Bác sĩ có được luồn tay vào áo nữ sinh để khám bệnh?

12/09/2017 00:00

(TN&MT) - Mới đây, thông tin về việc bác sĩ nam luồn tay vào áo nữ sinh ở trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng khi khám sức khỏe đầu năm học khiến nhiều người không đồng tình.

Tuy nhiên, bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho các em nữ sinh ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho rằng, bác sĩ này đã khám đúng quy trình chuyên môn và hoàn toàn không động chạm đến da thịt các em.

Là người từng khám cho rất nhiều bệnh nhân trong độ tuổi mới lớn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, khám sức khỏe nội khoa cho tuổi mới lớn khó hơn so với các lứa tuổi khác.
 
Ở tuổi mới lớn nghe tim thường có tiếng thổi cơ năng (không do tổn thương tim) rất khó phân định với tiếng thổi thực thể (do tim có tổn thương bẩm sinh). Những bác sĩ chưa có kinh nghiệm sẽ rất khó phân định. Vì thế, khi khám, bác sĩ phải nghe thật kỹ 4 ổ van tim. Trường hợp bình thường không sao, nhưng trường hợp có tiếng thổi thì bác sĩ phải yêu cầu bệnh nhân cởi áo. Trường hợp, bệnh nhân không cởi áo thì buộc bác sĩ phải luồn tay để đặt ống nghe vào cũng là chuyện bình thường.
 
Hình ảnh bác sĩ nam khám bệnh cho nữ sinh ( Ảnh internet).
Hình ảnh bác sĩ nam khám bệnh cho nữ sinh ( Ảnh internet).
 
Theo BS Cấp, thông thường, có tất cả 5 vị trí bác sĩ cần đặt ống để nghe tim gồm: Ổ van 2 lá, ổ van 3 lá, ổ van động mạch phổi, ổ van động mạch chủ. Đầu tiên, bác sĩ nghe ở mỏm tim, sau đó di chuyển loa nghe sang ổ van 3 lá, lên trên tới ổ van động mạch phổi, qua ổ van động mạch chủ.
 
Trong khi đó, các ổ van nói trên đôi khi lẩn sau áo nịt ngực nên bác sĩ dễ bị cọ ống nghe vào tạo tạp âm. Vì thế, bác sĩ muốn nghe tốt, bệnh nhân phải kéo áo nịt ngực lên hoặc xuống. “Với nơi có giường khám, bệnh nhân nằm thì không phức tạp trong việc giữ áo nịt ngực. Nhưng nếu bệnh nhân ngồi, không vén áo ngoài cẩn thận, đôi khi áo ngoài bị trùm xuống, thành ra hình ảnh bác sĩ “luồn tay” vào trong áo bệnh nhân nhìn rất phản cảm”, bác sĩ Cấp cho hay.
 
Cũng theo bác sĩ Cấp, đôi khi bác sĩ cũng hơi khó chịu vì nhiều nữ sinh đỏng đảnh, không hợp tác. Do các bác sĩ một ngày khám khoảng 100 bệnh nhân, nên chỉ giải thích được rằng, bệnh nhân cần kéo áo lên để nghe tim phổi. Nếu bệnh nhân không chịu hợp tác, buộc bác sĩ phải chuyển cơ sở khác chụp chiếu, điện tim.
 
“Thông thường, khi khám bệnh cho lứa tuổi mới lớn, bác sĩ nên gọi 3 học sinh cùng giới tính vào cùng một lúc để tránh trường hợp học sinh bình phẩm. Nhìn chung, khi khám bệnh ở tuổi này, bác sĩ nên lạnh lùng, không hỏi han trò chuyện ngoài lề, tỏ vẻ không thèm quan tâm đến cơ thể thì học sinh sẽ ít suy diễn”, bác sĩ Cấp chia sẻ.
 
Theo một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, về nguyên tắc khám bệnh, trong phòng bệnh phải có ít nhất 3 người (bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân). Cũng theo lãnh đạo này khi khám bệnh cho lứa tuổi mới lớn cái khó nhất là bác sĩ phải làm công tác tâm lý cho bệnh nhân. Thực tế, cũng có bệnh nhân e ngại, không hợp tác, không cho bác sĩ đưa ống nghe vào ngực. Vì thế, lúc này vai trò, khả năng thuyết phục của bác sĩ là rất quan trọng. Vì thế, sợ bệnh nhân ngại, bác sĩ luồn tay vào ngực để khám cho bệnh nhân cũng rất bình thường. Trong trường hợp, bệnh nhân vẫn không hợp tác, buộc bác sĩ phải chuyển cơ sở khác.
 
Thái Bảo - Gia Đạt
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ có được luồn tay vào áo nữ sinh để khám bệnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO