Bài học biến sông chết, thành sông xanh

13/09/2017 00:00

Trước đây, gần 10km sông Tô Lịch, đoạn chảy qua xã Vĩnh Quỳnh bị ô nhiễm nặng do các hộ dân ven bờ lấn chiếm, xả rác bừa bãi. Từ năm 2016 đến nay, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và chính quyền địa phương, hàng loạt công trình sai phạm đã phải dỡ bỏ...

Dòng chảy sông hồ được khơi thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Quyết tâm cứu các sông, hồ trên địa bàn đang dần hiện thực hóa, có được kết quả này là nhờ chính quyền địa phương khéo léo “kéo” người dân cùng vào cuộc.

Thời điểm này, bất cứ ai đến Vĩnh Quỳnh đều dễ dàng thấy hoa nở khắp nơi, từ trục đường chính đến ngõ xóm. Đặc biệt, “điểm đen” ô nhiễm là gần 10km sông Tô Lịch chạy qua địa bàn xã đã được cải tạo triệt để. Nước ở khúc sông này giờ đây không còn nghẽn tắc, đen đục mà chảy thông thoáng với màu xanh mát.

Ông Nghiêm Anh Tuấn, xóm 2, thôn Quỳnh Đô hồ hởi: “Trước đây, hễ ra đường là dễ dàng chứng kiến cảnh đường ven sông ngập rác, cỏ dại và ruồi muỗi tràn lan. Giờ đây khác rồi. Xã đã tốn công, tốn sức tạo nên vườn hoa, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo ban nhau giữ gìn, chăm sóc, không đổ rác thải bừa bãi như trước nữa”.

Đường ven sông Tô Lịch ở xã Vĩnh Quỳnh giờ thông thoáng, không còn cảnh lấn chiếm và đổ rác thải.
Đường ven sông Tô Lịch ở xã Vĩnh Quỳnh giờ thông thoáng, không còn cảnh lấn chiếm và đổ rác thải.

Theo tìm hiểu, xã Vĩnh Quỳnh có 186 hộ gia đình và 2 tổ chức có đất liền kề sông Tô Lịch. Với mục đích giải tỏa hành lang dọc hai bờ sông, nhằm khắc phục triệt để vi phạm, ô nhiễm môi trường, lập hành lang bảo vệ chống tái lấn chiếm, Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Vĩnh Quỳnh đã tích cực triển khai tuyên truyền, xác định mốc giới. Xã đặc biệt chỉ đạo 2 thôn với số vi phạm nhiều là Quỳnh Đô và Ích Vịnh tổ chức vận động các hộ dân vi phạm tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm. Đáng mừng là, sau quá trình tuyên truyền tích cực, 100% các hộ gia đình và tổ chức đã đồng thuận phá dỡ diện tích lấn chiếm mà không đòi hỏi đền bù hỗ trợ.

Nâng cao nhận thức và “kéo” người dân cùng vào cuộc đó là biện pháp hữu hiệu nhất để Vĩnh Quỳnh lập lại trật tự xây dựng, trả lại cảnh quan thoáng đãng cho đôi bờ sông Tô Lịch và các ao hồ trên địa bàn.

Theo tìm hiểu, từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Quỳnh đã tiến hành cải tạo, nạo vét, kè 6 ao hồ. Đến nay, 4 công trình trong số này đã hoàn thành, được kè lắp lan can cải tạo nguồn nước, trồng hoa… chỉn chu, tạo điểm nhấn cho cảnh quan của 1 vùng nông thôn mới. Hiện 2 công trình còn lại dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.

Đáng chú ý, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, bằng sự vận động khéo léo, trong tổng kinh phí 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng thì Vĩnh Quỳnh huy động được nguồn xã hội hóa là gần 2 tỷ đồng và 1000 ngày công lao động.

Chưa hết, người dân trong xã còn tự nguyện hiến 18m2 đất, dỡ bỏ 11 công trình xây dựng, trả lại hơn 90m2 đất lấn chiếm để phục vụ xây dựng các công trình công cộng. “Tuyên truyền kỹ, làm chỗ nào sạch chỗ ấy, đặc biệt là phát huy sức mạnh của các đoàn thể địa phương, đặc biệt là Hội Người cao tuổi nên trong thời gian ngắn Vĩnh Quỳnh đã giải quyết xong hàng loạt vi phạm chức nhối” – bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

Được biết, nhằm thực hiện chủ trương “Xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp, văn minh”, mới đây Vĩnh Quỳnh đã chọn mua 5 vạn cây dạ thảo, hàng trăm cây ngũ sắc, cây cọ… để trồng tại các điểm công cộng như: Dọc 2,5km đường Quỳnh Đô ven sông Tô Lịch, đường trung tâm dẫn vào UBND xã, các điểm quanh trường học, khu dân cư… Kinh phí thực hiện đường hoa sắc màu chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và ngày công lao động.

Ông Trần Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, đánh giá: Thực hiện triệt để chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, với những nỗ lực và thành quả đã làm được, có thể nói Vĩnh Quỳnh là một điểm sáng về cải tạo cảnh quan và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND Vĩnh Quỳnh cho biết, thời gian tới sự thông thoáng, sạch sẽ toàn tuyến sông hồ trên địa bàn sẽ tiếp tục được gìn giữ bền vững. Hiện để chống tái lấn chiếm và đảm bảo cảnh quan môi trường, xã vận động nhân dân thực hiện “ba không”: Không vứt rác ra sông, không bắt tôm cá trên sông, không dựng lều quán bán hàng. Đến nay, nhờ sự đồng thuận của dân, chủ trương này đang phát huy hiệu quả.

Theo LĐTĐ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học biến sông chết, thành sông xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO