Bắc Giang: Sai phạm nghiêm trọng Nghị định của Chính phủ, tất cả cùng nhau rút kinh nghiệm

18/10/2017 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kết luận số 2174/KL-UBND về một số sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai liên quan tới đương kim PCT UBND...

(TN&MT) - Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kết luận số 2174/KL-UBND về một số sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai liên quan tới đương kim PCT UBND tỉnh Bắc Giang là ông Dương Văn Thái. Trong đó nêu rõ việc UBND TP Bắc Giang trong giai đoạn ông Dương Văn Thái làm Chủ tịch đã ban hành hai Quyết định thu hồi đất trái quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ dẫn đến việc là “dôi ra” 174 lô đất để bán đấu giá.
 
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang hiện tại là ông Mai Sơn phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, các nhân có liên quan trong việc tham mưu, ban hành các Quyết định thu hồi đất trồng lúa không đúng quy định tại Nghị định của Chính phủ trong giai đoạn 2012 – 2014. Thời điểm này ông Dương Văn Thái – đương kim PCT UBND tỉnh Bắc Giang giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang.
 
Ông Dương Văn Thái (bìa phải) - PCT UBND tỉnh Bắc Giang tham gia trong một sự kiện của ngân hàng VP Bank - Ảnh Cổng thông tin điện tử Bắc Giang
Ông Dương Văn Thái (bìa phải) - PCT UBND tỉnh Bắc Giang tham gia trong một sự kiện của ngân hàng VP Bank - Ảnh Cổng thông tin điện tử Bắc Giang
 
Quay trở lại thời gian cách đây 5 năm, từ việc chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 12/11/2012, UBND TP. Bắc Giang có văn bản số 286/UBND-TNMT về việc xin chủ trương thu hồi đất trồng lúa để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật thôn Song Khê.
 
Tiếp đó, ngày 31/01/2013, UBND TP. Bắc Giang ban hành quyết định số 340/QĐ-UBND và Quyết định số 1905/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 liên quan tới việc thu hồi đất lúa trước khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý (ngày 23/6/2014) và trước khi UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản số 1697/UBND-TN ngày 26/6/2014 về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án, công trình theo công văn số 1023/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ. Việc làm của lãnh đạo UBND TP. Bắc Giang thời điểm này là chưa đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Chính vì những sai phạm kể trên, cộng với một số đơn thư của người dân tố cáo việc làm trái pháp luật của lãnh đạo UBND TP. Bắc Giang thời kỳ đó nên UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kết luận bổ sung số 2174/KL-UBND sau khi đã ban hành một kết luận khác trước đó liên quan đến vụ việc này. 
 
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình đó là hình thức xử lý cán bộ sai phạm trong vụ việc này của Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang là ông Mai Sơn. Trả lời PV Báo TN&MT, ông Trần Nam Chinh – Phó trưởng phòng Nội vụ TP. Bắc Giang cho biết: Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang chúng tôi đã có hướng dẫn các đơn vị tập thể cá nhân có liên quan, các đơn vị cũng có kiểm điểm đối với 2 đơn vị là Phòng TN&MT và UBND xã Song Khê. Về sai phạm tại Phòng TN&MT có 2 cá nhân và UBND xã Song Khê có 3 cá nhân. Sau khi các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm xong, chúng tôi cũng đã nhận được báo cáo của các đơn vị, sau đó chúng tôi tham mưu cho Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang có Văn bản báo cáo UBND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan với hình thức “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
 
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết:
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng phải kỷ luật cán bộ làm sai cả về mặt Đảng và Chính quyền, nhất là người đứng đầu UBND TP. Bắc Giang thời gian đó
 
Còn đối với ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND TP Bắc Giang (hiện là PCT UBND tỉnh Bắc Giang) là người phải chịu trách nhiệm trong chuyện này được xử lý ra sao, ông Trần Nam Chinh cho biết: Những trường hợp cá nhân là lãnh đạo TP. Bắc Giang thời điểm xảy ra sai phạm như trường hợp của ông Thái do hiện đang là cán bộ của tỉnh nên phải do UBND tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm. Còn chúng tôi chỉ kiểm điểm các cá nhân đơn vị liên quan hiện nay là cơ quan tham mưu. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND TP Bắc Giang kiểm điểm cán bộ là kiểm điểm cán bộ quản lý ở đây thôi.
 
Để kiểm chứng xem việc báo cáo có đúng như ông Trần Nam Chinh – Phó trưởng phòng Nội vụ TP. Bắc Giang nói hay không, PV đề nghị cung cấp văn bản này thì ông Vi Văn Toàn - Chánh văn phòng UBND TP.Bắc Giang cho biết báo cáo thì  xong rồi nhưng do hiện nay, vụ việc này đang được UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện nên không thể cung cấp văn bản(?!).
 
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trong vụ việc này, nếu theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức thì không có bất cứ hình thức xử lý kỷ luật nào với cá nhân sai phạm với tên gọi “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Nếu cán bộ nào làm trái pháp luật mà cũng chỉ bị xử lý như vậy sẽ làm mất tính nghiêm minh của pháp luật, gây bức xúc dư luận, mất niềm tin của người dân vào cán bộ, vào Đảng và Chính phủ. Tôi cho rằng, phải kỷ luật cán bộ làm sai cả về mặt Đảng và Chính quyền, nhất là người đứng đầu UBND TP. Bắc Giang thời gian đó. Có như vậy mới tạo được niềm tin của dân chúng về sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như hòa cùng tinh thần "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ
 
1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức; d) Bãi nhiệm.
2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
3. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
4. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
 
Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức
 
1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc.   
2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
4. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức.
 
Theo Nghị định số 27/2012NĐ-CP quy định về việc xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định các hình thức kỷ luật với viên chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
 
Doãn Hưng
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Sai phạm nghiêm trọng Nghị định của Chính phủ, tất cả cùng nhau rút kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO