Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Ngày mới trên quê hương Thạnh Phú

Trương Thanh Liêm (Hội Văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ)| 01/04/2021 10:49

(TN&MT) - Tôi là người dân xứ biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tuy xa quê đã hơn 40 năm nhưng mỗi khi nghe ai nhắc đến vùng quê biển, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, hay nhìn thấy hình ảnh quê nhà trên những tờ báo, những thước phim… lòng tôi lại xúc động rưng rưng khi nghĩ về một vùng quê với quá khứ đầy bom đạn chiến tranh, mất mát đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng với những con người anh dũng kiên trung.

Vùng đất bi hùng

Thạnh Phú là một trong ba huyện của tỉnh Bến Tre tiếp giáp với biển Đông. Biển Thạnh Phú dài hàng chục cây số, đi qua hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong. Đây là hai địa phương từng đi vào huyền thoại với rất nhiều câu chuyện bi hùng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và là nơi tiếp nhận gần 60 lượt tàu “không số” vào ra vận chuyển quân, vũ khí, quân trang, quân nhu từ Bắc vào Nam.

Trong niềm tự hào và nỗi nhớ khôn nguôi, tôi may mắn được cùng đoàn văn nghệ sĩ về quê hương đi thực tế phục vụ cho sáng tác. Dừng chân ở địa phận ngã ba Mũi Tàu (đoạn giao nhau giữa xã Thạnh Hải và xã Thạnh Phong), chúng tôi vào dâng hương tại Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam” trong làn gió biển mặn mòi thổi về. Cách đó không xa là Bia tưởng niệm 21 nạn nhân bị bom Mỹ tàn sát dã man, trong đó có hai phụ nữ đang mang thai.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (nay tách thành hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong) đã làm nên nhiều chiến công hiển hách với những địa danh Vàm Rỗng, Trảng Băng, Bến Mong, Khâu Băng… bẻ gãy chiến dịch Phượng Hoàng TG1 của địch. Từ năm 1945 đến 1975, quân và dân Thạnh Phong đã tham gia đánh trên 200 trận lớn nhỏ, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, bảo vệ vững chắc quyền kiểm soát tuyến đê biển xung yếu; bảo vệ, lai dắt an toàn hàng chục con tàu vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Toàn xã hiện có 450 gia đình liệt sĩ, 200 thương binh, hàng trăm gia đình nuôi chứa cán bộ cách mạng… đủ để minh chứng cho một cuộc hy sinh to lớn gìn giữ vẹn toàn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Màu xanh trên quê biển Thạnh Phú

Giữ màu xanh của biển

Quá khứ sang trang. Tương lai rộng mở. Hiện nay biển Thạnh Phú đang tiến hành hai nhiệm vụ song song, phát triển kinh tế biển trên nền tảng du lịch và khai thác thủy sản; đồng thời làm tốt công tác quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo thân yêu.

Chúng tôi có mặt tại Cồn Bửng (xã Thạnh Hải) để cảm nhận không khí sôi động, tất bật của hàng trăm bạn trẻ Bến Tre đang góp sức làm sạch biển nhân “Tháng hành động vì môi trường”.

Chia sẻ về trách nhiệm và niềm vui được góp phần bảo vệ môi trường biển quê hương, anh Trần Hoàng Bá cho biết: Chúng tôi ra quân thu dọn rác dọc theo bãi biển, trồng mới hàng ngàn cây có khả năng chống sạt lở như: mắm, bần, đước, cầy..., tuyên truyền trong dân về tầm quan trọng của biển với đời sống con người, về việc chống khai thác rừng bừa bãi, giữ gìn màu xanh của biển khơi. Chúng tôi đã trao tặng cho địa phương hàng chục thùng chứa rác công cộng lắp đặt theo tuyến đê biển xung yếu và khu vực có nhiều khách du lịch. Đây là công việc rất thường xuyên của tuổi trẻ Bến Tre nói chung, huyện Thạnh Phú nói riêng.

Điều đáng mừng là Bến Tre đã hoàn thành kế hoạch xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển để kiểm soát chặt chẽ môi trường, hạn chế thấp nhất ô nhiễm biển. Lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tiếp tục thực hiện dự án bảo vệ bờ biển, hạn chế sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Cùng với đó, Thạnh Phú còn tập trung bảo vệ thảm thực vật quý hiếm hiện có, gần 120 loài động vật, thực vật hiếm hoi cùng nhiều loại tảo…

Đứng trên biển Cồn Tra giữa nắng sớm ban mai của một ngày cuối tháng 3 nóng bức, ông Võ Hữu Trí, 80 tuổi chỉ tay về con đường láng vo, thẳng tăm tắp mới hoàn thành rồi đưa mắt nhìn ra khơi xa, nơi đang hình thành những trụ điện của nhà máy điện gió đầu tiên trên vùng quê biển.

Ông Trí nói: “Đời sống người dân quê biển Thạnh Phú giờ sung túc, đầy đủ nhiều lắm. Điện, đường, trường, trạm, điện thoại đều có đủ hết, bù lại trước đây dân xứ nầy khổ cực trăm bề, bom giặc cày đi xới lại quá nhiều. Mai mốt có nhà máy điện gió thì xứ nầy sung túc ngó thấy”. Ông cười tự hào.

Cùng nhau làm sạch bờ biển Thạnh Phú, Bến Tre

Chúng tôi theo con tàu đánh bắt của ông Trí ngược ra phía Vàm Khâu Băng để tiến ra phao số O, nơi đánh dấu hải phận Việt Nam với vùng biển quốc tế. Biết chúng tôi là đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã nhiệt tình “hộ tống” với những nụ cười rạng rỡ. Qua những câu chuyện rất đời thường nhưng chúng tôi cảm nhận được sự vất vả hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiều. Rất nhiều câu chuyện đầy xúc động của người lính biên phòng nơi dãy đất cù lao Minh, dãy đất cuối cùng của quê hương Đồng Khởi.

Ông Lê Văn Mực (Hai Mực) người đang có năm chiếc tàu “đóng đáy hàng khơi” trên biển Thạnh Phong kể: “Cùng với Bộ đội Biên phòng, hàng trăm ghe tàu đánh bắt của biển Thạnh Phú nầy cũng đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng những việc làm cụ thể như: báo về Đồn Biên phòng những tàu lạ xâm nhập lãnh hải của ta; liên kết nhau kiên quyết không cho tàu lạ khai thác nguồn thủy sản của ta; không trang bị, sử dụng các thiết bị đánh bắt trái phép, động viên nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam cùng với việc không đánh bắt vùng biển ngoài lãnh hải của ta”.

Về thăm quê biển Thạnh Phú bây giờ, nhiều du khách đã rất ngạc nhiên trước sự phát triển du lịch biển rất thành công và ấn tượng; nhiều bãi biển Tây Đô, Hàng Dừa, Hàng Dương vẫn giữ nguyên nét hoang sơ dân dã với những rừng cây nước mặn đặc trưng xứ biển.

Một lợi thế khác mà biển Thạnh Phú đang sở hữu là có nhiều khu di tích lịch sử cấp quốc gia như: Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam; Khu Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển… Cạnh đó là các thắng cảnh với các di tích văn hóa, tâm linh như: Miếu thờ bà Chúa Xứ, Lăng Ông Nam Hải… Một ưu thế khác là khoảng cách từ trung tâm tỉnh Bến Tre đến Thạnh Hải chỉ khoảng 60 km trên con đường rộng, phẳng lì nên chỉ mất khoảng 60 phút là du khách đã có mặt ở Thạnh Hải. Từ khi cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông thông xe thì biển Thạnh Hải lại càng gần hơn, thuận lợi hơn với du khách Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau), rút ngắn trên 60 km đường so với trước đây.

Chiều xuống. Biển Thạnh Hải đẹp lộng lẫy trong ráng mây đỏ rực. Những chiếc tàu tuần tra của Bộ đội Biên phòng Thạnh Phú đang hối hả ra khơi, mang theo bao ánh mắt, nụ cười rất “lính” và rất “biển”. Trên vùng quê biển anh hùng này, lớp lớp thế hệ đang ngày đêm nối tiếp nhau canh giữ biển trời biên cương Tổ quốc và chung tay làm sạch biển; để Thạnh Phú không chỉ thanh bình, mà còn trong vắt, xanh ngát giữa trùng dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Ngày mới trên quê hương Thạnh Phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO