Bắc Giang: Kỷ niệm 133 năm khởi nghĩa Yên Thế

16/03/2017 00:00

(TN&MT) - Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 3 năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay, cứ đến ngày...

(TN&MT) -  Hằng năm, từ ngày 15-17/3 dương lịch, UBND huyện Yên Thế lại long trọng tổ chức lễ hội Yên Thế nhằm tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Song song với phần Lễ là phần Hội với nhiều hoat động như đấu võ cổ truyển, hát quan họ, thi hội trại đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội. 
 
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 133 năm (1884-2017) khởi nghĩa nông dân Yên Thế, để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, lễ hội được huyện Yên Thế tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm và long trọng. Sau tiếng trống, tiếng chiêng là màn dâng lễ vật, dâng rượu tiên tế tới Hoàng thiên anh linh và nghĩa quân anh dũng; lễ dâng hương báo công về những thành tựu nổi bật của huyện Yên Thế trong một năm qua và lễ phóng ngư tại hồ sinh thái có lịch sử từ hơn 100 năm trước.
 
BG
Lễ hội Yên Thế được tổ chức mỗi năm nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc
 
Theo đó, vào những năm 80 của thế kỷ trước, để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 3 năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 16/3 dương lịch, lễ hội lại được tổ chức tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, đại bản doanh Phồn Xương của nghĩa quân Yên Thế khi xưa.
 
Năm nay, ở phần hội du khách sẽ được thưởng thức và tham gia nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người. Bên cạnh đó là các hoạt động thể dục, thể thao như bóng chuyền nam, nữ, cầu lông. Ngoài ra UBND huyện Yên Thế còn tổ chức chiếu phim “Thủ lĩnh áo nâu” để nhân dân thưởng thức và ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.
 
Chia sẻ với PV, ông Vũ Trí Hải – Chủ tịch UBND huyện  Yên Thế cho biết: Năm nay cũng như mọi năm chiều ngày 15/3 sẽ là lễ tế, ngày 16/3 sẽ tổ chức khai mạc, hội diễn văn nghệ. Bên cạnh đó BTC lễ hội đã lắp đặt nhiều nhà vệ sinh công cộng để phục vụ du khách, có các đội đi thu gom rác thải ở đường đảm bảo sạch sẽ cho du khách tới tham quan trảy hội. 
 
Bà Nguyễn Thị Vân từ tỉnh Lạng Sơn  về dự lễ hội hồ hởi cho biết năm nào bà cũng về dự lễ hội để tưởng nhớ người anh hùng áo vải đã kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm. 
 
Trao đổi với PV, ông Phạm Quang Tuyến – Giám đốc Ban QL di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám  tự hào cho biết, dẫu cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thất bại thế nhưng đã toát lên được tinh thần yêu nước quật khởi, đặc biệt là sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám đã làm cho thực dân Pháp khiếp vía, run sợ khi nhắc tới “Hùm xám yên thế”. Thông qua lễ hội Yên Thế để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công lao to lớn của những người nông dân áo vải đã đoàn kết lại để đánh đuổi quân xâm lược.
 
 Cũng trong dịp này, BQL sẽ mở cửa nhà trưng bày để du khách thập phương được tham quan các hiện vật, di tích của anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám
Cũng trong dịp này, BQL sẽ mở cửa nhà trưng bày để du khách thập phương được tham quan các hiện vật, di tích của anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám
 
Lễ hội Yên Thế được tổ chức mỗi năm nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó là phát huy giá trị và nét đẹp của những di sản văn hóa mà cha ông để lại trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm nói chung. Thông qua lễ hội Yên Thế để du khách thập phương cảm nhận được ý nghĩa chính chị và văn hóa sâu sắc, vừa mang tính truyền thống, tâm linh và hiện đại tạo nét độc đáo của vùng quê Yên Thế thượng võ, giàu truyền thống cách mạng nơi đây.
 
Hoàng Hoa Thám thuở nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau này di cư lên Yên Thế. Năm 26 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Cai Vàng. Tới năm 34 tuổi lại gia nhập cuộc khởi nghĩa Đại Trận và được gọi là Đề Dương. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (11-1873) Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Xuân Soạn. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (4-1884), ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Hữu Lũng. Cuối năm 1885, ông cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm tức Đề Nắm và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913.

 

Mạnh Hưng – Vi Hải
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Kỷ niệm 133 năm khởi nghĩa Yên Thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO