Bài 1 “BOT đường Hồ Chí Minh, phí chồng phí”: Quá khổ vì đường BOT

21/02/2014 00:00

(TN&MT) - Mùa mưa lầy lội, mùa khô khói bụi là cảnh tượng diễn ra thường xuyên trên trên đoạn đường Hồ Chí Minh từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi TP.HCM trong...

   
(TN&MT) - Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) qua Tây Nguyên là tuyến đường giao thông huyết mạch, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Trong thời gian qua, Bộ GT-VT đã triển khai đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Hồ Chí Minh (HCM) bằng nhiều dự án hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), nhưng  tiến độ thi công của các dự án này rất chậm chạp, tạo ra không ít hệ lụy cho người dân. Trong khi đó, khi các dự án BOT hoàn thành cũng sẽ làm tăng chi phí vận tải đi qua tuyến đường này.
   
  Mùa mưa lầy lội, mùa khô khói bụi là cảnh tượng diễn ra thường xuyên trên  trên đoạn đường HCM từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi TPHCM trong những năm qua. Vì những dự án BOT trên cung đường thi công ì ạch, mất an toàn giao thông đã làm khốn khổ phương tiện đi lại và cả người dân sống hai bên đường.
   
Tại nhiều điểm thi công trên đường HCM qua huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), con đường bị cày xới ngổn ngang và mất an toàn giao thông
    
      
Vô tư đào xới
   
  Leo lên chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình “chinh phục” đoạn đường HCM từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến huyện Chơn Thành (Bình Phước) vào những ngày giáp Tết. Dù đi vào mùa khô Tây Nguyên, nhưng cũng được nhiều người cảnh báo sẽ gặp rất nhiều khốn khổ. Vượt qua con đường nhựa phẳng lì từ Buôn Ma Thuột tới cầu 14 (ranh giới 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông), chúng tôi gặp đoạn đường dự án BOT đầu tiên (dài 32km, bắt đầu từ cầu 14 đến xã Đắk R’la - huyện Đắk Mil, do Liên danh Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Toàn Mỹ 14 và  Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương làm chủ đầu tư) đang thi công ngổn ngang tại xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
   
   
  Do lòng đường cũ quá nhỏ, đoạn đường này được cải tạo và mở rộng ra hai bên. Nhưng đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam lại cho máy “múc” hai bên cùng lúc làm cho nền đường cũ trơ ra, cao hơn hẳn hai bên. Các cọc, biển báo đặt ngổn ngang trên đường làm ô tô phải đi thật chậm, thật sát mới “lách” qua được nhau. Cảnh tượng các phương tiện giao thông xếp thành hàng, chạy chầm chậm đi qua đoạn đường này khiến chúng tôi nghĩ ngay đến cảnh tắc đường kéo dài tại Hà Nội và TPHCM vào giờ cao điểm. Chỉ có một quảng đường ngắn 5km đi qua xã Tâm Thắng và thị trấn Ea T’linh (huyện Cư Jút), chúng tôi đếm được khoảng 10 điểm bị đào xới mất an toàn như thế. Càng đi, những điểm đào xới mất an toàn hai bên đường xuất hiện nhiều vô kể và chúng tôi cũng không thể nào đếm xuể. Đến đầu một điểm thi công trên tuyến đường HCM qua thôn Bắc Sơn (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) thì gặp ngay vụ tai nạn tông nhau liên hoàn giữa 3 ô tô. Người dân có mặt tại hiện trường cho hay, do khúc cua này bị đào sâu, lòng đường bị thu hẹp nên tài xế đang đi với tốc độ cao dễ bị tông vào xe khác. Những người ngồi trên xe may mắn thoát nạn, còn 3 chiếc xe này bị hư hỏng nặng nề.
   
   
  Đến đoạn đường BOT của Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông (dài 60km, từ huyện Đắk Song đến huyện Đắk R’lấp) đi qua chợ Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp), mặt đường bắt đầu “nát” hơn, bụi nhiều hơn và cũng bị đào xới ngổn ngang. Còn đoạn đường đang thi công ở xã Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp) xuất hiện hàng trăm “ổ voi” trên mặt đường như muốn “đánh bẫy” người tham gia giao thông. Tại đây cũng xuất hiện nhiều hố sâu do chính đơn vị thi công “múc” lên ngay giữa lòng đường. Có nhiều đoạn đường đang được tu sửa, cải tạo và đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng - Thương mại Tuấn Thành không hề cho đặt biển báo cho người đi đường.
   
Đường đã thành suối
   
  Chạy xe đến đoạn đường BOT cuối xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) của Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông, chúng tôi có cảm giác như đang được đi về con đường của một xã vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nào đó vì rất ít phương tiện giao thông qua lại. Con đường như rộng ra, thông thoáng hơn nhờ khoảng đất được san ủi bằng phẳng ở hai bên. Mặt đường nhựa cũ chỉ rộng khoảng 6-7m, nhưng xuống cấp trầm trọng. Hai bên lề đã được mở rộng ra một khoảng tương đương với nền đường cũ, đã lâu lắm chưa thi công. Xen giữa nền mặt đường cũ và những khoảng đất hai bên là những dãy cỏ chạy dọc, rộng cả 2-3m, cao đến hơn nửa người, trông xa xa như những dải phân cách cố định tại cách đoạn đường một chiều.
   
Ô tô tông nhau ngay đầu một điểm thi công đường HCM qua thôn Bắc Sơn (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông).
    
   
  Vượt qua địa phận tỉnh Đắk Nông, chiếc xe máy cà tàng tiếp tục đưa chúng tôi đến huyện Bù Đăng - Bình Phước, nơi được cánh tài xế xe khách xem là “cung đường đau khổ” nhất trên đường HCM. Đoạn đường BOT này bắt đầu từ Cây Chanh đến Cầu 38 có chiều dài 33,8km, do Công ty Đức Phú làm chủ đầu tư. Đối diện Ban Chỉ huy quân sự huyện Bù Đăng (thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng), chúng tôi bắt gặp một nhóm học sinh Trường THCS Phan Bội Châu dắt xe đạp đi bộ nơi đoạn đường đất đơn vị thi công “bỏ hoang”. Đoạn đường đất này đã được đơn vị thi công giải phóng lâu rồi nhưng dường như chưa “đụng chạm” gì cả. Do mặt đường quá hẹp, 4 học sinh Trường THCS Phan Bội Châu phải dắt xe đi bộ vào đoạn đường đất gồ ghề này. Em Bùi Huy Hùng (học sinh lớp 9A Trường THCS Phan Bội Châu) cho biết: “Đoạn đường này dốc, nhỏ hẹp và có nhiều xe lớn đi qua. Vì thế, ngày nào tụi em cũng phải dắt xe đạp đi bộ qua đây, tuy có bụi bặm hơn một chút nhưng lại an toàn”. Có lẽ vì đơn vị thi công đã lâu chưa “ngó ngàng” đến đoạn đường này nên chỉ đi qua chưa đến 1km của thị trấn Đức Phong mà chúng tôi đếm được vài “con suối” ngay bên lề đường. Do có độ dốc lớn nên mỗi khi mưa, lưu lượng nước nhiều hơn, mạnh hơn đã bào mòn các lề đường hai bên, biến chúng thành những rãnh sâu. Đến mùa khô, những “con suối” này trơ ra cả đáy, có cái sâu đến cả mét.
   
 Thi công ngổn ngang trên đường HCM qua huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông).
    
   
“Con đường bụi mờ”
   
  Cung đường HCM qua địa phận thị xã Đồng Xoài, huyện Bù Đăng và Chơn Thành (Bình Phước) được người dân địa phương ví von là “con đường bụi mờ”. Tại đoạn đi qua xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng), con đường nhựa cũ bị đơn vị thi công cày xới lên, rải đá lởm chởm và không tưới nước gì cả. Ngồi trong quán cà phê Nhân Duyên (nằm bên đường HCM, đoạn qua xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) uống nước được một lúc, cả áo quần và máy móc của chúng tôi đã bám đầy bụi đá. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Chủ quán cà phê Nhân Duyên) cho biết: Từ 6-7 năm qua, đơn vị thi công cứ rải đá lên để đó không tưới nước, làm bụi bay mù mịt vào nhà chị và ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, công việc kinh doanh của gia đình. “Mỗi lần có xe đi qua, bụi đá lại bay mịt mù vào nhà tôi làm cả nhà bị ho suốt vì hít phải bụi đá. Trong khi đó, dân trong xã cũng ngại ra quán nhà tôi uống nước vì sợ hít phải bụi đá. Còn nhiều người đi lại qua đoạn đường này bị té ngã thường xuyên, thậm chí có người đã bị té chết”, chị Hạnh tâm sự.
   
   
  Vượt “đoạn đường đau khổ” từ Bù Đăng đến Đồng Xoài, cả chiếc xe máy và quần áo chúng tôi đã nhuốm màu bụi đất. Trong cái nhá nhem của buổi chiều tối, ông chủ Nhà nghỉ Trung Cang (ở thị xã Đồng Xoài) nhìn thấy chúng tôi với bộ dạng như thế đã hỏi “các em đi từ khu rừng nào về đó”. Gội sạch bụi đất qua một đêm ở Đồng Xoài, chúng tôi cùng “con ngựa sắt” tiếp tục hành trình qua đoạn đường BOT Đồng Xoài - Chơn Thành (dài 24km, do Công ty Cổ phần BOT quốc lộ 14 Đồng Xoài - Chơn Thành làm chủ đầu tư). So với đoạn BOT qua huyện Bù Đăng, đoạn đường này mù mịt bụi đá gấp bội. Đơn vị thi công bỏ mặc con đường sỏi đá lởm chởm, mỗi khi có xe chạy qua lại “trắng trời” bụi đá. Giữa trưa nắng chang chang, chốc chốc chúng tôi bắt gặp những người dân đội nón, cầm vòi nước ra tưới đường. Cả người dân và khách bộ hành đều bực dọc khi đi trên đoạn đường này. Chị Võ Thị Thể (chủ tạp hóa Thu Thảo ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) bức xúc: “Trước đây, đoạn đường này rộng rãi và sạch sẽ lắm. Từ khi người ta cho máy đến cày xới lên, mặt đường trở nên lởm chởm, bụi đá cũng hành hạ chúng tôi suốt ngày. Bụi đá không chỉ bay vào trong nhà mà còn bay qua mái ra tận chuồng gà ở phía sau nhà cách đường khoảng 50m”.
   
Vì đường thi công dở dang và mất an toàn giao thông, 4 học sinh Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, Bình Phước) phải dắt xe đạp đi bộ.
    
   
  Ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở GT-VT Bình Phước, cho biết: Sở cũng đã nhiều lần ra quyết định xử phạt các đơn vị thi công trên đường HCM qua địa bàn tỉnh và cung cấp cho chúng tôi cả chục quyết định xử phạt. Nhưng đến nay, nhiều đơn vị thi công cũng không chịu nộp phạt cho sở và bỏ mặc con đường BOT đầy bụi đá, mất an toàn giao thông. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng đó, người dân phải tiếp tục phải chịu khốn khổ với những cung đường BOT qua Bình Phước.   
   
  Bài & ảnh: Văn Trần – Lê Phước
   
      
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1 “BOT đường Hồ Chí Minh, phí chồng phí”: Quá khổ vì đường BOT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO