Bạc Liêu: Phát huy vai trò của thanh niên trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH

26/11/2016 00:00

(TN&MT) - Là một tỉnh có 56 km bờ biển với nhiều sông rạch, kênh mương ăn sâu vào đất liền chịu ảnh hưởng của thủy triều nên Bạc Liêu là một trong những địa phương trong cả nước chịu ảnh hưởng rõ rệt về biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất và môi trường như: nước biển dâng, xâm nhập mặn… Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, ý thức được trách nhiệm của mình đối công tác bảo vệ môi trường, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã cụ thể hóa Chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường thành chương trình hành động cụ thể của tuổi trẻ tỉnh nhà với nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả.

Trước hết, để thanh thiếu nhi và nhân dân nhận thức đúng và thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Đây là một trong những khâu vô cùng quan trọng. Bởi khi nhận thức tích cực thì họ sẽ hành động đúng, qua đó, họ sẽ vận động người thân, gia đình, bạn bè tích cực hưởng ứng các hoạt động này. Tùy vào từng nhóm đối tượng khác nhau mà các cấp bộ đoàn có những hình thức tuyên truyền khác nhau sao cho phù hợp với trình độ, tâm lý và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị gắn với việc áp dụng vào cuộc sống thường ngày như: không lãng phí thực phẩm, sử dụng tiết kiệm điện, gas, nước trong sinh hoạt, bỏ rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương, tắt những thiết bị điện khi không sử dụng.... tạo thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp tốt với các ngành chức năng của địa phương, ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên và môi trường tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn đăng ký đảm nhận và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu di tích văn hóa, lịch sử, giữ gìn vệ sinh cảnh quan khu vực công cộng, các điểm chợ, các dòng sông... Mỗi cơ sở Đoàn, Hội, Đội trong tỉnh đã đăng ký xây dựng ít nhất một mô hình hoặc tổ chức có hiệu quả một hoạt động về bảo vệ môi trường; 100% Đoàn cơ sở Xã, Phường, Thị trấn trong tỉnh thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả đội hình TNTN chuyên, đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường. Định kỳ, tổ chức cho ĐVTN tham gia các hội thi tìm hiểu môi trường, về công tác bảo vệ môi trường, các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Chiến dịch mùa hè tình nguyện” hàng năm được các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện hiệu quả thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.

Thanh niên tỉnh Bạc Liêu luôn xung kích trong công tác bảo vệ môi trường
Thanh niên tỉnh Bạc Liêu luôn xung kích trong công tác bảo vệ môi trường

Đối với địa bàn nông thôn, thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Bạc Liêu chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn thông qua các hoạt động: Tổ chức vận động nhân dân, nhất là ở địa bàn nông thôn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hoá học hợp lý trong sản xuất nông nghiệp; không xả rác, chất thải bừa bãi ra môi trường xung quanh bằng các hình thức như: treo băng rol, pano, áp phích, phát tờ rơi tuyên truyền...

Bên cạnh đó, đồng loạt ra quân đảm nhận các công trình, phần việc thông qua các hoạt động được duy trì thường xuyên, hàng năm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức phát hoang, đắp, sửa chữa lộ bê tông, trên 30. 000 km đường và lộ đất đen 17.000m; vận động nhân dân xây dựng hàng rào bê tông, hàng rào cây xanh dài 20 km; xóa 300 cầu vệ sinh trên sông; tuyên truyền, vận động từng hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và hố xử lý rác tại gia đình; trồng gần 20.000 cây xanh các loại. Các mô hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường ngày càng phát huy hiệu quả với việc thành lập các “Tổ hợp tác, Hợp tác xã thanh niên làm dịch vụ thu gom rác thải”, mỗi tổ hợp tác có từ 07 lực lượng trở lên thường xuyên thu gom rác đưa về điểm tập kết, các cấp bộ Đoàn đã thành lập được 230 đội TNTN bảo vệ môi trường với 5.908 thành viên hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Bạc Liêu ra quân vớt rác bảo vệ môi trường tuyến kênh hở P2 - thành phố Bạc Liêu.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bạc Liêu ra quân vớt rác bảo vệ môi trường tuyến kênh hở P2 - thành phố Bạc Liêu.

Đối với khu vực thành thị, ngay từ khi Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về việc xây dựng thành phố Bạc Liêu trở đô thị loại II, thành phố xanh, sạch, đẹp – văn minh được ra đời vào năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã kí kết Kế hoạch liên tịch với Ban Thường vụ Thành ủy phối hợp giữa tất cả các Đoàn trực thuộc Tỉnh Đoàn và UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố xây dựng 21 tuyến đường kiểu mẫu trải dài trên tất cả các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố.

Sau khi triển khai thực hiện, hàng tuần, hàng tháng  đều tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, vớt rác trên sông, khơi thông cống rãnh thoát nước, tuyên truyền các tiêu chí nếp sống văn minh đô thị,  nhắc nhở người dân và các hộ buôn bán đậu đổ xe và trưng bày, sắp xếp hàng hóa đúng nơi quy định, không lấn chiếm vỉa vè và lòng, lề đường, duy trì hoạt động các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường tham gia bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, quét vôi cho cây xanh; lắp 35 thùng rác công cộng trên 03 tuyến đường trong nội ô thành phố; xây dựng “Sọt rác thân thiện”, “Tuyến đường không rác, hẻm không rác”, xây dựng mô hình “Đội thanh niên xung kích xây dựng tuyến đường kiểu mẫu - trật tự đô thị”.. những hoạt động trên đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, góp phần chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đưa thành phố hoàn thành mục tiêu được công nhận đô thị loại II trước thời hạn 1 năm.

Bên cạnh đó, các hoạt động chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được các cấp bộ đoàn quan tâm thực hiện và triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực, như: chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất hàng năm; hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường; vận động cán bộ, ĐVTN trong toàn tỉnh sử dụng thiết bị có tính năng tiết kiệm điện; tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng lãng phí thực phẩm, tạo phong trào tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm nguồn lương thực thực phẩm và bảo vệ môi trường; tổ chức phát hàng ngàn túi thân thiện với môi trường cho người dân tại các điểm tập trung dân cư.

Ngoài ra, các cấp bộ đoàn trong tỉnh còn thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện phòng chống thiên tai, sạt lở với quy mô từ tỉnh đến cơ sở. Các đội thanh niên tình nguyện thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân, đảm nhận bờ kè chống sạc lỡ, gia cố bờ kè, các tuyến đê biển tại tất các địa phương trong tỉnh; đảm nhận trồng hàng trăn hécta rừng phòng hộ mỗi năm,... Trong đợt hỗ trợ chống xâm nhập mặn vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã vận động hỗ trợ cho 07 trạm cấp nước  ngọt tập trung; 25 giếng bơm nước sạch cho hộ nghèo, 50 bồn chứa nước bà con vùng hạn, mặn tổng trị giá gần 300 triệu đồng tại các địa phương trong, giúp chia sẻ với bà con phần nào những khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu và ĐVTN tỉnh trồng cây trên tuyến kênh bờ Tây, phường 2, tp Bạc Liêu, hưởng ứng hoạt động Ngày chủ nhật xanh 2016.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu và ĐVTN tỉnh trồng cây trên tuyến kênh bờ Tây, phường 2, tp Bạc Liêu, hưởng ứng hoạt động Ngày chủ nhật xanh 2016.

Từ những hoạt động trên đã thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên Bạc Liêu trong việc chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tác động sâu sắc đến nhận thức của đông đảo đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân, góp phần cùng địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các gải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về bảo vệ Tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc thực hiện kịp thời trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai, các ô thủy lợi khép kín và các trạm bơm điện gắn với xây dựng các công trình cấp thoát nước tại các điểm trũng; Củng cố, hoàn thiện bộ máy phòng, chống lụt bão, thiên tai; quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; chống xả thải các chất khí gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường nước...

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền trong ĐVTNvới việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động tạo môi trường lành mạnh của cơ quan, đơn vị;  đấu tranh, tố giác lên án các hành vi buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài động, thực vật quý hiếm, các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường... Đồng thời, phản ánh các gương người tốt, việc tốt, các mô hình hoạt động có hiệu quả trong công tác  bảo vệ tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên thanh niện tham gia và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cho bảo vệ môi trường. Các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường là cơ sở, dữ liệu quan trọng giúp cho việc định hướng chính sách, quy hoạch các công trình ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ tư, các cấp bộ Đoàn cần chủ động tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, xung kích phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; Củng cố và phát huy hiệu quả các mô hình ĐVTN xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nhân rộng các mô hình tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến phố xanh, sạch, đẹp; xây dựng mô hình văn phòng xanh, góc phố sạch, vỉa hè sạch.

Thứ năm, tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, Tổ chức trồng và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học;  Phổ biến cho người dân các mô hình xây dựng công trình hợp vệ sinh, xa nơi ở, chi phí thấp; hỗ trợ, giúp nhân dân xây dựng các công trình nước sạch và các công trình hợp vệ sinh (nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi); Vận động ĐVTN và nhân dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tiếp tục tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; ra quân làm vệ sinh tuyến kênh, tuyến phố xanh, sạch, đẹp…; Nhân rộng mô hình sản xuất sạch, mô hình kinh tế xanh trong ĐVTN; Tích cực vận động ĐVTN tham gia trồng, bảo vệ rừng phòng hộ; tổ chức cho thanh niên trồng mới, trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ và các loài thực vật ứng phó biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu hiện là vấn đề toàn cầu, thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường vừa là một mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Do đó, mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người dân phải nêu cao ý thức và hành động tích cực để bảo vệ môi trường, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một môi trường sống lành mạnh. 

Trương Hồng Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu 

 

                           

                                                                                                   

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Phát huy vai trò của thanh niên trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO