt điện than

27/02/2017 00:00

(TN&MT) –  Theo thống kê, 01 nhà máy nhiệt điện than 500MW  thải ra khoảng: 10 ngàn tấn SO2 ,  10.2 tấn NO2, 220 tấn hydrocarbon, 3.7 triệu...

 

(TN&MT) –  Theo thống kê, 01 nhà máy nhiệt điện than 500MW  thải ra khoảng: 10 ngàn tấn SO2 ,  10.2 tấn NO2, 220 tấn hydrocarbon, 3.7 triệu tấn CO2 và 720 tấn CO, 500 tấn  hạt vật chất, 125  ngàn tấn tro và 193 ngàn tấn cặn dầu thải…là những nguyên nhân chính gây ra mưa a xit, ô nhiễm sương khói, biến đổi khí hậu…

Nguy cơ ô nhiễm hiện hữu

Tại buổi tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống người dân” do Trung tâm Hành động và Liên kết  vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) tổ chức mới đây, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước một lần nữa khẳng định, phát triển nhiệt điện than tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, các nhà máy nhiệt điện than  là nguồn thải lớn nhất  trong lĩnh vực  năng lượng và là  nguyên nhân chính  gây ô nhiễm không khí.  Tất cả các giai đoạn trong vòng đời sản xuất điện than từ khai thác, chế biến, vận chuyển, đốt và xử lý tro xỉ đều thải ra các chất gây ô nhiễm không khí, bao gồm các loại bụi, khí đốc ( SO2, NOx, CO…)  và các loại khí nhà kính (CO2, CH4…). Vấn đề tro và xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than là bài toán chưa có lời giải. Hiện nay,  hàng năm, các  nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam thải ra khoảng 15 triệu tấn tro xỉ. Việc vận chuyển và lưu giữ tro xỉ gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng không khí.

Nhiều nguy cơ ô nhiễm hiện hữu trong phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam
Nhiều nguy cơ ô nhiễm hiện hữu trong phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam

Trong đó, bụi  siêu nhỏ PM 2.5 trong khí thải của nhiệt điện than có thể bay xa hàng trăm km, gây ra những  ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe  cũng như tác động lên chất lượng đất và mùa màng ở nhiều nơi.

Mỗi ngày, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1(Bình Thuận) thải ra khoảng 4.000 tấn tro xỉ. Tháng 4/ 2015, việc vận chuyển  tro xỉ không có biện pháp che đậy cùng với tình hình thời tiết gió mạnh đã gây ra ô nhiễm tro bụi than ở xã Vĩnh Tân và các xã lân cận. Trước tình hình đó, người dân đã biểu tình chặn đường quốc lộ 1A để yêu cầu Nhà máy nhiệt điện Bĩnh Tân II có biện pháp xử lý ô nhiễm tro bụi.

Về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, các nhà máy nhiệt điện than  cần một lượng nước lớn cho hệ thống làm mát. Trung bình cứ mỗi 3,5 phút một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng  nước đủ để chưa trong một bể bơi tiêu chuẩn  Olympic (2.500 m3). Sau quá trình làm mát nước để xả trở lại hồ, sông hoặc biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 5.6 – 11oC, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cá  và các loại thủy sinh.

Trong đó, khu vực tiếp nhận nước thải của quá trình làm mát của Nhiệt điện Quảng Ninh có nhiệt độ cao, dao động từ 38,1 – 38,9oC; nhiệt độ này cao hơn  từ 7,9 – 12,9oC so với nhiệt độ  nước trước khi đưa vào nhà máy…khiến khu vực này bị suy giảm các nguồn , hải sản.

Ngoài ra, các chất thải của quá trình sản xuất điện than như bùn than, tro xỉ chứa nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, niken, thiếc, cadmium, asen…cũng như các đồng vị phóng xạ của thori và strontium….cũng có những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Đặc biệt, những vấn đề ô nhiễm môi trường so nhiệt điện than gây ra tác động trực tiếp tới sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân  hàng đầu  gây ra các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, bệnh phổi  tắc nghẽn mạn tính, viêm đường hô hấp dưới và ung thư phổi. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất  là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Cẩn trọng trong phát triển nhiệt điện than

Theo Quy hoạch phát triển  điện lực quốc gia  giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến  năm 2030 (Quy hoạch điện VII  Điều chỉnh), đến năm 2030, nhiệ điện than chiếm  tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu  nguồn điện của Việt Nam. Lượng than dự báo cần tiêu thụ  cho điện là 120 triệu tấn mỗi năm, trong đó  khoảng hơn 80 triệu tấn phải nhập khẩu.

Hiện tại, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới  trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, trong khi toàn thế giới đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Việt Nam hiện  có 12 nhà máy nhiệt điện than phân bố trên cả nước, trong những năm tới sẽ có khoảng 50 nhà máy được xây dựng, tập trung chủ yếu ở trung tâm hoặc ngay sát khu vực ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng…sẽ gây những tác động lớn đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp.

Ông Richard Bale, Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM cho biết: “Thành công nổi bật của Việt Nam trong việc tăng trưởng  đồng đều và giảm đói nghèo trong 2 thập kỹ  qua đã bị  ảnh hưởng  phần nào bởi việc sử dụng quá nhiều năng lượng, mà phần lớn  là đến từ các nguồn không tái tạo. Với nhu cầu năng lượng dự tính tăng 10% một năm trong vòng 15 năm tới, việc thảo luận về các lựa chọn sản xuất điện  là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần phải cân nhắc  các chi phí  môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ( Bình Thuận) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển Hòn Cau
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ( Bình Thuận) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển Hòn Cau. ẢNh: MH

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân bao gồm 5 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất thiết kế lên đến 6.225 MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Hiện tại, Vĩnh Tân 2 đã vận hành từ năm 2014; Vĩnh Tân 4 sẽ đưa vào vận hành vào năm 2017; Vĩnh Tân 1 và  Vĩnh Tân 4 mở rộng đang trong quá trình xây dựng. Sự phát triển của công nghiệp điện than ở Vĩnh Tân – Bình Thuận đã khiến cho hệ sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên  Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học cảnh báo: Nếu Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân không được giám sát thi công, vận hành nghiêm ngặt từ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thì hậu quả gây ra cho hệ sinh thái Hòn Cau là vô cùng.

Các  chuyên gia môi trường, các nhà quản lý cũng cho rằng:  Để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than gây ra, chúng ta cần  giám sát chặt chẽ và bắt buộc tuân thủ  kế hoạch quản lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, đồng thời công khai thông tin cho người dân và chính quyền địa phương cùng giám sát. Cập nhật các tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam  theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, phải bắt buộc thực hiện việc đánh giá  tác động sức khỏe  trong quá trình  đánh giá tác động môi trường xã hội của dự án…

Nguyễn Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán kiểm soát ô nhiễm môi trường trong phát triển nhiệt điện than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO