Báo động
2 tháng, sau khi cơn bão số 10 với tên quốc tế Doksuri quần thảo miền Trung Việt Nam từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã để lại những hậu quả nặng nề. Tại Quảng Bình, dư luận đang quan tâm đến sự cố hư hỏng nhiều tuyến kè biển chắn sóng tại các xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), xã Hải Trạch và Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) và tình trạng sạt lở bờ biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới)… bởi tính cấp bách.
Trường hợp tuyến kè biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch được phê duyệt chủ trương đầu tư và tiến hành thi công vào năm 2010, chiều dài 3km, kinh phí 62 tỷ đồng bởi lẽ: Hơn 7 năm trước, xã biển Nhân Trạch cũng từng bị biển xâm thực nuốt trọn hàng chục căn nhà và nhiều ha hoa màu. Khi đó, một số ít hộ gia đình có kinh tế khá đã lập tức chuyển nhà đi nơi khác, còn đa phần người vẫn bám trụ. Biển đuổi đến đâu, người dân lùi nhà đến đó. Cuối năm 2011, công trình ý nghĩa này được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Kè biển này có công năng chống sự xâm thực của biển cả, bao bọc cho khu dân cư khoảng 800 hộ. Năm 2017, tuyến kè này đã bị tổn thương 3 lần. Điểm bị hư hỏng mỗi lần một khác, từ chân kè, thân kè và mái kè.
Tuyến kè biển xung yếu tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch mới đầu tư 3 lần bị sóng đánh thủng |
Tại điểm sạt lở có vị trí ở thôn Nhân Nam, Nhân Hải, phần mái kè bị biến dạng. Hệ thống tấm lát trong phạm vi 60m bị sạt lở, bong rời khỏi vị trí mái. Tạo nên hố sâu kiểu hàm ếch, người dân phải dùng cát để gia cố hạn chế tình trạng sóng biển xâm lấn tuyến đường bê-tông và đỉnh kè. Để cứu tuyến kè này, địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, dùng sức người, phương tiện và vật liệu sẵn có để hộ đê. Huyện đã kiểm tra, xác định hư hại và báo cáo UBND tỉnh xin kinh phí tu sửa.
Ông Võ Vương Thông - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án huyện Bố Trạch - Chủ đầu tư dự án cho biết: Sau khi được báo cáo việc kè biển xung yếu bị sóng biển đánh sạt lở, UBND huyện Bố Trạch đã tiến hành kiểm tra. Theo đánh giá ban đầu của các bên và đoàn kiểm tra liên nghành, nguyên nhân chủ yếu là công trình trên do thiết kế chịu được bão cấp 9, nên khả năng chịu lực còn yếu, không chống đỡ được sóng lớn đập vào trong cơn bão số 10 đạt cấp 12. Về phương án sửa chữa, trước mắt phải xin kinh phí từ Trung ương để tu sửa, dùng tiếp, còn lâu dài thì cần được điều chỉnh thiết kế lại để công trình vững chắc và kết cấu phải tăng cường đảm bảo khả năng chống chịu bão cấp 15.
Mất khả năng chống đỡ
Từ các cuộc kiểm tra hiện trường điểm sạt lở công trình biển, ông Nguyễn Thành Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho rằng: Việc nhiều tuyến kè biển, bờ biển bị sạt lở gần đây tại địa phương nguyên nhân cơ bản do sóng bão và gió biển vượt quá tần suất, thiết kế của công trình chỉ chịu được bão cấp 9. Khi gặp cơn bão vượt cấp, gió giật mạnh sẽ tác động lớn đến sự ổn định của kè mái bằng các tấm bản bê tông. Mặt khác, do tác động của các dòng hải lưu gây sụt lún phần chân kè. Năm 2013, tuyến kè xã Nhân Trạch bị hư phần chân đế, năm 2017, bị hư hại phần mái kè, cho thấy rằng, hư hại này có tính ngẫu nhiên, khó dự đoán…
Đặc thù bờ biển Quảng Bình ngắn, dốc, dòng chảy tập trung, lũ rất cao kết hợp với sóng bão khi lượng nước từ cửa sông dồn ra, sẽ tạo ra áp lực phá vỡ thiết kế công trình. Mấu chốt là bởi bão lũ cực đoan, vượt quá bài toán thiết kế chống chịu của công trình biển.
Với phương châm "4 tại chỗ", ứng cứu tuyến kè khẩn cấp trong ngày |
Tại Quyết định 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Tiêu chuẩn thiết kế tại Quảng Bình, hệ thống đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường 5%, lũ 10%. Đối chiếu với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đã không còn đảm bảo công năng.
Tổng hợp thiệt hại về đê, kè trên địa bàn tỉnh cho thấy: Đê hư hại 8.100m; kè hư hại 2.770m; cống trên đê hư hỏng 8 cái; kè bao hư hại 15.000m. Và giải pháp công trình như kè mỏ hàn, kè chữ T để tạo bồi, nuôi bãi đã được tính đến để tạo tính ổn định cho vùng ven biển Quảng Bình. Trước mắt, cần được Trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng để gia cố kè biển, kè cửa sông. Về lâu dài, kiến nghị ngành chủ quản cần nâng tần suất thiết kế, để chống chịu bão lớn.
Đầu tư nhỏ giọt nên hiệu quả thấp
Đê biển Quảng Bình theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg có tổng chiều dài 154km, trong đó, có 11km đê trực diện với biển còn lại hầu hết là đê vùng cửa sông. Các tuyến đê này được hình thành từ lâu đời nhằm ngăn lũ, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kết hợp giao thông, bảo vệ dân sinh - kinh tế của địa phương.
Sau hơn 11 năm thực hiện mới chỉ nâng cấp, sữa chữa các đoạn tuyến với tổng chiều dài 18,9km (chiếm khoảng 12% so với Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg) trong khi nguồn ngân sách tỉnh rất hạn hẹp, chỉ đủ thực hiện các sữa chữa nhỏ mà mang tính khẩn cấp hoặc tạm thời. Do nguồn vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình chưa được đáp ứng theo kế hoạch, nên chỉ mới tập trung xây dựng được một số đoạn đê xung yếu, còn nhiều đoạn đê, tuyến đê khác chưa được củng cố nâng cấp, nhất là hệ thống cống, tràn cần được đầu tư để thoát lũ, ngăn mặn.
Trước đây, Quảng Bình được Bộ NN&PTNT hỗ trợ Chương trình Tu bổ đê điều thường xuyên thực hiện hằng năm nhằm gia cố, tu bổ một số vị trí đê xung yếu, bị xuống cấp. Tuy vậy, từ năm 2015, Chương trình này không còn triển khai thực hiện tại tỉnh Quảng Bình, vì vậy, công tác tu bổ, nâng cấp đê điều trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, khối lượng thực hiện rất hạn chế.
Bão số 10 ngày 15/9/2017, có cường độ vượt tần suất thiết kế của tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã làm nhiều tuyến đê đã bị hư hỏng nặng nề, kể cả những tuyến vừa được nâng cấp, xây dựng trong thời gian gần đây. Hư hỏng các tuyến đê có nhiều hình thức và mức độ khác nhau, các tuyến đê, kè bị hư hỏng nặng gồm: vỡ thân đê tại tuyến đê hữu Gianh trên sông Thanh Ba với chiều dài 30m; kè biển Hải Trạch đã bị sóng và gió biển đánh và làm phá sập hoàn toàn khoảng 100m mái và đỉnh kè bê-tông kiên cố; đê hữu Gianh tại cửa sông Gianh (thuộc xã Bắc Trạch và Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) bị sóng tràn qua đê với lưu lượng lớn đã làm cho trên 1,5km đê bị cuốn trôi mái lát đá. Bờ biển tại các xã Quảng Phú, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch); xã Quang Phú (TP. Đồng Hới); xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) bị sóng đánh xói lở bờ sát vào sát nhà dân và đường giao thông.
Toàn tỉnh có 2.526 ha lúa bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Diện tích này khó sản xuất được vụ Đông Xuân nếu không đủ lượng nước ngọt để thực hiện thay chua, rửa mặn.
Quảng Bình là tỉnh nghèo, thu ngân sách thấp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Việc bảo vệ làng mạc, đê biển xung yếu đang là vấn đề rất nguy cấp, nếu không có giải pháp căn cơ, thì nhiều diện tích đất bãi bồi ven biển sẽ biến mất. Bên cạnh nội lực của địa phương, cần được Trung ương và các ngành chủ quản quan tâm chỉ đạo.
Bài và ảnh: Nhất Linh