Bãi tập kết cát "tấn công" QL 1A: Vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều

25/06/2015 00:00

(TN&MT) - Không những gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con, vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây mất an toàn giao thông, mà 2 bãi tập kết của Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và XDGT Thanh Hóa còn vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ hành lang đê điều và chưa ký hợp đồng thuê đất với các cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ngày 16/9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3230/QĐ-UBND phê duyệt dự án nạo vét luồng chạy tàu tuyến sông Yên, đoạn từ cầu Ghép đến phao số 0 có chiều dài 11,6 km, đảm bảo cho tàu có trọng tải 100 tấn ra vào dễ dàng không phụ thuộc vào thủy triều. Dự án do Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và XDGT Thanh Hóa (Công ty) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư  61,469 tỷ đồng. Nguồn vốn do Công ty tự huy động và được phép thu hồi cát trong quá trình nạo vét để hoàn vốn

Để tạo thuận lợi cho Công ty nạo vét và thu hồi cát, ngày 6/11/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 8885/UBND-NN chấp thuận 2 địa điểm bãi chứa sản phẩm sau nạo vét gồm: Vị trí 1 diện tích khu đất khoảng 953 m2 có giới hạn: Phía Đông giáp hành lang QL 1A ( cách tim QL 1A 26 m), phía Tây giáp kênh Than, phía Nam giáp Trạm quản lý đường thủy, phía Bắc giáp rừng phòng hộ. Vị trí 2: có diện tích 6.117 m2; có giới hạn: Phía Đông giáp bến đò cũ, phía Tây và Nam giáp đất trồng cây lâu năm và nhà ở, phía Bắc giáp sông Yên ( cách tim đường QL 1A 26 m và cách đê hữu sông Yên 21,7 m)

Đoàn xe chờ đến lượt “ăn hàng” nối đuôi nhau đậu trên đường Quốc lộ 1A làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông
Đoàn xe chờ đến lượt “ăn hàng” nối đuôi nhau đậu trên đường Quốc lộ 1A làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông

Điều đặc biệt, không hiểu tại sao cả 2 bãi này lại nằm ngay cạnh chân cầu Ghép, sát với mép đường QL 1A (trong khi theo quy định là cách tim QL 1A 26 mét) và nằm trong hành lang bảo vệ đê điều (!?) và theo quy định của Công văn 8885/UBND-NN thì Công ty chỉ được phép tập kết chất thải (cát) trong mùa khô (từ 30/11 đến 15/5 hàng năm), trước mùa mưa lũ hàng năm phải giải tỏa hết chất thải còn tồn đọng ra khỏi phạm vi bãi tập kết để đảm bảo không cản trở đến việc tiêu thoát lũ lòng sông.

Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, bãi tập kết cát số 1 hiện nay có khoảng 3.000 m3, cao hàng chục mét, nằm sát mép đường QL 1A và ngay sát mép nước của sông Kênh Than. Bãi số 2 có khối lượng khoảng 5.000 m3. Hằng ngày vẫn con hàng chục lượt tàu thuyền bơm hút cát lên bãi, trong khi quy định của UBND tỉnh chỉ cho phép bơm hút cát lên bãi từ 30/11 đến 15/5 hằng năm.

Những chiếc thuyền hàng trăm khối được mắc “vòi rồng” phun cát và nước lên bãi
Những chiếc thuyền hàng trăm khối được mắc “vòi rồng” phun cát và nước lên bãi

Ngay sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường online đăng tải bài: “Bãi cát tấn công QL 1A”, ngày 22/6/2015, UBND huyện Tĩnh Gia đã phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng và 2 xã Hải Châu và Hải Ninh để bàn biện pháp giải quyết.

Theo ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia thì hiện tại dự án nạo vét của Công ty đang chậm tiến độ, từ km số 1 đến km số 3 cần được nạo vét ngay trước mùa mưa bão để khơi thông dòng chảy. Công ty phải dừng ngay việc bơm hút cát lên bãi theo quy định của của UBND tỉnh, điều chỉnh biện pháp thi công, có giải pháp nạo vét trước mùa mưa bão, cung cấp hợp đồng thuê bãi với Sở TN&MT cho UBND huyện theo dõi, quản lý…

UBND huyện Tĩnh Gia đang họp với các ban, ngành
UBND huyện Tĩnh Gia đang họp với các ban, ngành

Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lại việc bơm hút và tập kết cát của Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và XDGT Thanh Hóa, trong khi mùa mưa bão đã đến.

Khoản 2, điểm a, b; Khoản 3,4,5 Điều 23 Luật Đê điều quy định:

2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:

a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;

b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.

3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét.

4. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa.

 

  

Bài & ảnh: Tuyết Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bãi tập kết cát "tấn công" QL 1A: Vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO