Bắc Trung Bộ: Khôi phục hơn 200 nghìn ha rừng

18/08/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 18/8/2017, tại thành phố Huế, Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động giai đoạn 2 trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Từ nay đến cuối năm 2019, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý và thực hiện REDD+ hiệu quả, tập trung vào các chính sách ở cấp trung ương, các ưu tiên quốc gia liên quan đến rừng, tăng cường năng lực thực hiện REDD + ở cấp tỉnh và triển khai Chương trình Giảm phát thải (ERPD) chi trả tài chính dựa trên kết quả giảm phát thải ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

Chương trình kỳ vọng sẽ khôi phục 229.058 ha rừng đã bị mất và suy thoái, cải thiện trữ lượng các bon ở rừng tự nhiên.

Đông đảo đại diện các sở, ngành của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ tham gia hội thảo
Đông đảo đại diện các sở, ngành của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ tham gia Hội nghị

Về hiện trạng rừng trong khu vực dự án, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Dự án cho biết: Độ che phủ rừng tại vùng đề xuất đạt 57% (2,9 triệu ha) diện tích, trong đó 74% là rừng tự nhiên. Hơn một nửa (1,7 triệu ha) đất rừng của vùng thuộc quản lý của Nhà nước và gần 1/3 (0,9 triệu) đã được giao cho các hộ gia đình cá thể hoặc các cộng đồng thôn bản.

Giai đoạn 2005-2015, Bắc Trung Bộ đã mất khoảng 302 nghìn ha rừng và hơn 270 nghìn ha bị suy thoái. Các nguyên nhân chủ yếu là do chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo theo kế hoạch sang trồng cao su, trồng rừng lấy gỗ và sử dụng cho mục đích nông nghiệp khác; xâm lấn rừng tự phát; ảnh hưởng từ phát triển thủy điện và cơ sở hạ tầng; khai thác gỗ hợp pháp và bất hợp pháp.

Để giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng đã được nhận diện, dựa trên các chương trình đã được thực hiện trong nước thành công cũng như việc xây dựng chính sách trong thời gian gần đây, Chương trình Giảm phát thải xây dựng 4 hợp phần, bao gồm: Can thiệp liên ngành với việc xây dựng giải pháp dựa trên nhiều chính sách mới và các kế hoạch sẽ được thực hiện; Bảo vệ, làm giàu rừng và sử dụng rừng bền vững nhằm giải quyết nguyên nhân mất rừng bằng cách tạo ra các lợi ích chung cho các cộng đồng địa phương; Các giải pháp sinh kế bền vững nhằm giảm áp lực lên rừng; Chuyển đổi trồng rừng có xem xét đến nhu cầu gia tăng cung ứng gỗ xẻ trong nước.

Dự án đặt mục tiêu khôi phục diện tích rừng bị mất và suy thoái
Dự án đặt mục tiêu khôi phục diện tích rừng bị mất và suy thoái

Bên cạnh hỗ trợ các hoạt động liên ngành tác động về mặt chính sách, Dự án cũng sẽ triển khai 11 mô hình can thiệp trên thực địa. Với các mô hình này, Chương trình kỳ vọng tránh mất rừng và suy thoái rừng, cải thiện trữ lượng các bon ở rừng tự nhiên đã bị suy thoái là 229.058 ha. Cải thiện trữ lượng các-bon thông qua việc chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn hiện tại sang chu kỳ dài và rừng cây bản địa được ước tính là 77.820 ha, trong khi việc trồng mới trên đất trống được ước tính là 53.064 ha (dựa trên số liệu các tỉnh cung cấp trong quá trình tham vấn).

Mỗi mô hình phải chứng minh được các giải pháp sẽ tạo điều kiện cho tất cả người sử dụng rừng tham gia và góp phần vào quản lý rừng bền vững, giảm thiểu sức ép lên các diện tích rừng đặc dụng được bảo vệ. Nếu làm được điều này, 94% nguồn quỹ REDD+ sẽ được phân bổ tới các người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp và những đơn vị tham gia các mô hình trên.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” giai đoạn 2 tiếp tục được Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới với tổng số vốn 5,7 triệu USD.  Tiếp nối những thành công giai đoạn 1 (01/2013 - 11/2016), giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ tháng 11/2016 đến tháng 12/2019. Ban quản lý Các dự án Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ dự án. 

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Trung Bộ: Khôi phục hơn 200 nghìn ha rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO