Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ

Thúy Nhi| 25/02/2020 10:19

(TN&MT) - TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, muốn bất động sản nông nghiệp mở rộng, bài toán vốn và quỹ đất phải giải được đầy đủ - đó là bài học từ đất nước Hoa Kỳ.

Ở Hoa Kỳ, người dân có quyền sở hữu đất đai và cũng có quỹ đất thuộc về chính phủ. Do đó, Một người ở bên đó muốn mua đất hay mua nhà, trước tiên, họ  thường tiếp xúc một hãng bảo hiểm, để được cung cấp cho họ một dịch vụ bảo hiểm quyền sở hữu trên miếng đất muốn mua. Khi hãng bảo hiểm muốn cung cấp dịch vụ này, họ sẽ điều tra mảnh đất đang thuôc quyền sở hữu của ai và trước đó, ai là người sở hữu; mảnh đất có bị thế chấp không; có nợ thuế Chính phủ không.

Nếu mảnh đất hoăc người đang sở hữu mảnh đất đang nợ thuế Chính phủ  hoăc đang thế chấp, cầm cố cho một ngân hàng nào đó, hãng bảo hiểm yêu cầu người muốn mua mảnh đất phải giải quyết tất cả những vấn đề rắc rối trước.

Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hoa Kỳ đều sở hữu vốn tự có rất cao

Bên cạnh đó, khi người dân muốn mua đất nông nghiêp để cày cấy, dù làm ruộng hay sản xuất kinh doanh, họ sẽ đến ngân hàng để vay tiền. Khi đến vay ngân hàng, đơn vị này có một hãng bảo hiểm, hãng này điều tra trước nhất là tình trang pháp lý của mảnh đất rồi cho vay. Chính sách hỗ trợ vay cho ngành nông nghiệp tại Hoa Kỳ rất dễ dàng và ưu đãi.

Ngoài ra, doanh nghiệp nông nghiệp còn huy động vốn bằng trái phiếu hay thị trường chứng khoán. Nguồn vốn của họ đa dạng và đảm bảo. Bên cạnh đó, Chính phủ hay chính quyền tại các Bang còn hỗ trợ cả phần đầu ra của ngành nông nghiệp. Họ bảo trợ rất tốt cho sản phẩm khiến người nông dân an tâm, vừa được cả đầu vào, vừa đảm bảo đầu ra.

Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Mỹ đều sở hữu vốn tự có rất cao. Họ huy động vốn trên thị trường chứng khoán nhiều hơn là vay ngân hàng. Vì quy mô lớn, họ có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường tài chính bên Hoa Kỳ rất rộng lớn, không giới hạn trong một vài ngân hàng. Thông thường, doanh nghiệp chỉ lựa chọn ngân hàng để vay vốn lưu động. Còn vốn trung và dài hạn sẽ đến từ nguồn chứng khoán, phát hành trái phiếu và cổ phiếu.

Ngược lại, ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vay vốn ngân hàng, khó phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Bởi quy mô của các doanh nghiệp đa phần nhỏ, sản xuất có phần tự phát, manh mún.

Một điểm khác, để có thể huy động được vốn trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp buộc phải có báo cáo tài chính rõ ràng, có kiểm toán, có lợi nhuận… Trong khi đó, những công ty quy mô nhỏ thường khó đáp ứng các yêu cầu đó. Lợi nhuận bấp bênh và không có khoản tiền duy trì đều đặn việc lập báo cáo tài chính, kiểm toán.

Muốn bất động sản nông nghiệp mở rộng, bài toán vốn và quỹ đất phải giải được đầy đủ.

Trong khi đó, nông nghiệp là một ngành vô cùng quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Hiện tại, dân số thế giới là 7,7 tỷ người và đến năm 2050, con số dự kiến sẽ là 9 tỷ người. Nông nghiệp là ngành nuôi sống hàng tỷ người trên thế giới.

Việt Nam là một nước có xuất phát điểm từ nông nghiệp. Và nông nghiệp là một ngành chủ đạo, có đóng góp lớn cho nền kinh tế và cho xuất khẩu. Nhưng thực tế, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi như đáng lẽ ra nó phải có. Mặc dù, Chính phủ tuyên bố quan tâm đến ngành nông nghiệp song thực tế, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn khá vất vả trong việc tìm kiếm một con đường để phát triển.

Điển hình nhất có thể thấy, vốn dành cho ngành nông nghiệp so với các ngành nghề khác là rất ít. Vốn vay từ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn rất nhiều lần so với ngành nghề khác mà ở đây có thể so sánh với nguồn tín dụng đổ vào xây dựng, phát triển dự án bất động sản. Trong khi đó, nông nghiệp lại có rất nhiều đóng góp lớn cho các ngành nghề trong tương lai.

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, nông nghiệp là một ngành có rất nhiều rủi ro từ thiên tai và thị trường nên việc huy động vốn cũng khó khăn hơn. Doanh nghiệp quy mô nhỏ dễ gặp nhiều bấp bênh trong sản xuất.

Để nông nghiệp Việt Nam phát triển, sự động viên tích cực theo hướng thực tế của Chính phủ, tức “nói phải đi đôi với thực tế” rất cần thiết. Muốn bất động sản nông nghiệp mở rộng, bài toán vốn và quỹ đất phải giải được đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO