Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định việc chủ động thực hiện các giải pháp điều tiết nguồn nước phục vụ canh tác nông nghiệp hiệu quả là nhân tố góp phần tích cực duy trì sản xuất, tăng trưởng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương |
Báo cáo tổng kết đề cập bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, cả nước nói chung và riêng tỉnh Bạc Liêu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và đại hạn 2019 - 2020, làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh sụt giảm. 6 tháng đầu năm 2020, mức tăng trưởng bình quân cả nước chỉ đạt 1,6%, nhiều địa phương tại miền Tây tăng trưởng âm, riêng tỉnh Bạc Liêu đã duy trì sản xuất ổn định, mức tăng trưởng GRDP đạt mức 3,06%.
Nội dung báo cáo tổng kết tỏ rõ tiến trình lãnh chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền tỉnh Bạc Liêu đang tiến triển tích cực theo hướng bền vững. Trong tiến trình đó, việc theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc được chú trọng; việc tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, thúc đẩy đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm, tăng cường liên kết “4 nhà” được thực hiện thường xuyên để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt giữ ổn định sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả.
Số liệu thống kê cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn đang đạt theo lộ trình và có mức tăng trưởng từ 2% đến 11%. Trong đó, sản lượng lúa tăng 8.06%, sản lượng thủy sản tăng 2,14% (riêng sản lượng tôm tăng 11,36% so cùng kỳ), sản lượng muối tăng cao 74,83% so cùng kỳ.
Đại diện các đơn vị doanh nghiệp và người sản xuất ký kết bao tiêu thủy sản, lúa trước sự chứng kiến của chính quyền tại hội nghị |
Tham luận tại Hội nghị, đại biểu đại diện các cơ quan: Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Lúa ĐBSCL (Bộ NN&PTNT), ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân tiêu biểu… cho thấy: nhân tố cơ bản để tỉnh Bạc Liêu duy trì sản xuất ổn định, đạt mức tăng trưởng cao trong bối cảnh đại hạn, đại dịch, xâm nhập mặn… là do lĩnh vực nông nghiệp đã và đang tiếp tục vai trò chủ lực trong lãnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Bạc Liêu. Định hướng phát triển bền vững ngày càng thể hiện rõ với những chính sách tái cơ cấu theo trọng tâm tăng cường liên kết “4 nhà” phát triển sản xuất chuỗi giá trị tôm, lúa gạo dựa trên hệ sinh thái tự nhiên với các giải pháp điều tiết nguồn nước phù hợp.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, điểm nổi bật cơ bản nhất để đạt hiệu quả duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hạn hán ngày càng gay gắt là nhờ địa phương có phương án phù hợp, chủ động ứng phó tình hình, điều tiết nguồn nước kịp thời, hiệu quả, đảm bảo phục vụ duy trì canh tác lúa, nuôi thủy sản, làm muối ở các tiểu vùng sinh thái có hiệu quả.
Nhờ điều tiết tốt nguồn nước, việc đưa con tôm vào nuôi xen với cây lúa đạt hiệu quả kinh tế cao đã và đang phát triển mạnh ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh thực tiễn cho thấy đại hạn đã lặp lại sau 4 năm, công tác dự báo khí tượng thủy văn dài hạn, chính xác, kịp thời là cơ sở rất quan trọng để địa phương chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó phù hợp. Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ ngành nông nghiệp thường xuyên gắn bó với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân, bám sát ruộng đồng, kịp thời triển khai sản xuất theo lịch thời vụ để thực hiện các biện pháp điều tiết nước… là những nhân tố tích cực cơ bản cần phải được đúc kết, phát huy để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất bền vững dựa trên hệ sinh thái trong thời gian tới.
Được biết, năm 2019 tổng giá trị cuối cùng của các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt mức 10,61%, đứng hàng thứ 3 trong số 13 tỉnh ở miền Tây.